Giao lưu trực tuyến mừng sinh nhật lần thứ 100
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, 25-8-1911/25-8-2010
"Vị tướng đã đánh thắng Pháp và Mỹ"
Phan Đăng Khoa - Nam 40 tuổi - Hà Nội
- Câu hỏi này xin gửi tới chị Võ Hòa Bình, theo chị niềm vui lớn nhất trong cuộc đời Đại tướng là gì? Chiến công lớn nhất của Đại tướng là chiến công nào?
Bà Võ Hòa Bình: - Có lần ông đã phát biểu: "Ngày vui nhất trong cuộc đời tôi là ngày 30/4/1975" . Đó là ngày cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta giành được toàn thắng.
Còn phần thứ hai của câu hỏi thì có lẽ tôi xin được chuyển cho ông Dương Trung Quốc trả lời giúp.
Nhà sử học Dương Trung Quốc: - Chiến công lớn nhất của Đại tướng là gắn bó cuộc đời của mình với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, trong đó có những cuộc kháng chiến bảo vệ nền độc lập được ghi nhận bởi hai chiến thắng quyết định: Điện Biên Phủ (1954) và giải phóng miền Nam (1975) với tư cách là vị Tổng tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam.
Tôi lấy một thí dụ, gần đây, năm 2008, Nhà Xuất bản Thames & Hudson (Anh) đã xuất bản cuốn sách Great Military Leaders (Các nhà lãnh đạo quân sự lớn). Cuốn sách rất đồ sộ, lựa chọn trong suốt 2500 năm lịch sử, chọn ra được 59 nhà lãnh đạo quân sự lớn (hiểu theo nghĩa là các vị tướng chiến lược trực tiếp chỉ đạo các chiến dịch mang tính quyết định của các cuộc chiến tranh trong lịch sử nhân loại).
Nhân vật đầu tiên được lựa chọn là Cyrus Đại Đế, sống vào thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên và người thứ 59 là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông cũng là nhân vật duy nhất ngày hôm nay còn sống. Trong phần định danh nhân vật "Đại tướng Võ Nguyên Giáp", cuốn sách ghi: "Vị tướng đã đánh thắng Pháp và Mỹ".
Hồ Đắc Huy - Nam 27 tuổi - TP.HCM
- Xin hỏi, gần trọn cuộc đời cống hiến cho tổ quốc, điều gì Đại tướng hối tiếc nhất chưa làm được và điều gì tâm huyết nhất đã làm được?
Đại tá Trịnh Nguyên Huân: Trong một lần nói chuyện với thanh niên, Đại tướng đã nói: "Thế hệ của chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ rửa cái nhục mất nước, còn hiện nay việc rửa cái nhục về nghèo nàn lạc hậu phải giành cho thế hệ thanh niên, thế hệ tương lai".
Đã là nhiệm vụ thì phải hoàn thành...
Nguyễn Thị Vân Anh - Nữ - 78/286/45 Nguyễn Thượng Hiền, Gò Vấp, TP.HCM
- Cuộc đời ông Giáp lúc nào cũng hoàn thành bất cứ nhiệm vụ gì Đảng giao. Sau khi là Tổng tư lệnh QĐNDVN, ông đã được giao nhiều công việc khác. Vậy mà ông vẫn hoàn thành nhiệm vụ. Những lúc đó, tâm trạng, ứng xử của ông như thế nào?
Nhà sử học Dương Trung Quốc: - Năm 2004, vào dịp kỉ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi đã có dịp hỏi Đại tướng về một trong những nhiệm vụ dân sự mà ông đã đảm nhiệm là Chủ tịch Ủy ban quốc gia dân số và sinh đẻ có kế hoạch.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp yêu vẻ đẹp người lính và cảnh đẹp thiên nhiên ở Trường Sơn. Ảnh chụp trong chuyến Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi kiểm tra một cung đường vận tải chiến lược Tây Trường Sơn, mùa khô 1972 - 1973.
Tôi tưởng đấy là câu hỏi "nhạy cảm" nhưng ông cười và trả lời: Chắc có nhiều điều thêu dệt lắm phải không? Thực ra, khi đó, chính anh Tô (Thủ tướng Phạm Văn Đồng) trực tiếp "nhờ" tôi gánh vác vì theo tập quán Quốc tế, với vấn đề quan trọng này thì phải cấp Thủ tướng phụ trách mà anh Tô quá bận.
