Vậy là bước sang năm Canh Dần Đại tướng của chúng ta tròn 100 tuổi. Cầu trời để Đại tướng hưởng trọn vẹn 3 chữ: Đại lão, Đại thọ, Đại tướng quân.
Tôi có một kỷ niệm về Đại tướng cách đây tròn 45 năm. Dạo ấy (1965) tôi từ nhà quê thoắt ra mặc áo lính. Ở đơn vị huấn luyện, tiểu đội trưởng Nhỡ dữ như hùm beo, nhưng chưa ăn thua gì so với trung đội trưởng Tấn. Tiếng hô nghiêm trước hàng quân của Tấn, quả thật làm dựng tóc gáy nhiều người. Trong cái uy nghiêm của tiếng hô ấy, chúng tôi được báo: Nghỉ một ngày, dọn dẹp doanh trại, nơi ăn ở để đón cấp trên. Tôi quá mừng nghĩ ngay: Chắc Đại tướng đến thăm đơn vị, thăm chiến sĩ mới. Thế là ăn đứt người làng, vừa vào bộ đội, tôi đã được gặp Đại tướng. Khi hàng quân đứng nghiêm, trung đội trưởng Tấn đi nghiêm, giẫm dày xuống đất, chạy đến báo cáo cấp trên, giọng như líu lại càng làm chúng tôi hãnh diện. Nhưng cuối cùng thì không phải Đại tướng mà là Đại úy Vũ Tất Thành, chính trị viên của Tổng kho thông tin. Sau lần ấy, tôi mới vỡ lẽ ra, quân ta đông như kiến cỏ, đóng ở khắp nơi trên cả nước, Đại tướng đến sao được. Và hình bóng Đại tướng đối với tôi, anh lính binh nhì năm 1965, như vầng sáng, cao vời vợi trên chín tầng mây.
Thế mà sau này, trong nhiều năm làm phóng viên báo Quân đội Nhân dân và nhất là quãng thời gian làm Tổng biên tập, tôi đã vinh dự được nhiều lần gặp gỡ và làm việc với Bác. Đại tướng để lại cho tôi ấn tượng về một phong cách dí dỏm, tác phong cởi mở, thật là ấm áp, chân tình.
Lần ấy, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Học viện Chính trị Quân sự tổ chức hội thảo về cuộc chiến tranh nhân dân. Các giáo sư - tiến sĩ các học viên, các tướng lĩnh trong Quân đội rất vui được đón Đại tướng đến dự. Giờ giải lao, tất cả ra sân quây quần quanh Đại tướng. Bất ngờ nghe tiếng Đại tướng hô: “Nghiêm!”. Mọi người đứng im phắc, ngơ ngác và cuống lên khi nghe Đại tướng hô tiếp: “Hai hàng ngang, người thấp đứng trước, người cao đứng sau, tập hợp!”. Khi mọi người đã đứng thành hai hàng, Đại tướng nói tiếp:
- Hội nghị quan trọng thế này, mà không có nữ đại biểu, Ban tổ chức coi nhẹ phụ nữ đấy nhé. Bác cười, nói tiếp. Tôi biết các đồng chí rất muốn có ảnh chụp kỷ niệm với Đại tướng. Nhưng việc ấy đã làm nhiều lần, ở nhiều nơi rồi. Hôm nay, tôi muốn tặng các đồng chí một bức ảnh do chính tay Đại tướng chụp.
Nói rồi, Đại tướng cầm chiếc máy ảnh của một phóng viên, bảo anh bạn đứng vào hàng. Rồi, với vóc dáng nhanh nhẹn, nét mặt hồng hào, mái tóc bạc như cước, Đại tướng nheo mắt bấm từng kiểu ảnh.
Cuối buổi, mỗi đại biểu có một bức ảnh kỷ niệm. Hẫng hụt là không có Đại tướng trong ảnh, nhưng bù lại mỗi bức ảnh lại có một dòng chú thích độc đáo: Ảnh do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp.
Một lần khác, ấy là dịp báo Quân đội Nhân dân phối hợp với Công ty Mai Linh và Tổng Công ty Viettel tổ chức cuộc hành quân Vang mãi khúc quân hành cho 1000 cựu chiến binh là dũng sĩ diệt Mỹ, chiến sĩ thi đua, Anh hùng LLVTND đại diện cho CCB trong cả nước. Hành quân từ đất tổ Vua Hùng (Phú Thọ) qua miền Trung thăm lại chiến trường xưa và tập kết ở TP. HCM, đúng sáng ngày 30/4/2005 dự lễ kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Tôi vào báo cáo hành trình cuộc hành quân mang tên “Tiếp lửa truyền thống, vang mãi khúc quân hành”. Đại tướng lúc bấy giờ đã 95 tuổi, nhưng vẫn nhanh nhẹn, khỏe mạnh, nghe tôi báo cáo, mắt Đại tướng long lanh, linh hoạt hẳn lên. Đại tướng bảo:
- Sẽ là cuộc hành quân độc nhất vô nhị, độc đáo nhất trên thế gian này. Đồng chí làm trưởng đoàn hành quân, phải nhớ cùng Ban tổ chức chuẩn bị thật tỉ mỉ, chu đáo. An toàn tuyệt đối là mệnh lệnh Đại tướng giao cho đồng chí.
