Trang chủ

     

Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2013

CHUYỆN TƯỞNG CHỈ CÓ TRONG TIỂU THUYẾT

Ban_cho_lam_duong

Cái tên Đại Phong (bây giờ thuộc xã Phong Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình) nổi tiếng từ hơn nửa thế kỉ trước bởi lúc bấy giờ nó là ngọn cờ đầu sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi của miền Bắc XHCN. Với thế hệ những người ngấp nghé U60 trở lên không ai là không biết đến câu “Sóng Duyên Hải, gió Đại Phong” lừng lẫy một thời.  


Cứ nghĩ Đại Phong ngày nay chắc khác hẳn Đại Phong nửa thế kỉ trước, nhưng thật không ngờ, đọc bài Bán chó làm đường trên Pháp luật thành phố mà không khỏi giật mình xót xa cho một vùng quê luôn sôi sục tinh thần cách mạng. Người nông dân vẫn còn vất vả với bao lo toan của cuộc sống thường nhật, tuy “gió Đại Phong”  vẫn bừng bừng khí thế trong phong trào xây dựng nông thôn mới hôm nay.

Để thực hiện chủ trương bê tông hóa đường giao thông nông thôn, để làng quê được nở mày nở mặt với thiên hạ, Đại Phong phải hô hào dân đóng góp không chỉ có công sức  mà cả tiền bạc. Nhưng thay vì giãn ra từng đợt, từng năm để dân đỡ vất vả thì địa phương lại bắt dân đóng cái rụp một lần, hộ ít vài ba triệu, hộ nhiều cả chục triệu cho nên nhà nào cũng phải gồng lên. Số tiền đó quả là quá sức đối với những người nông dân ở một vùng quê nghèo. Nhiều gia đình chạy ngược chạy xuôi, cắm sổ đỏ, vay lãi cao, có những hộ cận nghèo phải bán lúa non ngoài đồng để nộp cho đủ số tiền đã được phân bổ. Nghị quyết ban rồi, không thể làm khác được. Vả lại người nông dân dù nghèo khó nhưng vẫn trọng danh dự, không muốn nhục vì thiếu tiền mà bị réo tên trên cái loa công cộng. Còn chính quyền thì chỉ biết làm sao lập được thành tích càng nhanh càng tốt, chẳng cần quan tâm đến việc dân đang phải khốn khổ xoay sở ra sao.

Ông Phạm Xuân Phồn (80 tuổi), một hộ nghèo, cho biết: “tui cực khổ xóm cho nộp 2,2 triệu đồng, tui chẳng có tiền. Nuốt nước mắt, cả nhà có được cái tivi cũ cùng con chó mới lớn, dặn vợ đưa con chó vàng ra chợ bán được 600.000 đồng. Về nộp cho xóm 500.000 đồng, còn lại nợ. Trăm ngàn tiền bán chó vàng còn lại tui ra mua con chó khác về nuôi”.

Chuyện thật như đùa, tưởng chỉ có trong tiểu thuyết “Tắt đèn” của nhà văn Ngô Tất Tố mà thôi?


Ảnh: Ông Phồn đã bán chó để nộp tiền làm đường, con còn lại mới mua về, ông tính nó lớn bán được thì bán khi nộp tiếp (ẢNH: PLTP)

Bỗng nhớ đến chuyện mấy bữa trước Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước bức xúc trước việc dân mình còn nghèo mà nhiều địa phương xây trụ sở làm việc xa hoa, lộng lẫy như cung điện. Giá như bớt được một phần nhỏ kinh phí xây dựng những cái “cung điện” ấy thì sẽ thêm được hàng ki lô mét đường nông thôn bê tông hóa và những người nông dân nghèo như ông Phồn nhờ đó mà vợi đi một phần cơ cực. Giá như…

21-9-2013
Nguyễn Duy Xuân