Trang chủ

     

Thứ Tư, 16 tháng 11, 2011

SAO THẦY CÔ LẠI NÓI "NGỌNG" ? - Nguyễn Duy Xuân


NDX.net: Trên các báo mấy ngày nay đang thảo luận sôi nổi chuyện thầy cô nói "ngọng" phát âm "l" thành "n". Hà Nội là địa phương tỏ rõ quyết tâm sửa lỗi này cho giáo viên và cán bộ công chức. Nghe đâu đang có dự án hàng tỉ đồng để khắc phục lỗi nói "ngọng" do một viện khoa học triển khai.
 
Dĩ nhiên câu trả lời sẽ là do thói quen phát âm địa phương. Nhưng nếu là một người bình thường, không làm nghề dạy học thì câu trả lời đó còn có thể chấp nhận được. Tuy vậy, để giữ cho tiếng Việt chuẩn mực trong giao tiếp thì mọi sự lệch chuẩn đều không cho phép, huống chi đây là các thầy các cô.

Tôi là người trong nghề nhưng quả thật không hiểu sao những đồng nghiệp của mình lại mắc những khiếm khuyết không đáng có như vậy. Với người thầy, ngôn ngữ vừa là phương tiện lại vừa là công cụ dạy học. Công cụ mà không chuẩn thì tất sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.

Đã đứng trên bục giảng, người thầy phải ý thức được điều đó để ngôn ngữ nói, viết của mình chuẩn mực trước học sinh.

Lỗi nói “ngọng”, đúng ra là lệch chuẩn do phát âm địa phương không chỉ ở một vùng miền nào. Miền Bắc phát âm không phân biệt các cặp phụ âm l/n, tr/ch, s/x, r/d... Miền Trung phát âm không phân biệt thanh hỏi/ngã/nặng, còn miền Nam không phân biệt các phụ âm cuối t/c, n/ng…Những lỗi phát âm địa phương như vậy đã được dạy ở các bậc học phổ thông để giúp các em khắc phục. Ở bậc đại học, các thầy cô tương lai (đối với ngành sư phạm) còn được học ít nhất cũng qua môn tiếng Việt thực hành.

Cho nên có thể nói, việc cung cấp tri thức về ngữ âm tiếng Việt cho học sinh ở các bậc học không có gì đáng phàn nàn. Vấn đề còn lại chỉ là ý thức con người. Những thầy cô trong dạy học hàng ngày mà vẫn phát âm lệch chuẩn thì thật đáng trách. Sửa cái lỗi này là cần thiết cho sự trong sáng và phát triển của tiếng Việt. Tôi cho đó là một việc làm nghiêm túc, chứ không thể gọi là tào lao như giáo sư Nguyễn Văn Hiệp phát biểu khi trả lời phỏng vấn trên Bee.net. Và thầy cô giáo phải là người thể hiện rõ ý thức trách nhiệm của mình trong vấn đề này. Chỉ cần mỗi người chịu khó luyện phát âm trong một thời gian ngắn và có ý thức rèn luyện thường xuyên trong hoạt động nói năng của mình thì sẽ khắc phục được.

Nhân đây, cũng xin góp ý với các thầy cô đang dạy phát âm cho trẻ lớp Một (những em ở vùng phương ngôn Bắc bộ) hãy giúp các em sửa lỗi phát âm bằng việc luyện phát âm thực tế chứ không phải theo cái cách phân biệt “nờ cao/nờ thấp”, “sờ nặng, sờ nhẹ”… không có cơ sở khoa học và chẳng giống ai.
                                                                                                    12-11-2011
                                                                                             Nguyễn Duy Xuân
- Bài đã đăng: Bee.net.vn, Chaobuoisang.net