Đối với tôi, đấy là một nhiệm vụ, mà đã là nhiệm vụ thì phải hoàn thành... Chúng ta còn biết rằng, Đại tướng cũng có một thời làm kiêm nhiệm Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước (7/1960 - 1/1963), cho nên, ông càng có nhiều dịp để gặp gỡ giới trí thức và có thể nói ông có cả một đội ngũ trí thức sẵn sàng hỗ trợ cho những công việc của ông.
Dĩ công vi thượng
Lê Đông - Nam 50 tuổi - Quảng Bình
- Theo những biến cố của lịch sử gắn liền với những thăng trầm của bản thân Đại tướng, theo các khách mời: Đại tướng có thể cho thế hệ sau một lời khuyên để sống hạnh phúc, thong dong, tự tại và trường thọ?
Nhà sử học Dương Trung Quốc: - Tôi nghĩ rằng Đại tướng có tư chất của người làm nên lịch sử (hiểu theo hai nghĩa là người trong cuộc và người chép lại lịch sử). Chính tư chất ấy đã giúp Đại tướng giữ được sự bình thản trước mọi biến cố xung quanh và có được niềm tin vững chắc vào lẽ phải và tính tất yếu của đời sống. Đó cũng chính là bài học quan trọng nhất của lịch sử.
Bà Võ Hòa Bình: - Tôi chỉ có thể phát biểu suy nghĩ của cá nhân tôi: Ba tôi đã rất hạnh phúc khi nhận được sự yêu thương và kính trọng của đông đảo người dân. Đó là vì ông đã dành cả cuộc đời cho lợi ích của đất nước, của nhân dân. Vì vậy, đối với thế hệ trẻ, điều quan trọng là chọn được mục đích sống đúng đắn và kiên trì phấn đấu cho mục đích đó.
Đại tá Trịnh Nguyên Huân trả lời bạn đọc
Đại tá Trịnh Nguyên Huân: - Đại tướng thường hay nhắc với chúng tôi một câu nói của Bác Hồ: Vấn đề là sống ở đời và làm người. Trước hết là thương yêu bạn bè đồng đội luôn "dĩ công vi thượng" (đặt lợi ích của đất nước, của dân tộc, của cộng đồng lên trên hết). Cách ứng xử ấy luôn có thể thích ứng và luôn "ung dung tự tại" trước những biến cố của thời cuộc.
CCB Trần Đình Ngân - Nam - Berlin, BRD
- Tôi có cảm giác chữ NHẪN xuyên suốt trong bác Giáp. Nghe nói, bác Văn luôn khuyên cán bộ dưới quyền phải biết nhẫn, biết kiềm chế.
Đại tá Trịnh Nguyên Huân: - Hiểu chữ Nhẫn có rất nhiều cách hiểu. Để mọi người hiểu quan điểm của mình, cần phải thuyết phục và có thời gian. Đấy cũng là Nhẫn. Để thực hiện việc nào đó, cần thuyết phục mọi người để họ hiểu và đi vào hành động, cũng cần thời gian. Đấy cũng là Nhẫn.
Trong khoa học, để ra một chính sách một chiến lược về khoa học, có nhiều quan điểm khác nhau, nhưng để đi tới thống nhất, Đại tướng cũng phải thuyết phục. Đấy cũng là chữ Nhẫn.
Bà Võ Hòa Bình: - Những khi bạn bè, đồng chí, người thân gặp lúc khó khăn, bao giờ chúng tôi cũng thấy ở Ba một thái độ bình thản. Ông điềm tĩnh nhưng kiên quyết làm rõ đúng - sai với niềm tin rằng sự thật và cái đúng sẽ sáng tỏ. Và ông đã truyền cho chúng tôi niềm tin như vậy.
