Trang chủ

     

Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2011

VOTE CHO THỦ TƯỚNG – Nguyễn Duy Xuân


Trả lời chất vấn trực tiếp sáng nay, 25-11 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có lẽ đã tạo được sự đồng thuận cao trong dân chúng, bởi đây là lần đầu tiên người đứng đầu Chính phủ tỏ thái độ dứt khoát về những vấn đề trọng đại của đất nước trước diễn đàn Quốc hội.

Về chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói:

“VN khẳng định có đủ căn cứ pháp lý và lịch sử khẳng định quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của VN. Đối với quần đảo Hoàng Sa, năm 1956 TQ đưa quân chiếm đóng các đảo phía đông. Năm 1974, TQ dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa khi đó trong sự quản lý hiện tại của chính quyền Sài Gòn (Việt Nam Cộng hòa). Việt Nam Cộng hòa đã phản đối, lên án việc làm này và đề nghị LHQ can thiệp. Chính phủ cánh mạng lâm thời miền Nam Việt Nam cũng ra tuyên bố phản đối hành vi chiếm đóng này.
Chúng ta chủ trương đàm phán giải quyết đòi hỏi chủ quyền đối với Hoàng Sa bằng giải pháp hòa bình, phù hợp với Hiến chương LHQ, Luật biển 1982, Tuyên bố DOC. 

Đối với quần đảo Trường Sa  năm 1975 giải phóng miền Nam, hải quân Việt Nam đã tiếp quản 5 hòn đào tại Trường Sa, sau đó chúng ta tiếp tục mở rộng lên 21 đảo, xây dựng 15 nhà giàn ở bãi Tư Chính để khẳng định chủ quyền ở vùng biển này, trong phạm vi 200 hải lý thuộc thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của VN, theo Công ước Luật biển 1982.

Trung Quốc đã chiếm 7 đảo ngầm, Đài Loan 1 đảo nổi, Philppines 9 đảo, Malaysia 5 đảo, Brunei có đòi chủ quyền trên Trường Sa nhưng không  giữ đảo nào.
Như vậy, trên Trường Sa, Việt Nam có số đảo đang nắm giữ nhiều nhất so với các quốc gia và các bên đòi hỏi chủ quyền, là nước duy nhất có cư dân đang sinh sống làm ăn trên một số đảo với 21 hộ, 80 khẩu, 6 khẩu đã sinh ra và lớn lên tại các đảo này.

Chủ trương của ta với chủ quyền ở quần đảo Trường Sa như thế nào? Nghiêm túc thực hiện UNCLOS, DOC, và các nguyên tắc thỏa thuận mới đây đã kí kết giữa VN và TQ. Cụ thể, trước hết ta yêu cầu giữ nguyên trạng, không làm phức tạp thêm, ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định ở khu vực.
Tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng kinh tế - xã hội - kĩ thuật ở các nơi ta đang nắm giữ: đường sá, điện nước, trạm xá, trường học, cải thiện đời sống, tăng cường khả năng tự vệ của quân dân ở quần đảo này.
Có cơ chế chính sách, hiện đã có, đang sơ kết, đánh giá, để hỗ trợ đồng bào đang khai thác đánh bắt cá, thủy hải sản ở khu vực biển này, làm ăn sinh sống và thực hiện chủ quyền ở khu vực Trường Sa.”

Vậy là việc đòi Trung Quốc trả lại chủ quyền cho Việt Nam về quần đảo Hoàng Sa và một số đảo của Trường Sa bị họ chiếm bất hợp pháp trước đây không còn là vấn đề nhạy cảm nữa. Thủ tướng đã lên tiếng “VN có đủ căn cứ pháp lý và lịch sử khẳng định quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của VN”.  Đó cũng là tín hiệu đáng mừng để nhân dân có được niềm tin ở cấp lãnh đạo cao nhất của đất nước. Báo chí chính thống có lẽ cũng không nên quá giữ mồm giữ miệng khi nói về Hoàng Sa, Trường Sa nữa.

