Đó là nhan đề một mục trong bài viết: PN&HĐ: Mỏ vàng lớn nhất VN và thông điệp của một Bộ trưởng của tác giả Trực Ngôn, đăng trên Báo mới.com ngày 18/06/2010 nhân việc Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quí công bố bài viết Bốn năm giáo dục qua các con số, một ngày trước khi Quốc hội có quyết định về nhân sự của Bộ GD-ĐT.
Với 2.400 chữ của ông Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo với tựa đề "Bốn năm giáo dục qua các con số", năm người bạn tôi đều là giáo viên ở các cấp từ PTTH đến Đại học đều cười và nói: "Bài viết này giống một bản báo cáo thành tích cách đây nhiều năm của ngành giáo dục". Còn tôi, tôi gọi đó là "văn bản cổ xưa vừa tìm thấy trong... máy vi tính".
Những gì ngành giáo dục đã làm thiết nghĩ nhiều người đều biết cả, đặc biệt những người công tác trong ngành giáo dục. Tôi không hiểu ông Thứ trưởng kia viết bài báo này và gửi bài báo này để in lên báo làm gì???
Có quá nhiều vấn đề trong bài báo này cần phải được bàn đến nơi đến chốn. Nhưng tôi chỉ nói qua một hai điều mà thôi. Ông Thứ trưởng viết rằng các vụ việc vi phạm đạo đức nhà giáo đã giảm rõ rệt. Xin thưa ông Thứ trưởng, có thể số lượng giáo viên vi phạm đạo đức bị ngành giáo dục phát hiện ít hơn trước kia. Nhưng mức độ vi phạm đạo đức thì kinh hoàng mà tôi không muốn kê khai những vụ việc ấy ra nữa.
Trong bản báo cáo của một Thứ trưởng về nền giáo dục đang bị xã hội lên tiếng như những hồi chuông báo động gấp mà ông lại nói về mấy em đi thi không bị tai nạn xe máy, xe đạp. Vấn đề đi xe máy, xe đạp có va chạm hay bị tai nạn cho dù có em học sinh đã mất đi mạng sống thì cũng không thuộc về những yếu tố cơ bản của một nền giáo dục mà Nhà nước và nhân dân đang đau đầu tìm cách giải quyết.
Ông viết: "Phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" có sức lan toả mạnh mẽ, đã tạo nên những chuyển biến rõ nét về cảnh quang trường lớp, về môi trường giáo dục nhân văn, về chất lượng dạy và học, về giáo dục kỹ năng sống, về gìn giữ và phát huy truyền thống lịch sử văn hoá dân tộc".
Đoạn báo cáo trên quá cũ, quá sáo mòn mà chúng ta đã phải nghe lâu lắm rồi. Trường học đang ngày càng mất đi bản chất "mái trường thân yêu" của nó và học sinh càng ngày càng trở nên tự do một cách bất cần. Tôi nói những lời lẽ này với ông cho dù nặng nề thế nào thì ông vẫn là Thứ trưởng và tôi vẫn là dân thường. Nhưng chúng ta không còn cách nào là phải nhìn vào sự thật.
Ông đưa cả mấy buổi truyền hình trực tiếp coi như thành tích trong 4 năm qua của ngành giáo dục thì những phụ huynh như tôi không biết nói gì nữa đây. Một trong những hoạt động tốn phí tiền của và nhiều phù phiếm là các buổi truyền hình trực tiếp cho dù không phải là tất cả các buổi truyền hình trực tiếp. Nhưng đối với ngành giáo dục thì có đến triệu buổi truyền hình trực tiếp cũng chẳng có ý nghĩa gì về bản chất của nó.
Quả thực, một trong những hội chứng thời công nghệ hiện đại ở nước ta là "hội chứng truyền hình trực tiếp". Liệu ông có thể bớt một buổi truyền hình trực tiếp để làm một cái cầu tre thôi cho những học sinh thân yêu của ông ở Pôkô không phải đu ròng rọc như "khỉ đu dây" qua sông đi học không?
Ông viết: 61/63 tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS. Tôi cam đoan với ông rằng: ngay cả những nước có nền giáo dục tiên tiến nhất thế giới cũng không dám tuyên bố gần 100% hệ thống giáo dục THCS của họ đạt CHUẨN. Hay ở Việt Nam, CHUẨN của chúng ta khác CHUẨN của họ? Thay mặt bạn đọc, xin ông viết cho một bài có thể là 10 kỳ cũng không sao để nói rõ chúng ta đã đạt CHUẨN như thế nào.
Rồi những hội thảo, những bài báo hay là lượng truy cập của Báo điện tử của ngành giáo dục mà ông đưa ra trong bài viết như thành tích của nền giáo dục quả thật làm các phu huynh buồn quá, thất vọng quá. Nó chẳng nói lên điều gì về bản chất của bất cứ nền giáo dục nào trên thế giới. Đó chỉ là những hoạt động phụ trợ không hẳn cần thiết cho một nền giáo dục yếu kém như nền giáo dục chúng ta. Vì Bộ GD-ĐT không phải là đơn vị tổ chức sự kiện (hội thảo) hay là một tờ báo cần phải tăng lượng hit.
Không, không... tôi sẽ không tiếp tục nói nữa. Bởi nếu nói tiếp tôi sẽ bị rơi vào tình trạng rối loạn bởi những con số trong bài viết của ông. Nếu thấy cần thiết, chúng ta sẽ tổ chức diễn đàn bàn luận về những con số đó. Có không ít các giáo sư danh tiếng và đông đảo những người quan tâm đến nền giáo dục chúng ta sẵn sàng luận bàn về những con số này.
Xem thêm bài viết của ông Trần Quang Quí: http://vietnamnet.vn/giaoduc/201006/Nhung-con-so-giao-duc-duoi-thoi-Bo-truong-Nguyen-Thien-Nhan-916378/