Đại tướng vẫn khỏe và minh mẫn
Phan Ngân Giang - Nữ 32 tuổi - Cali, Hoa Kỳ
- Thưa cô Võ Hòa Bình, người Việt ở nước ngoài (những người tôi quen biết) đều rất quan tâm đến tình hình sức khỏe hiện nay của Đại tướng. Mong cô có thể chia sẻ một chút thông tin, để chúng tôi yên lòng. Cầu chúc Đại tướng mạnh khỏe. Trân trọng cảm ơn.
Bà Võ Hòa Bình: - Hiện nay, sức khỏe Ba tôi tương đối ổn định. Ông vẫn chọn các bài báo mà ông thích để bảo đọc cho ông nghe và rất thích nghe con cháu nói chuyện về tình hình của mọi người trong gia đình.
Nguyễn Hữu Trung - Nam 44 tuổi - Biên Hòa, Đồng Nai
- Thưa Đại tá, tình hình sức khỏe của Đại tướng thế nào?
Đại tá Trịnh Nguyên Huân: - Cảm ơn sự quan tâm của bạn. Đại tướng vẫn minh mẫn, sức khỏe ổn định.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp với người dân quê hương Quảng Bình. Ảnh: Trần Hồng
Nguyễn Tất Thái - Nam 35 tuổi - Hà Nội
- Gửi Đại tá Trịnh Nguyên Huân. Trước hết, qua Đại tá, xin gửi lời chúc TRƯỜNG THỌ tới ĐẠI TƯỚNG. Xin Đại tá cho biết bằng cách nào để một người dân có thể được gặp Đại tướng?
Đại tá Trịnh Nguyên Huân: - Để gặp Đại tướng không khó nhưng do thời gian có hạn, và công việc của Đại tướng cũng nhiều nên để đáp ứng được mong muốn của tất cả mọi người thì rất khó.
Có những cựu chiến binh đi từ Quảng Bình, gọi điện đến báo sẽ đến, đến gặp chỉ nói một câu đơn giản: "Báo cáo anh em đã hoàn thành nhiệm vụ", gửi một vài món quà quê, rồi chào Đại tướng về ngay để kịp chuyến tàu. Những cuộc gặp đó thể hiện tình cảm bình dị của người lính với Đại tướng.
Món quà mừng thọ lớn nhất là tin vui từ đất nước
Dũng Trịnh - Nam 25 tuổi - Hà Nội
- Trong khu vườn rộng thênh thang ở đường Hoàng Diệu, Đại tướng thích nhất cây gì à? Có những cây nào mà Đại tướng tự trồng và chăm sóc không?
Bà Võ Hòa Bình: - Cụ thích nhất cây long não trong khu vườn. Cụ hay tiếp khách và nói chuyện dưới tán cây. Cụ cũng thích phong lan. Đó là những giò phong lan mà sau ngày giải phóng, các chiến sĩ trong Nam gửi ra tặng Đại tướng.
Những buổi chiều khi còn khỏe, vừa tập thể dục, Đại tướng vừa chăm sóc, tưới cây, tưới hoa. Chăm sóc cây cũng là hình thức Cụ kết hợp tập thể dục.
Trần Hải Bằng - Nam 32 tuổi - TP.HCM
- Kính chúc Đại Tướng bước sang tuổi 100 mạnh khỏe, vui vẻ, chúc cho mọi điều tốt đẹp luôn đến với Đại tướng và gia đình. Trần Hải Bằng - một người con của Quảng Bình yêu dấu. Nhân đây cho phép cháu hỏi cô Hòa Bình: trong cuộc sống hằng ngày Đại tướng thường thích ăn món gì? Cảm ơn cô.
Bà Võ Hòa Bình: - Đại tướng thích ăn những món của miền quê Quảng Bình như cá kho, canh rau đắng...
Dũng Trần - Nam 25 tuổi - Hà Nội
- Năm nay người cha vĩ đại của chị tròn 100 tuổi, chị và gia đình đã có món quà nào tặng cha chưa ạ? Theo quan điểm của các khách mời, món quà lớn nhất, mà cụ mong chờ từ trung ương - người dân là gì?
Bà Võ Hòa Bình, con gái Đại tướng, tại cuộc giao lưu với Bee.net.vn
Bà Võ Hòa Bình: - Năm nay chúng tôi định làm một tập ảnh gia đình, thu thập các bức ảnh về những kỷ niệm đáng nhớ của gia đình để tặng ông.