Về xây dựng Luật Biểu tình để thực hiện Hiến pháp

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một lần nữa đưa ra những lý do thuyết phục cần đưa Luật Biểu tình vào chương trình Xây dựng Luật.

"Thứ nhất, việc đưa Luật Biểu tình vào chương trình Xây dựng Luật để thực hiện Hiến pháp. Điều 69 Hiến pháp 92 sửa đổi quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”.
Hiến pháp như vậy nhưng thực tế chưa có Luật Biểu tình nên Chính phủ đề nghị bắt tay nghiên cứu Luật Biểu tình, nói ngắn gọn là để thực hiện Hiến pháp.

Thứ hai, trên thực tế, trong cuộc sống hiện nay, có nhiều sự việc đồng bào tụ tập đông người, để bày tỏ ý kiến, nguyện vọng với chính quyền. Nhưng chúng ta chưa có luật để quản lý và điều chỉnh vấn đề này. Điều đó gây khó cho người dân khi thực hiện quyền được Hiến pháp quy định và cũng khó cho quản lý của chính quyền. Mà đã khó như thế cũng nảy sinh những túng trong quản lý. Từ đó, xuất hiện biểu hiện mất an ninh trật tự, cũng xuất hiện việc lợi dụng để kích động xuyên tác gây phương hại cho xã hội.
Trước thực trạng như thế, Chính phủ cũng đã có báo cáo kiến nghị với QH khóa trước. Quốc hội cũng có công văn yêu cầu ban hành Nghị định để điều chỉnh hoạt động này. Chính phủ đã ban hành Nghị định 38 nhưng Nghị định hiệu lực pháp luật thấp, chưa đáp ứng được tầm mức như Hiến pháp quy định và thực tế cuộc sống đang đặt ra.
Vì vậy Chính phủ thấy nên kiến nghị QH xem xét đưa vài xây dựng  luật để có  Luật Biểu tình, phù hợp với Hiến pháp, phù hợp với đặc điểm lịch sử văn hóa và điều kiện cụ thể của VN, phù hợp với thông lệ quốc tế để đảm bảo quyền tự do dân chủ của người dân theo quy định của Hiến pháp, pháp luật, đồng thời ngăn chặn những hành vi gây xâm hại tới an ninh trật tự lợi ích của xã hội và nhân dân.
Với tinh thần như vây, chúng tôi đề nghị QH xem xét đề nghị của Chính phủ đưa Luật Biểu tình vào chương trình xây dựng Luật".

Trả lời về quan điểm của Chính phủ với những người tham gia tụ tập đông người để thể hiện lòng yêu nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: "Chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước, Chính phủ là luôn luôn trân trọng biểu dương khen thưởng xứng đáng với tất cả những hoạt động, việc làm của tất cả người dân thật sự vì mục tiêu yêu nước, bảo vệ chủ quyền quốc gia. Những hoạt động vì mục tiêu mục đích đó đều được trân trọng, hoan nghênh, khuyến khích, biểu dương thích đáng.

Đồng thời Chính phủ không hoan nghênh, buộc phải xử lý nghiêm theo pháp luật đối với những hoạt động những hành vi với động cơ lợi dụng lòng yêu nước, bảo vệ chủ quyền, để thực hiện mục đích gây phương hại cho đất nước, cho xã hội. Tôi nghĩ, chủ trương nhất quán như thế sẽ được  đồng bào ủng hộ".

Quan điểm của Thủ tướng chắc chắn đáp ứng được kì vọng của cử tri bấy lâu nay. Quốc hội cũng phải tuân thủ Hiến pháp. Những ông nghị cơ hội như Hoàng Hữu Phước nên tỉnh ngộ để không đi ngược với lợi ích của nhân dân, đất nước.
                                                                         25-11-2011
                                                                   Nguyễn Duy Xuân