Mạng xã hội đang nóng bởi một bài báo (kèm ảnh minh họa) đăng trong mục “Di sản” trên trang điện tử Kienthuc.net.vn(1).
Bài báo có tựa đề “Giai thoại về tên gọi thành phố Buôn Ma Thuột”. Tựa đề này đã được báo chỉnh sửa, còn liên kết tĩnh (tựa đề gốc) là: “Tên gọi thành phố Buôn Ma Thuột: 'Thằng Thuột' là 'thằng' nào?” vẫn lưu trên Googole (Xem ảnh).
Nội dung bài báo và hình ảnh minh họa không có gì mới.
Về tên gọi Buôn Ma Thuột cũng như các nhân vật liên quan, đã có rất nhiều tác giả, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước mổ xẻ. Hình ảnh tác giả đưa ra minh họa cũng không xa lạ gì với đông đảo bạn đọc quan tâm đến địa danh đặc biệt này của vùng đất Tây Nguyên huyền thoại.
Điều khiến dư luận bức xúc là ở đoạn cuối bài báo kèm ảnh minh họa chụp tiền cảnh Biệt điện Bảo Đại ở trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột, tác giả viết: “Như vậy, Y Thuột có lẽ cũng không hẳn là một nhân vật tai to mặt lớn gì, chỉ vì là con trai cả của ông tù trưởng mà cái tên "Thuột" trở thành một phần tên làng, mà ngày nay là tên thành phố lớn nhất Tây Nguyên. Được biết, trong dân gian còn lưu truyền cách gọi dân dã “Y Thuột” là “Thằng Thuột” và câu hỏi: “”Thằng Thuột” là “thằng” nào?”...
Trên trang Facebook cá nhân, bạn H Siêu Byă - Hội viên Hội Văn học nghệ thuật Đắk Lắk - bức xúc: “Đề nghị tẩy chay trang này, mang hàm ý xúc phạm con người, vùng đất. Bài viết sai chính tả, sai địa danh, chứ chưa nói gì đến "kiến thức", làm thế nào nó dịch từ "Y" ra "thằng" thì tui cũng lạy. Ít sân si lắm, nhưng đọc tui rất tức”. Nhiều comment bên dưới status của H Siêu Byă cũng đã bày tỏ thái độ phản đối mạnh mẽ đối với tác giả bài báo về chi tiết nói trên.
Nhà thơ Lê Vĩnh Tài, một người sinh ra và lớn lên ở Buôn Ma Thuột, từng có nhiều bài viết rất sâu sắc về văn hóa lịch sử vùng đất này cho rằng, cách gọi “Y Thuột” như tác giả bài báo là hỗn với tiền nhân, chứng tỏ không hiểu gì về văn hóa, con người Tây Nguyên. Người Ê đê không có cách gọi xách mé như thế.
Sống ở vùng đất này hơn 40 năm nay, có hiểu biết ít nhiều về lịch sử, văn hóa và con người bản địa nhưng cũng chưa bao giờ tôi được nghe, được thấy đồng bào ở đây “lưu truyền cách gọi dân dã “Y Thuột” là “Thằng Thuột”. Tác giả bài báo còn tỏ rõ thái độ xem thường tiền nhân khi nhấn giọng bằng câu hỏi: “”Thằng Thuột” là “thằng” nào?”..
Viết về văn hóa, con người một vùng đất vốn đã thành huyền thoại phải có tầm văn hóa và trách nhiệm đối với những gì mình viết ra, đâu phải cứ thích là phán bừa dù đã được rào đón là “giai thoại” hay “dân gian lưu truyền”.
11-8-2020
Nguyễn Duy Xuân
(1). Xem ở đây: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/giai-thoai-ve-ten-goi-thanh-pho-buon-ma-thuot-1419290.html?fbclid=iwar2nuq7yrel00z68s5thp8wsxnum8i2hmd5ibadnybftxw6fx7uagnnrgy0)
Nguồn VHNA: http://vanhoanghean.com.vn/component/k2/35-dien-dan/14307-can-can-trong-khi-viet-ve-tien-nhan
Rất tiếc tòa báo đã đề nghị tác giả gỡ bài vì lý do tế nhị của tòa báo. Hu huuu...