VỀ THĂM CÔN SƠN
TTO - Như một chuyến hành hương, chúng tôi tìm về Côn Sơn (huyện Chí Linh, Hải Dương), miền đất của những rừng thông bạt ngàn, nơi mấy trăm năm trước đã lưu dấu một cuộc đời ẩn dật, thanh bạch của người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi.
Toàn cảnh đền thờ Nguyễn Trãi dưới chân núi Kỳ Lân
Chiếc xe máy phóng vun vút qua những cung đường ngoằn ngoèo, hiểm trở đưa chúng tôi đến khu di tích - danh thắng Côn Sơn, thuộc địa phận xã Cộng Hòa. Chưa vào mùa du lịch nên du khách thưa vắng. Nhưng chính sự thanh vắng lại mang vẻ đẹp thanh bình cho nơi này.
Qua cổng tam quan cổ kính bề thế đề ba chữ “Côn Sơn tự”, mọi người như bị hút mắt bởi hàng thông cổ thụ cao lênh khênh trước mặt. Phía sau cổng tam quan nội là bốn cây đại già, thân sần sùi, nằm trườn ngang trườn dọc như những con rồng khổng lồ làm nhiệm vụ canh giữ khu điện thờ phía trước. Mùi khói hương thoang thoảng càng khiến cảnh chùa thêm linh thiêng, thiền tịnh.
Trong sân chùa, vài du khách vừa dạo bước vừa chăm chú xem những tấm văn bia. Tấm văn bia bên phải có ghi ba chữ Thanh Hư động (thanh trong, thoát tục), vốn là bút tích của vua Trần Duệ Tông khi ông về thăm Côn Sơn. Đã hơn 600 năm, dòng lưu bút xưa vẫn chẳng phai mờ. Văn bia bên trái hình lục lăng có tên “Côn Sơn thiện từ bi phúc tự”, đến nay vẫn còn là một ẩn số với những hàng chữ nho vuông vức, dày đặc.
Tam quan nội của chùa với hai cây đại cổ thụ che chắn
Chùa Côn Sơn được dựng vào thế kỷ 13, gồm 83 gian, bên trong có 385 pho tượng
Giếng Ngọc nằm ở sườn núi Kỳ Lân. Tương truyền đây là giếng nước do thiền sư Huyền Quang được thần linh báo mộng ban cho chùa nguồn nước quý
Đường lên Bàn Cờ Tiên
Thắp nén nhang và tham quan một vòng chùa Côn Sơn, chúng tôi men theo những bậc đá sau chùa để bắt đầu hành trình lên núi Kỳ Lân. Núi Kỳ Lân, tên dân gian gọi núi Hun, cao gần 200m. Độ cao của ngọn núi không đủ để thách thức lòng người, nhưng điều thú vị là ở hơn 900 bậc đá xếp uốn lượn qua những đồi thông rì rào, vấn vít cùng nắng, gió và mùi thơm ngai ngái của những tán lá thông già. Những bậc đá phủ rêu xanh rì gợi nhớ đến những câu thơ Nguyễn Trãi ngày xưa:
“Côn Sơn có đá rêu phơi,
Ta ngồi trên đá như ngồi chiếu êm”
(Côn Sơn ca)
Càng lên cao, cảnh núi rừng Côn Sơn càng nguyên sơ, tĩnh lặng. Trên đỉnh núi không khí mát mẻ và quang đãng. Một khu đất bằng phẳng có hình chữ công hiện ra trước mặt, gọi là Bàn Cờ Tiên. Từ vị trí này có thể nhìn bốn phương tám hướng giữa biển trời, biển gió lồng lộng: những xóm làng trù phú, sông nước Lục Đầu Giang mênh mông hữu tình, những triền đồi ngút ngàn thông reo; hay ngửa mặt lên để ngắm nhìn bầu trời và hít hà khí thiêng của đất trời, sông núi.
Văn bia lưu dấu bút “Thanh Hư động” của vua Trần Duệ Tông năm 1373
Nhà bia hình lục lăng trong sân chùa
Cách Bàn Cờ Tiên không xa là dòng suối Côn Sơn và đền thờ Nguyễn Trãi. Mùa này từ xa chỉ nghe thấy tiếng tí tách của con nước nhỏ chảy xuống những tảng đá lô nhô cao thấp.
Nơi đền thờ bức tượng Nguyễn Trãi vẫn còn giữ màu đồng nguyên chất. Bức tượng tạc khắc tư thế ung dung tự tại, nửa trầm tư nửa khắc khổ của một con người suốt đời phụng sự chân lý “Đem đại nghĩa để thắng hùng tàn, Lấy chí nhân để thay cường bạo”. Ngắm nhìn người anh hùng dân tộc, lòng lại dâng lên cảm giác xao xuyến, mong người đã tìm được "nơi bóng mát để ngâm thơ nhàn” ở nơi thanh tịnh này.
Bàn Cờ Tiên, nơi du khách có thể nhìn bao quát cả bốn phương tám hướng
Tượng đồng Nguyễn Trãi
Nguồn TuoitreOnline