GIÁO DỤC TỪ NGỌN
Mấy hôm nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng người ta đang kêu gọi người Việt dùng hàng Việt. Nhưng hàng ngoại vẫn tràn ngập khắp nơi.
Mấy tháng nay, bao nhiêu vụ thịt bẩn bị phanh phui. Chân gà thối, bì, mỡ động vật bốc mùi…Ngộ độc thức ăn vẫn xảy ra liên tục.
Mấy năm nay, tai nạn giao thông dường như không hề giảm. Trong vòng hai tuần từ cuối tháng tám đến đầu tháng chín năm 2009, xảy ra ba vụ tai nạn ô tô thảm khốc, hàng chục người chết chỉ trong nháy mắt.
Những thông tin làm đau lòng người Việt – người Việt chân chính.
Khi tai nạn giao thông xảy ra, người ta kêu gọi giáo dục ý thức chấp hành luật giao thông của người dân, và siết chặt việc cấp bằng lái xe.
Khi thực phẩm bẩn tung ra, người ta kêu gọi mọi người hãy là người tiêu dùng thông minh.
Khi hàng ngoại tràn ngập, người ta kêu gọi lòng yêu nước và tinh thần dân tộc.
Chúng ta đang quên đi một điều đơn giản mà ông cha đã từng nhắc nhở: dạy con từ thuở còn thơ. Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường, ta được học những điều cao sang, bây giờ nghĩ lại thấy xa vời vợi. Chẳng ai dạy ta ra đường hay về nhà phải cúi đầu chào hỏi. Cái cúi đầu một thời bị cho là tàn dư của nô lệ thực dân. Để bây giờ ta đi giữa đường ngông nghênh, coi thường người khác và bất chấp luật pháp. Chẳng ai dạy ta biết yêu thương con người (và cả chính mình) từ những việc nhỏ nhất, biết chia sẻ cảm thông với đồng loại, biết đau nỗi đau của con người. Để bây giờ ta sẵn sàng làm những chuyện bất nhân mà vẫn tự cho mình có lòng nhân ái. Chẳng ai dạy ta yêu nhà cửa, ruộng vườn, con đường, ngõ xóm nơi nuôi dưỡng mình lớn khôn. Để bây giờ ta xả rác vô tư. Để bây giờ ta sẵn sàng làm những gì ta muốn. Chao ôi, ta chỉ vì ta !
Biết bao giờ ta mới tỉnh ra ? Tỉnh ra để làm được những điều đơn giản.
Ở các nước, người ta chú ý giáo dục nhân cách cho trẻ ngay từ khi mới cắp sách tới trường, bằng những bài học cụ thể, sinh động chứ không thuyết lí máy móc. Một người Hàn Quốc làm rể Việt Nam, kể lại (trên chương trình VTV1), rằng ngay từ hồi còn học tiểu học, nhà trường đã dạy học sinh ý thức dùng hàng nội, qua việc kiểm tra đồ dùng, trang phục hàng ngày. Và từ đó trở đi, cả đến khi làm rể ở Việt Nam, ông vẫn không quên điều đó, vẫn gửi mua hàng ở cố quốc mỗi khi cần mua sắm.
Ở Nhật Bản, người ta giáo dục nhân cách cho trẻ bằng việc giữ gìn lễ nghi truyền thống của dân tộc qua trang phục, giao tiếp. Chả thế mà quan chức họ cúi gập người, mặt gần như úp lên bàn để xin lỗi nạn nhân vụ sập cầu Cần Thơ.
Người ta dạy trẻ ý thức giao thông ngay từ khi mới bước chân vào học đường.
Còn chúng ta, chúng ta dạy gì ?
Chúng ta lo giáo dục cho trẻ những điều cao xa quá, đôi lúc quên đi cái nền tảng bên dưới. Chúng ta dạy trẻ yêu nước, thương nòi mà không quan tâm xem các em nghĩ gì, làm gì. Làm sao gọi là yêu nước mà lại không biết yêu những gì bình thường nhất trong cuộc sống thường nhật xung quanh mình? Làm sao gọi là thương nòi khi mình vẫn thờ ơ, lạnh nhạt với người khác.
Nhân cách được hình thành từ những điều nhỏ nhất nhưng ta cứ lầm tưởng phải từ những điều to tát. Cho nên khi lớn lên, ta nói hay về đạo lí, nhân nghĩa mà hành động của ta lại xa rời thực tế.
Có lẽ vì thế mà bây giờ người ta sẵn sàng hại đồng loại, giống nòi bằng thực phẩm bẩn chỉ vì lợi ích cá nhân.
Người ta coi rẻ mấy chục mạng người trên một chuyến xe khách chỉ vì giành giật một vài người khách dọc đường mà phóng nhanh, vượt ẩu.
Người ta đua nhau xài hàng ngoại chỉ vì muốn chứng tỏ mình là người sành điệu, là kẻ có đẳng cấp trong xã hội như một nữ doanh nhân đã từng trả lời một cách vô tư như thế trên truyền hình.
Đấy là hệ quả của giáo dục, giáo dục từ ngọn.
Hạ tuần tháng 10-2009
NDX