Còn món quà mà ông cụ luôn mong muốn là nhận được các tin vui, các thành tích của người dân, của đất nước. Chẳng hạn vừa qua ông đã rất mừng khi được biết Khu di tích Hoàng thành Thăng Long được công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Nguyễn Đức - Nam 40 tuổi - Adelaide, Australia
- Đại tướng ghét nhất cái gì? Điều gì?...
Bà Võ Hòa Bình: - Tôi nghĩ ông ghét nhất sự giả dối
Trần Văn Trãi - Nam 34 tuổi - 42 Kim Mã Thượng, Ba Đình
- Những bí quyết hay thói quen sinh hoạt thường ngày như thế nào giúp Đại tướng mạnh khỏe, sống lâu và làm việc cống hiến cho nhân dân nhiều như vậy?
Bà Võ Hòa Bình: - Ba tôi sinh hoạt rất điều độ. Ông làm việc rất nhiều nhưng luôn dành thời gian để tập luyện, thư giãn, giải trí. Những thú vui giải trí của ông là nghe nhạc, chụp ảnh, chơi với các cháu... Các môn thể dục ông thường tập luyện là đi bộ, bơi thuyền và tập thiền.
Trong những lúc thư giãn, ông luôn giữ cho đầu óc hoàn toàn thư thái, không vướng bận những suy tư về công việc.
“Ba vẫn nhắc mẹ tập thể dục giữ gìn sức khỏe”
Bình - Nam 30 tuổi - Hà Nội
- Đại tướng có bao giờ chia sẻ những trăn trở, băn khoăn với các thành viên trong gia đình không? Nếu có thì cách ông chia sẻ như thế nào?
Bà Võ Hòa Bình: - Trong những lúc êm đềm cũng như khi sóng gió, ba mẹ tôi khi nào cũng chia sẻ ngọt bùi/gian khó với nhau. Tất cả những thăng trầm trong cuộc đời đã gắn bó ông bà hai người như một. Nhìn hai ông bà quan tâm, chăm sóc nhau tôi thấy ba mẹ tôi thật may mắn: Ngay cả những khi ốm nằm trên giường bệnh, ông vẫn luôn nhắc bà chú ý tập luyện, giữ gìn sức khỏe.
Lê Dần - Nam 60 tuổi - Nam Định
- Chị Hòa Bình ơi, những lúc ông cụ nhà chị có điều gì không bằng lòng với ai đó trong gia đình thì cụ ứng xử thế nào ạ? Những việc của gia tộc, gia đình, các anh chị có bàn với cụ không ạ? Cảm ơn chị.
Bà Võ Hòa Bình: - Trong trường hợp như thế, sau khi hỏi han cặn kẽ về sự việc và thấy "đương sự" đã nhận rõ khuyết điểm, thường ông chỉ nói rất ngắn gọn: "Con đã thấy sai của mình, ba nghĩ là con sẽ không mắc lại sai lầm lần thứ hai".
Những việc quan trọng của gia tộc, gia đình thì ông bà là người chủ động nêu ra và bàn bạc với các con. Khi tuổi đã cao, ông thường phân công các việc cần thiết cho các con thực hiện. Ví dụ, năm 2002, gia đình họ Võ đã dựng lại ngôi nhà thờ phái tại làng An Xá và ông đã giao cho chị Hồng Anh phụ trách và cùng các em làm việc này.
Hà Lý - Nam 30 tuổi - Quảng Bình
- Cha chị có sự đối xử như thế nào với các con trong gia đình? Giữa chị Hồng Anh và chị có gì khác nhau không?
Bà Võ Hòa Bình: - Khi còn nhỏ ba mẹ dạy chúng tôi phải ngoan, chăm chỉ, quan tâm đến mọi người. Trong nhà, mẹ Thái hi sinh trong nhà tù của Pháp khi còn trẻ, chị Hồng Anh phải xa ba mẹ rất sớm, lại đi học xa nên cả nhà đều rất thương và chăm sóc chị. Là chị cả, chị cũng rất yêu thương và quan tâm tới các em. Còn chúng tôi thì "đều nhau". Ba mẹ luôn công bằng, quan tâm tới các con và không ai có thể tị nạnh với ai cả.
