Giác quan của loài người rất giới hạn nên không thấy không có nghĩa là không có.
HỎI: Trong kinh Địa Tạng có nói về
chuyện mẹ của Bồ-tát vì mê theo tà đạo nên bị đọa vào địa ngục. Kinh văn
mô tả rất chi tiết về những hình phạt tại địa ngục. Xin hỏi địa ngục có
hay không và tồn tại như thế nào?
(HOÀNG ANH,
hoanganh3107@gmail.com )
ĐÁP:
Bạn Hoàng Anh thân mến!
Kinh Địa Tạng đã “mô tả rất chi tiết về
những hình phạt tại địa ngục” thì chắc chắn là có địa ngục. Mặt khác,
kinh điển cũng nói rõ địa ngục là một trong sáu cảnh giới của lục đạo
(trời, người, a-tu-la, súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục). Chúng ta là người
phàm nên chỉ có thể thấy biết cảnh giới của loài người và súc sanh mà
thôi. Các bậc Thánh với năng lực của thần thông mới thấy biết tỏ tường
về những cảnh giới của lục đạo.
Tùy theo nghiệp lực của chúng sanh mà
chiêu cảm cảnh giới tương ứng. Nếu không do nghiệp thì phải nhờ oai lực
của các bậc Đại Bồ-tát mới có thể vào địa ngục. Kinh Phật có dạy, những
chúng sanh nào tạo nghiệp cực ác thì khi lâm chung ngay lập tức chiêu
cảm quả báo thống khổ trong địa ngục.
Một số người hoài nghi hoặc không tin có
địa ngục hay cõi trời vì một lẽ đơn giản là không thấy. Chúng ta cần
thận trọng vì giác quan của loài người rất giới hạn nên không thấy không
có nghĩa là không có. Là Phật tử, chúng ta tin chắc vào lời Phật dạy,
biết sợ hãi quả khổ trong địa ngục mà luôn xa lìa những việc ác.
Chúc bạn tinh tấn!
Theo Giác Ngộ
Nguồn Kiến thức
Nguồn Kiến thức
Ai tự nguyện nhận visa đi địa ngục?
“Địa ngục là nơi dành cho những kẻ không thấy lỗi của mình, hoặc không chịu nhận lỗi của mình”.
Sư phụ của chúng tôi đã từng nói như thế
- “Đứng trước Tam Bảo, Thầy không dám vọng ngữ, nói sai. Thầy xin đảm
bảo với các phật tử, địa ngục là như thế!”
Cuộc sống bây giờ có rất nhiều cơ hội.
Thế nên người ta cũng phải sống sao cho thật cơ hội. Người phố thị bây
giờ bị phân tán tâm trí nhiều lắm, bởi ai cũng nhăm nhăm với mục đích
lập nghiệp, kiếm tiền, làm giàu. Và nhiều người bắt đầu thoái hoá, xấu
đi rất nhiều để theo đuổi mục đích, nhu cầu.
Giả như, một cô gái se sua chưng diện,
lượn lờ shopping, mua sắm một chiếc váy, một lọ nước hoa quyến rũ, hay
một thỏi son hấp dẫn. Không còn đơn giản là cái đẹp nữa, nếu cái vỏ đẹp
ấy để nhằm câu chài một tình nhân, một doanh nhân, một quan chức tham
nhũng, một người chồng, người cha...
Xuất phát từ một chiếc váy: Người sản
xuất váy, người đi buôn váy, người kích cầu, quảng cáo cái váy, người đi
mua váy và mặc váy. Kẻ háo sắc lắm tiền, thèm người mặc váy.
Xoay quanh cũng chỉ vì ái dục, sắc dục.
Lại cũng vì cái váy mà một quan chức thì tham nhũng, ra chỉ thị sai,
chính sách sai, làm khổ biết bao người dân khác... người dân đói làm
càn, lại tạo tội, lại cố kiếm tiền... lại cố làm ra nhiều cái váy để
bán, để buôn, để kiếm tiền... họ tiếp tục cuốn theo dòng xoáy chung. Tất
cả hệ luỵ ấy kéo theo một cơ số người xuống địa ngục.
Đấy mới chỉ là câu chuyện một cái váy,
còn bao nhiêu thứ khác được coi là nhu cầu xa xỉ của cuộc sống này. Địa
ngục chẳng đâu xa, cứ nhìn cuộc sống vần xoay là thấy cửa địa ngục mở,
đón chờ rất nhiều người.
Tại sao chỉ vì chuyện cái váy… mà một
quan chức lại ra chỉ thị sai, chính sách sai, làm khổ biết bao người dân
khác? Đơn giản vì "khi tình sinh thì trí cắt" - nguyên lý này được đức
Phật dạy từ ngàn xưa. Khi con người ta ham mê sắc dục, ái dục thì lương
tâm, trí tuệ bị lu mờ.
Một người có địa vị tốt, làm quan chức
là do có phúc rất lớn, nhưng khi họ quyết định mắc vào cái váy, khi họ
muốn tham nhũng, thì phúc sẽ rẽ đi hướng khác, trí tuệ không còn tỉnh
táo, sáng suốt nữa. Vì thế họ ra quyết định nào là báo hại xã hội quyết
định ấy
Tương tự nguyên lý ấy, một doanh nhân khi ra quyết định nhầm, làm khổ nhiều nhân viên, và làm ảnh hưởng đến đối tác, doanh nghiệp, cộng đồng. Bởi khi ham mê sắc dục, ái dục thì phúc rẽ đi hướng khác, lương tâm và trí tuệ không còn tỉnh táo, sáng suốt nữa. Vì thế họ ra những quyết định sai lầm, đủ để suy sụp, phá sản.
Tại sao phúc rẽ đi hướng khác? Bởi luật nhân quả chi phối toàn bộ ý nghĩ, hành động, lời nói.
Những người ham làm giàu, ham làm đẹp đã
tạo nên sắc màu cho cuộc sống. Sự nỗ lực kiếm tiền, làm giàu hay cố
gắng làm đẹp của người A sẽ đẩy người B rơi vào lộn xộn hơn, khổ đau
nhiều hơn. Nếu người trong cuộc biết nhìn xa trông rộng, biết nhìn sâu
vào “nỗ lực” làm giàu, làm đẹp của mình thì sẽ nhận ra sự ảnh hưởng đến
ai? tác hại cho cộng đồng như thế nào?
Có ai nhìn thấy đằng sau sự hưởng thụ, sung sướng của người này, lại là cái khổ phiền não của người khác. Làm sao để thấy?!
“Địa ngục là nơi dành cho những kẻ không
thấy lỗi của mình, hoặc không chịu nhận lỗi của mình”. Sư phụ của chúng
tôi đã từng nói như thế - “Đứng trước Tam Bảo, Thầy không dám vọng ngữ,
nói sai. Thầy xin đảm bảo với các phật tử, địa ngục là như thế!”
Hàng ngày, cuộc sống luôn luôn chuyển
động, theo con mắt của đạo học thì ta sẽ thấy nhiều người tiến gần địa
ngục hơn. Dường như thẻ visa xuống địa ngục ngày càng nhiều.
Theo Phật giáo Việt Nam
Nguồn Kiến thức
Nguồn Kiến thức