Trang chủ

     

Chủ Nhật, 16 tháng 5, 2010

KỈ NIỆM 120 NĂM NGÀY SINH HỒ CHÍ MINH


HỌC TẬP BÁC HỒ

     Hồ Chí Minh là con người của lịch sử, của thời đại.
     Người là kết tinh tư tưởng, đạo đức, nhân cách và tình cảm của dân tộc trong suốt mấy nghìn năm lịch sử cùng những giá trị nhân văn cao cả của nhân loại. Người là tấm gương vô cùng sáng trong, nguyên vẹn để mỗi chúng ta soi mình và hoàn thiện.
     Sinh thời, con người của Bác giản dị, gần gũi, chan hoà với nhân dân. Đạo đức, tư tưởng của Người không cao siêu, vời vợi. Có lẽ vì thế mà nhân dân yêu kính, trìu mến gọi Người là Bác, là Cha:
Người là Cha, là Bác, là Anh
Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ
(Tố Hữu)
     Cho nên cảm nhận chung của mọi người khi gặp Bác là sự gần gũi, thân yêu. Người thấu hiểu đất nước, dân tộc, nhân dân trong một giai đoạn đau thương nhất của lịch sử. Có lẽ vì thế mà trái tim của Người chan chứa lòng nhân ái bao la; tư tưởng của Người được thể hiện bằng một thứ ngôn ngữ giản dị, dễ hiểu. Đó chính là sức hút mạnh mẽ của con người Hồ Chí Minh, là cội nguồn yêu thương của nhân dân đối với Bác.
     Chúng ta đã và đang phát động phong trào rộng khắp trong cả nước học tập và làm theo tấm gương đạo đức, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó là một chủ trương đúng đắn của Đảng nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi người từ cán bộ, đảng viên đến quần chúng nhân dân đối với đất nước. Nhưng nếu còn sống, chứng kiến cảnh con cháu học tập mình một cách rầm rộ thì chắc chắn Người sẽ không vui bởi con người của Bác vốn khiêm tốn, giản dị. Người không thích sự phô trương, làm tốn kém, lãng phí thì giờ, công sức và tiền bạc của nhân dân.
     Có những cuộc học tập ở cơ quan tập trung hàng trăm người, kéo dài hàng ngày. Chủ toạ lên diễn đàn cứ thao thao bất tuyệt còn mọi người ngồi dưới thoải mái chuyện trò, làm việc riêng. Đôi khi chúng ta biến những điều giản dị thành phức tạp. Còn Bác Hồ thì ngược lại, cho nên nhân dân không khó để tiếp cận những giá trị tư tưởng đạo đức của Người.
     Vấn đề đặt ra là làm sao việc học tập, làm theo Người vừa nhẹ nhàng, vừa thiết thực, đem đến sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức và hành động của mỗi người. Chỉ cần chúng ta học và làm được mấy chữ Bác dạy: Cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư là đã tạo ra một sự đột phá mạnh mẽ trong xã hội rồi. Nếu cán bộ, đảng viên có chức quyền làm trước, làm tốt vì đây là bộ phận rường cột của chế độ thì chắc chắn nhân dân cả nước sẽ đồng thuận.
     Mấy chữ Bác dạy là cái gốc căn bản làm nên đạo đức, tư cách của người cán bộ, đảng viên, làm nên cái “hồng” và “chuyên” mà Bác thường nhắc nhở. Thiếu đi một trong những chữ đó thì không thể bảo rằng tôi là người cán bộ, người đảng viên gương mẫu, hết lòng vì nước, vì dân.
12-5-2010
NDX