Cứ hễ đến một dịp lễ lớn nào đó, các địa phương lại thi nhau dựng cổng chào. Mỗi cái cổng chào bây giờ có giá tiền tỉ.
Kỉ niệm 35 năm giải phóng, thành phố Buôn Ma Thuột của tôi cũng có đến ba bốn cái cổng chào đồ sộ với những ống sắt ngang dọc nặng nề chỉ để đỡ mỗi cái bảng điện tử chạy chữ.
Chuẩn bị 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, lại sắp sửa có 5 cái cổng chào đồ sộ án ngữ 5 ngõ ra vào thủ đô, có giá tới 50 tỉ VND và chiếm dụng mấy chục ngàn m2 đất.
Mấy chục năm trước, mỗi lần đến ngày lễ, thôn xóm lại thi nhau dựng cổng chào. Cổng chào ngày ấy đơn giản, chỉ cọc tre, phên nứa, quét vôi, khá hơn thì có sơn. Thời thanh niên, tôi cũng đã từng được giao (vì có chút hoa tay) trang trí một cổng chào lúc ấy là “rất to” chắn ngang con đê 42 (Tả Lam) bên bờ sông Lam để chào mừng ngày Quốc khánh. Cách xa một ki lô mếch vẫn nhìn rõ. Lấy làm hãnh diện lắm. Cái hãnh diện của một đứa trẻ mới lớn được khen. Thật không có chi bằng!
Tưởng cái tư duy cũ kĩ ấy đã lui vào dĩ vãng. Ai dè, nó vẫn còn đất sống. Cổng chào hình như đã thành “một nét văn hoá” Việt cùng với văn hoá khẩu hiệu, băng-rôn? Viết đến đây lại thấy thèm một cái khải hoàn môn như ở Paris. Sao người ta giỏi thế. Chỉ cần một cái cổng chào để đời.
Tôi dám chắc, mấy cái cổng chào sắp dựng ở Hà Nội, sau Đại lễ 1000 năm, sẽ hoen rỉ và thậm chí xập xệ. Lại phá, lại xây cổng chào khác để đón những lễ mới.
30-6-2010
NDX