Ngày
ấy, khi tóc còn để chỏm, cái tên Võ Nguyên Giáp đã rung động trái tim
một cậu bé quê mùa như tôi. Biết chút ít vẽ vời, tôi say sưa họa chân
dung
ông trong bộ quân phục màu trắng,
quân hàm, mũ kê pi tướng thật oai. Rất tiếc bức họa chân dung ấy không
còn giữ được đến bây giờ, nhưng lòng ngưỡng mộ, tôn kính ông thì không
hề phôi pha theo năm tháng.
Tôi
còn nhớ mãi một kỉ niệm nho nhỏ. Một lần, có đơn vị bộ đội đóng quân
trong làng. Nhà tôi được chọn làm nơi ở của chỉ huy là ông đại úy tiểu
đoàn trưởng.
Một
hôm, sau khi họp xong, trong lúc chờ kẻng báo giờ ăn cơm chiều, tôi
thấy mấy ổng tranh luận với nhau kịch liệt xem thủ tướng và đại tướng,
ai to hơn ai. Tôi cũng háo hức, dỏng tai nghe. Cuộc tranh luận xem ra
bất phân thắng bại mà giờ ăn thì sắp đến. Bỗng ông đại úy khoát tay ra ý
tổng kết cuộc tranh luận, nói: thủ là đầu, đứng đầu nhưng đại là to, vì
thế đại tướng là to nhất. Mọi người ồ lên vui vẻ, rồi kéo nhau tới nơi
đặt bếp ăn của đơn vị bên nhà hàng xóm. Còn tôi, tôi thích lắm. Phải thế
chứ, đại tướng là to nhất, oai nhất, vì ai mà chẳng nhắc đến ông hàng
ngày.
Chiến
tranh kết thúc. Uy danh của Đại tướng càng lừng lẫy. Như bao đứa trẻ
khác cùng trang lứa, tôi cũng đã đến tuổi trưởng thành, hiểu biết về Đại
tướng không còn bằng cảm tính nữa. Ông đã đi vào lòng thế hệ trẻ và
nhân dân không chỉ bằng những chiến công hiển hách mà bằng cả đức độ của
mình. Thế giới ngưỡng mộ ông. Cả địch thủ cũng phải ngả mũ khâm phục
ông, một vị tướng lừng danh có một không hai của nhân loại trong thế kỉ
hai mươi.
Và
trong những ngày qua, khi biết tin ông qua đời, trên các báo, các trang
mạng xã hội toàn cầu ngập tràn những lời ngợi ca ông, một thiên tài
quân sự không chỉ của Việt Nam mà của cả thế giới; xúc động bày tỏ tình
cảm kính trọng và tiếc thương ông. Đó là sự đánh giá khách quan nhất,
công bằng nhất về công trạng, đức độ và con người ông, Đại tướng Võ
Nguyên Giáp.
Thời
chiến tranh có câu ngạn ngữ “ra ngõ gặp anh hùng”, quả đúng vậy. Tổ
quốc lâm nguy thì mỗi người dân, già trẻ, lớn bé đều trở thành anh hùng.
Mấy chục năm sau hòa bình lại có câu “ra ngõ gặp tướng”, cũng đúng vậy.
Thời chiến chinh, tướng chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhắc đến họ mọi
người đều cảm thấy kiêu hãnh, ngưỡng mộ. Còn bây giờ, tướng nhiều lắm.
Có những vị được phong tướng mà chưa cầm quân lấy một ngày. Nhớ lại năm
xưa, trong đợt phong hàm sĩ quan quân đội đầu tiên của nhà nước cách
mạng, trả lời phỏng vấn của phóng viên nước ngoài, Bác Hồ nói một cách
giản dị: Đánh thắng Đại tá phong Đại tá; đánh thắng Thiếu tướng phong
Thiếu tướng; thắng Trung tướng phong Trung tướng; thắng Đại tướng phong
Đại tướng. Cái “ba rem” ấy thật không ai có thể bắt bẻ được.
Nhắc
đến chuyện cũ để thấy, làm tướng không thể hư danh, nhưng cũng không
phải chỉ có công trạng không thôi. Để có được chỗ đứng trong lòng dân,
văn võ phải song toàn. Và ông là một vị tướng như thế. Suốt mấy chục năm
qua, có một điều lạ nhưng cũng thật dễ hiểu, nhân dân đã gọi ông một
cách giản dị: Đại tướng. Cái danh xưng ấy trở thành danh từ riêng, gắn
với cuộc đời oanh liệt của ông, bậc chí dũng chí nhân của thời đại.
Bây
giờ, dù đã về cõi vĩnh hằng nhưng hình ảnh ông vẫn nguyên vẹn. Trong
lòng dân hôm nay và mãi mãi về sau chỉ có một vị tướng, đấy là ông: ĐẠI
TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP.
5-10-2013
Nguyễn Duy Xuân
Xem Văn hóa Nghệ An
Nguyễn Duy Xuân