Kỳ Trung - Nam 17 tuổi - Huế
- Cháu xin kính chúc ông mạnh khỏe. (Đáng lẽ cháu phải gọi bằng cố ạ. Cố của cháu cũng hoạt động cách mạng ở chiến khu Việt Bắc ạ). Xin hỏi bác Võ Hòa Bình ạ, ông trong gia đình có nghiêm khắc không ạ? Ông có dùng "kỷ luật sắt" với các bác không ạ? Cháu xin cảm ơn ạ.
Bà Võ Hòa Bình: - Trong gia đình bác thì ông rất bận nên thời gian dành cho các con không nhiều. Ông thường nói: "Mẹ là cô giáo, mẹ giáo dục các con ba rất an tâm". Tuy nhiên, mỗi khi các con có sai phạm cần "chấn chỉnh", ông đều nghiêm khắc nhắc nhở mặc dù rất ít khi lớn tiếng.
Tôi rất nhớ một lần ông nổi giận khi bắt gặp bốn chị em chia làm hai phe cầm gậy hầm hè đánh nhau. Ông thu và lần lượt bẻ gẫy tất cả mấy cái gậy và nhốt tất cả các con vào phòng tắm, phạt cả ngày không cho đi chơi.
“Ba tôi cũng đã từng có lần phải thi hai lần mới vào được Quốc học (Huế)..”
Cúc Chi - Nữ 25 tuổi - Hà Nội
- Thưa cô Võ Hòa Bình, là con gái của một Đại tướng được cả thế giới biết đến, cô đã phải chịu những áp lực như thế nào? Áp lực đó có bao giờ lớn đến mức cô muốn thoát khỏi cái bóng vĩ đại của cha?
Bà Võ Hòa Bình: - Áp lực ư? Đối với câu hỏi này tôi cũng phải nghĩ một lúc....Có lẽ tôi không cảm thấy bị áp lực quá lớn, bởi vì ba mẹ không hề yêu cầu chúng tôi phải cố đạt được những thành tích nổi bật. Ông bà chỉ muốn các con luôn cố gắng hoàn thành những việc đã nhận, thực hiện những lời đã hứa, sống chân thành và đúng với bản chất của mình.
Tôi còn nhớ khi con gái tôi thi vào lớp 10, cháu làm bài thi không tốt, về nhà ngập ngừng mãi mới dám "báo cáo" với ông bà. Sau này cháu kể với tôi: Con nghĩ bụng sẽ bị một trận mắng to vì trong nhà chưa thấy ai thi trượt cả, nhưng ông nhìn con hiền từ và nói: "Con đừng lo, cứ chờ xem họ báo điểm thế nào, nếu thua keo này ta bày keo khác con ạ". Rồi ông cười "Con biết không, hồi nhỏ ông đã có lần trượt không vào được Quốc Học, phải thi lại đấy" - Câu nói đã làm con bình tâm lại và con nghĩ mình sẽ cố học chăm hơn.
Văn Trần - Nam 50 tuổi - TP.HCM
- Chào chị Hòa Bình! Cảm giác của chị thế nào khi là con của một người cha rạng danh như thế? Nhìn chị trong ảnh có vẻ chị là người giản dị? Ngoài đời, chị có giản dị không? Theo chị thì làm sao người ta sống trong danh gia vọng tộc mà vẫn có thể giản dị?
Bà Võ Hòa Bình: - Chúng tôi đều tự hào, nghĩ mình rất may mắn đã được sinh ra trong gia tộc có truyền thống đùm bọc, yêu thương nhau và được ông bà, cha mẹ giáo dục lòng yêu nước, yêu đồng bào.
Còn bức ảnh mà bạn nhìn thấy chắc là bức ảnh đăng tải trên Bee.net.vn? Có giản dị hay không qua một bức ảnh cũng khó biết. Tuy nhiên, tôi không phải là người quá phức tạp. Mọi người trong nhà thì nhận xét bức ảnh đó giống tôi ở ngoài đời.
Theo tôi, tính cách của con người là do trời sinh và chịu ảnh hưởng từ tính cách, sự giáo dục của cha mẹ.
Bee.net.vn