Thầy giáo Y Jut (1888-1934) là một nhân sỹ yêu
nước người dân tộc Ê-đê, một người con ưu tú của núi rừng Tây Nguyên. Ông là một
trong số ít ỏi trí thức người dân tộc thiểu số thời Pháp thuộc. Hồi nhỏ ông theo
học ở Trường Tiểu học Pháp – Êđê Buôn Ma Thuột, sau đó ra Huế học. Tốt nghiệp
xuất sắc, ông tình nguyện trở về trường Pháp-Êđê ở quê hương để dạy chữ cho đồng
bào mình chứ không làm quan lại để cầu vinh hoa phú quí. Thầy Y Jut đã cùng bạn
bè như Y Ut, Y BLul tìm hiểu mẫu tự La tinh và vần Ê-đê đặt ra bộ chữ viết Ê-đê
ngày nay.
Thời đó, viên công sứ Pháp được giao quyền cai trị vùng Tây nguyên là Sabatier. Y là một tên thực dân khét tiếng tàn bạo và hiểm độc. Hành động khinh miệt người bản xứ, coi họ như mọi rợ, cấm đoán ngăn cách họ với thế giới bên ngoài của hắn đã gây ra nhiều sự bất bình trong đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Thầy Y Jut cùng bạn bè bí mật tổ chức lực lượng định ám sát viên công sứ này nhưng không thành. Đầu tháng 10-1925, hai ông chuyển sang tổ chức đấu tranh công khai và tập hợp được đông đảo học sinh và giáo viên trường Pháp-Êđê tham gia biểu tình phản đối Sabatier, đồng thời gửi thư tố cáo hành vi tội ác của tên này đi khắp nơi. Hành động của Y Jút và những người cùng chí hướng đã buộc thực dân Pháp phải đưa Sabatier đi khỏi Đắk Lắk.
Câu nói nổi tiếng của thầy Y Jut đã thể hiện khát
vọng của một người trí thức yêu nước: “Chúng ta phải có chữ của người Êđê, chúng
ta cũng cần học tiếng Pháp thật giỏi để người Pháp không dám gọi ta là Mọi”.
Ảnh: Một con đường ở trung tâm TP. Buôn Ma Thuột
mang tên Y Jut
Nhân kỉ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, đọc
lại những tư liệu nói trên về thầy Y Jut tuy ít ỏi nhưng cũng đủ cho hậu thế
chúng ta hiểu về ông, một con người thông minh, giàu lòng yêu quê hương xứ sở,
mang trong mình tư tưởng cách tân, tiến bộ.
Đầu thế kỉ XX, đất nước chìm trong đêm tối của nô
lệ, lầm than. Tây Nguyên lúc bấy giờ là một miền đất xa lạ, nơi thâm sơn cùng
cốc ít người dám đặt chân đến. Sự cách biệt về địa lý, khó khăn về giao thông
cùng nhiều hạn chế khác của thời cuộc đã làm cho Tây Nguyên tách hẳn khỏi thế
giới bên ngoài. Thế mà có một cậu bé người Ê-đê đã dám vượt qua hạn chế của lịch
sử và thời đại để bước chân vào thế giới của văn minh ? Cậu bé ấy chính là Y
Jut. Tôi cứ trăn trở mãi điều này. Ở thời điểm đó, Hồ Chí Minh đã làm nên lịch
sử bằng hành động ra đi tìm đường cứu nước. Giữa hai con người này khác nhau về
tầm vóc lịch sử, nhưng ở họ đều có một điểm chung đó là khát vọng giải phóng
đồng bào mình khỏi ách nô lệ, tối tăm.
Được thụ hưởng nền giáo dục tiên tiến lúc bấy
giờ, có thể nói tương lai tốt đẹp rộng mở trước mắt Y Jut. Nhưng chàng thanh
niên trẻ tuổi ấy đã không chọn cho mình con đường nhung lụa. Trường học thực
dân có thể mở mang tri thức nhưng không thể nhào nặn ông thành công cụ phục vụ
cho mục đích cai trị của chúng. Từ chối vinh hoa phú quí, ông tự nguyện trở về
với buôn làng thân yêu, ở đó đồng bào đang cần ông. Và ông trở thành thầy giáo
và là một trong những người đi tiên phong trong việc sáng tạo ra mẫu tự Ê-đê
trên cơ sở chữ cái La-tinh. Tôi nghĩ đây là hành động khai sáng văn hóa cho xứ
sở mình của Y Jut. Tư tưởng khai sáng vượt lên thời đại (trong bối cảnh của các
dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên lúc bấy giờ) thể hiện rõ trong suy nghĩ và hành
động của ông: phải có chữ, phải có tri thức để người ta không khinh rẻ mình.
Bằng hoạt động giáo dục và xã hội của mình, người
thầy đáng kính ấy đã truyền lại cho các thế hệ học trò nhiệt tình yêu nước và
khát vọng khai sáng quê hương. Nhiều người trong số đó như các cụ Y Wang Mlô, Y
Bih Aleo... đã trở thành những cán bộ cách mạng đầu tiên của người dân tộc ở Đắc
Lắc khi có ánh sáng của Đảng soi đường.
Nhớ về Y Jut, chúng ta nhớ về một người thầy, một
người trí thức tiêu biểu đã có công lao to lớn đối với sự phát triển của văn hóa
Tây Nguyên thời hiện đại. Một trăm năm đã trôi qua nhưng tư tưởng khai sáng của
ông vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp giáo dục của chúng ta trên mảnh đất
cao nguyên đầy nắng gió.
Buôn Ma Thuột,
16-11-2011
Nguyễn Duy Xuân
Nguyễn Duy Xuân
Bài đã đăng trên trang: Hội Nhà văn VN