Thành nhà Mạc biến thành “lò gạch”
Di tích quốc gia thành nhà Mạc, nơi chứa bao giá trị văn hóa, lịch sử, tâm linh, bỗng chốc bị người ta biến thành cái “lò gạch” bởi cái dự án ngót 10 tỉ trùng tu tôn tạo. Cái hồn cốt, rêu phong của di tích hơn 400 năm lịch sử bỗng chốc biến mất, thay vào đó là những bức tường đá ong mới tinh khôi, vôi vữa trắng toát, cùng những khối bê tông, hệ thống cọc i-nox và hàng rào xích sắt bao quanh cổng thành, sản phẩm độc đáo của những nhà quản lí văn hóa Tuyên Quang.
Sự chắp vá, đắp mới của công cuộc trùng tu đã phá vỡ những giá trị kiến trúc, nghệ thuật vốn có của thành cổ. Người ta đã cố tình làm xấu, làm biến dạng và làm mất đi cái hồn của thành nhà Mạc. Có lẽ Tuyên Quang học tập Hà Nội qua việc trùng tu ô Quan Chưởng?
Thành nhà Mạc trước khi trùng tu - Ảnh: từ hồ sơ của ngành văn hóa
Lỗi tại đâu?
Câu trả lời cũng chẳng khó. Có lẽ do ngành văn hóa nghĩ trùng tu di tích cũng giống như sửa sang nhà cửa chuẩn bị đón tết cho nên cứ việc sơn trét cho mới là xong? Hay là người ta tìm cách trùng tu bằng mọi giá bởi “dự án” đã duyệt và cái lợi “phết phẩy” chia chác của nó, chứ mấy ai quan tâm đến việc trùng tu như thế nào để giữ hồn và bảo tồn được di tích?
Thành nhà Mạc là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia (hay còn gọi là thành Tuyên Quang, nằm trên địa bàn TP Tuyên Quang) đã được Nhà nước công nhận từ năm 1991. Thành nhà Mạc được xây năm 1592, tính đến nay đã “trơ gan cùng tuế nguyệt” với thăng trầm lịch sử 418 năm.
NDX