Trang chủ

     

Thứ Hai, 13 tháng 1, 2014

Trầu cau trong đời sống tâm linh Việt

Moi_trau

Theo truyền thuyết thì tục ăn trầu của người Việt đã có từ thời Hùng Vương. Trước - nay, trầu cau được xem như một hiện tượng văn hóa truyền tải những triết lý nhân sinh, phản ánh tập tục lâu đời và giữ vai trò quan trọng trong các lễ nghi truyền thống. 


Thông điệp của đời sống tâm linh

Về lịch sử, truyện Trầu cau là một dấu mốc đánh dấu sự thay đổi từ thời kỳ mẫu hệ sang phụ hệ, chấm dứt chuyện hôn nhân sóng ba, một vợ hai chồng (Sự tích ông đồ rau) để đi đến hôn nhân một vợ một chồng. Về đạo lý, sự chung thủy thể hiện nguyên lý Nguyên nhất – Cây vũ trụ. Cây cau là cây có trục thẳng đứng tập hợp các đốt nối tiếp thể hiện sự phát triển tiếp nối, vĩnh cửu. Nhiều đốt trong trục thẳng đứng cũng thể hiện cuộc sống có cái nguyên nhất nhưng cũng có sự phân đoạn. Đó là triết lý Việt tạo ra một lẽ sống, một nhân sinh quan, một bước đi trong cái mênh mông của thời gian, của cuộc sống.
Trầu cau cũng thể hiện quan niệm về triết lý luân hồi, sự xoay vần của tạo hóa, sự biến chuyển, xê dịch từ trạng thái này sang trạng thái khác của sự sống. Ở câu chuyện Tấm Cám, vòng tròn luân hồi và luật nhân quả dù chỉ là một truyền thuyết văn học nhưng lại hướng tới cái vĩnh hằng, sự bất diệt, mạnh mẽ đến mức nàng Tấm nhờ có miếng trầu mà được đoàn tụ với chồng. Chính những điều đó đã khiến cho tục ăn trầu của dân cư Việt thăng hoa, trở thành một mỹ tục mang tính đặc thù của một nền văn minh nông nghiệp.
Tục ăn trầu còn tiềm ẩn một triết lý về sự hòa hợp Âm – Dương. Cây cau vốn cao, thẳng đứng là biểu tượng của sự hướng dương, vôi là đá, hình phẳng là biểu tượng của âm. Miếng trầu có cái tươi ngọt từ hạt cau, cái cay của lá trầu, cái nồng nàn của vôi, cái bùi, chát của rễ…tất cả tạo nên một chất kích thích làm cho thơm miệng, đỏ môi và khuôn mặt người ăn trầu bừng bừng, hơi la đà, hưng phấn như một chút men rượu. Ăn trầu có nhai mà không nuốt, nó không thuộc loại ăn, không thuộc loại uống, cũng không thuộc loại hút, nó thể hiện một sự linh hoạt hiếm thấy trong ẩm thực và đặc biệt hơn, trầu cau đã trở thành một biểu tượng văn hóa, chuyển tải nhiều thông điệp của đời sống tâm linh.
Trong văn hóa phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng, hòa hợp Âm- Dương là một hướng tới của sự phát triển bền vững. Vì lẽ đó, như một yêu cầu của phong thủy, ở không gian hoàn thiện của một ngôi nhà tại các làng quê Việt Nam, phía trước sân nhà bao giờ cũng là hàng cau và giàn trầu (trước cau, sau chuối). Trầu cau đứng đó mang bao ý nghĩa tâm linh, minh chứng cho một gia đình viên mãn và vững bền.
Nét đẹp trong văn hóa ứng xử

Trong đời sống, trầu cau đã trở thành phương tiện giao tiếp hữu hiệu, thể hiện cái đẹp trong văn hóa ứng xử của người Việt. Mời trầu là một cử chỉ đẹp mở đầu cho một quan hệ giao tiếp. Miếng trầu thắm têm với vôi nồng cùng cau bổ tám bổ tư, vỏ chay, rễ quạch luôn là sự bắt đầu, sự khởi đầu của tình cảm. Người ta thường nói “miếng trầu là đầu câu chuyện”, ấy là khi tiếp khách, khi làm quen, khi bắt đầu vào công việc… Miếng trầu làm cho người ta cảm thấy gần gũi nhau hơn, dễ cảm thông với nhau hơn. Nhưng đặc biệt hơn nữa, trầu cau còn được sử dụng như một phương tiện giao tiếp giữa con người với thần thánh (tục bói trầu), với thế giới tâm linh linh thiêng (tục dâng trầu trong các nghi lễ thờ cúng…). Dâng lễ lên đình, lên chùa, cúng lễ thánh thần, tổ tiên, cỗ bàn có thể thiếu thịt thiếu cá nhưng không thể thiếu trầu cau. Yếu tố thiêng còn được thể hiện ở việc bình vôi xưa được coi trọng, tôn kính như một vị thần và được gọi là “Ông Bình vôi” hay “Ông Vôi”, tương tự như “Ông Táo”…
Vào những thế kỷ trước, khi người Trung Quốc còn đô hộ nước ta, người Việt đã từng lấy tục để tóc ngắn nhuộm răng đen và ăn trầu làm tiêu chí để phân biệt với người Trung Quốc. Ăn trầu với răng đen đã là một nét văn hóa gắn người Việt với nền văn minh Nam Á và Nam Đảo mà hơn một nghìn năm Bắc thuộc vẫn không thể xóa bỏ nổi. Ấy là vì, một cư dân, một dân tộc qua hàng nghìn năm đã “điều chế” được một hệ thống ứng xử vô cùng linh hoạt, lịch sự, sâu sắc và thiêng liêng qua triết lý trầu cau, qua tâm linh gửi gắm ở trầu cau.
Trải qua bao thăng trầm lịch sử, nhiều tập quán, thói quen thay đổi, giờ đây ăn trầu không còn phổ biến nữa. Tuy nhiên trầu cau và ý nghĩa của nó vẫn được lưu truyền gần như nguyên vẹn trong đời sống và tâm linh của người Việt. Việc thờ cúng, giỗ chạp, ma chay, đình đám, hội làng, hội nước, đặc biệt trong các thủ tục cưới hỏi, dù có hiện đại đến đâu cũng chẳng thiếu được trầu cau. Trầu cau, một giá trị đẹp, một văn hóa ứng xử tình nghĩa trước sau, một triết lý nhân sinh nồng hậu, thắm đượm tình người. Trầu cau sẽ mãi là văn hóa, là vật thiêng, sẽ không thể thiếu vắng cho dù cuộc sống rồi có phát triển đến đâu.

Tục ăn trầu đã gắn liền với những sinh hoạt văn hóa, đời sốngvật chất hàng ngày, cũng như đời sống tinh thần và tâm linh Việt. Sự kết hợp củaTrầu - Cau - Vôi đã tạo nên một màu đỏ thắm, màu của máu, màu của sự sống, củaniềm hoan hỷ vĩnh hằng. Vì lẽ đó, vượt qua những giá trị vật chất, trầu cau trởthành một triết lý, một biểu tượng thiêng liêng và “Trầu cau” cũng đồng thời cógiá trị như một vật nối giữa đời sống thực tại với đời sống tâm linh.

Theo langvietonline.vn