Sau bao nhiêu tranh cãi ở nghị trường cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng, chiều nay, Quốc hội đã “bác” đường sắt cao tốc Bắc – Nam. Một quyết định tỉnh táo, ít nhất cũng là ở thời điểm hiện tại của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất về một chủ trương liên quan đến sự phát triển của đất nước trong vòng vài ba chục năm tới.
Nghị quyết về dự án Đường sắt cao tốc Hà Nội - TPHCM được đưa ra biểu quyết với 2 phương án.
Phương án thứ nhất như đã xin ý kiến đại biểu trước đó, thể hiện quan điểm, cần huy động đa dạng mọi nguồn lực của Nhà nước và xã hội, trong nước và ngoài nước, bằng nhiều phương thức đầu tư để tăng đầu tư, cải thiện rõ rệt cơ sở hạ tầng giao thông trong phạm vi cả nước cũng như trong từng vùng, góp phần tạo bước đột phá trong phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Theo đó, dự án đường sắt cao tốc sẽ được đầu tư theo phương án trong Báo cáo đầu tư trình QH đầu kỳ họp.
Kết quả biểu quyết, chỉ 209 đại biểu (tương đương 42,39%) tán thành còn 191 đại biểu (38,74%) không tán thành.
Phương án thứ hai là tán thành chủ trương đầu tư dự án với tư tưởng, chỉ đạo, nội dung và bước đi như sau:
QH giao cho Chính phủ trước mắt, rà soát, hoàn chỉnh quy hoạch giao thông tổng thể trong cả nước, bao gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển, đường hàng không phù hợp với yêu cầu trước mắt cũng như lâu dài của sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, nguồn lực tài chính nhà nước, điều kiện tự nhiên, bảo vệ môi trường, đặc điểm văn hóa và phân bố dân cư; trong đó có quy hoạch hệ thống giao thông Bắc - Nam, xác định rõ lộ trình thực hiện, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển giao thông của cả nước và các vùng.
Tiếp theo đó, đơn vị thực hiện lập quy hoạch chi tiết; tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, đầy đủ và toàn diện hơn các điều kiện bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của tuyến đường sắt cao tốc Hà Nội - TPHCM.
Trên cơ sở đó nghiên cứu lập dự án đầu tư một trong hai đoạn tuyến Hà Nội - Vinh hoặc TPHCM - Nha Trang, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư một đoạn tuyến được chọn và thực hiện đầu tư vào thời điểm thích hợp trước năm 2020 bằng nhiều nguồn vốn, đa dạng phương thức đầu tư.
Từ kết quả đầu tư xây dựng đoạn tuyến được chọn, tiến hành đánh giá việc đầu tư, khai thác đoạn tuyến trên và báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định việc triển khai đầu tư xây dựng các bước tiếp theo.
Phương án này cũng chỉ nhận được 37,53% (185 đại biểu) tán thành còn 41,15% đại biểu khác không nhất trí thông qua.
Nội dung, lộ trình triển khai dự án như trên cũng chỉ nhận 31,85% (157 đại biểu) tán thành; 34,48% (179 đại biểu) phản đối; 16,53% đại biểu khác không biểu quyết.
Với tỷ lệ “phiếu thuận” ở cả 2 phương án đều chưa đủ mức quá bán (50%), QH đã thống nhất chưa thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TPHCM.
Theo P. Thảo
ảnh: Việt Hưng
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bỏ phiếu cho dự án đường sắt cao tốc.
Bộ trưởng GT-VT Hồ Nghĩa Dũng "cô đơn" chờ đợi kết quả biểu quyết của QH