Tôi lĩnh hội ý kiến và trở về bàn với Tổng Giám đốc Mai Linh- Hồ Huy, tổ chức gấp cuộc đón tiếp Đại tướng tại Nhà hát lớn, sau khi Đoàn lên dâng hương Đền Hùng về.
Tối hôm đó CCB tập hợp đông đủ trong Nhà hát lớn. Đại tướng quân phục chỉnh tề, bước lên sân khấu nói chuyện. Đại tướng bước lên bậc thang, không đi đến bục mà đi thẳng ra giữa sân khấu. Bất ngờ Đại tướng làm động tác đứng nghiêm, giập gót giầy đánh “cốp” và giơ tay chào kiểu nhà binh với các CCB. Hội trường bỗng dậy lên tiếng vỗ tay như sấm. Tất cả CCB đều huân chương đầy ngực, đứng bật dậy. Không khí vừa trang nghiêm, vừa xúc động lạ thường. Một trung tá CCB quê ở Lạng Sơn, sau 30 năm đánh giặc trở về quê, nay lần đầu được về Hà Nội lại cũng lần đầu tiên trong đời được gặp Đại tướng kính yêu, anh xúc động cười mà nước mắt chan hòa. Đại tướng nói:
- Các đồng chí mới thực sự là những người con ưu tú nhất, xứng đáng được cả nước chào đón, trên đường trở lại chiến trường xưa.
Nhớ lại cuộc hành quân này, tôi lại được biết chuyện vừa xảy ra. Một CCB trong cuộc hành quân tuổi cao, sức yếu, trước khi mất đã dặn con cháu: “Cuộc đời làm lính cụ Hồ, lính bác Giáp, tôi mãn nguyện. Chỉ dặn duy nhất một điều: Khi tôi qua đời nhớ đặt lên bàn thờ bức ảnh tôi chụp với đồng đội trong cuộc hành quân Vang mãi khúc quân hành năm 2005”. Di nguyện được cả nhà trân trọng làm theo. Nhưng khi sắp khởi lễ viếng thì bất ngờ, một cụ cao tuổi nhất trong họ đưa ra ý kiến thay đổi. Bởi theo cụ, nếu để bức ảnh chụp cùng các CCB thờ trong nghi ngút khói hương, mà chỉ có ông nhà quá cố, còn tất cả đều đang khỏe mạnh, thì thật là không ổn. Bức ảnh kỷ niệm quý ấy được gia đình thống nhất treo trang trọng trong nhà mà không đặt lên bàn thờ.
Đối với người Việt Nam ta, bất cứ người dân nào vào tuổi thọ 100 đều được tất cả mọi người kính trọng, huống chi là Đại tướng, vị Anh hùng của mọi anh hùng trong quân đội ta.
Lại nhớ hôm ở trong Nhà hát lớn. Sau khi Đại tướng nói chuyện và căn dặn anh chị em lên đường, đồng chí Bùi Cường, thiếu tá CCB gần 70 tuổi, quê Lâm Thao, Phú Thọ, ngồi cạnh tôi cứ xuýt xoa:
- Anh Thống ạ! Tôi không nghĩ đến vinh dự là cuối đời mình lại được gặp Đại tướng. Tôi nghe nói rất nhiều nhà chính khách và các tướng lĩnh quốc tế sang thăm Việt Nam thời đổi mới, chỉ mong được có dịp diện kiến Đại tướng. Đối với họ, Đại tướng là nhân vật huyền thoại không chỉ của Việt Nam mà của cả 5 châu.
Lúc tôi đi sau, tiễn Đại tướng ra cửa Nhà hát lớn, ông Cường lúc đó cũng đi bên tôi. Ông nói, dường như không chỉ để nói với tôi:
- Anh nhìn Đại tướng kìa! Vóc dáng đã nhỏ bé. Hình như tuổi hạc càng cao, vóc dáng nhỏ lại thì uy tín của Đại tướng lại càng lớn. Công lao ấy, uy tín ấy, không ít người dân đã coi Đại tướng như Trần Hưng Đạo của thời nay. Tôi lại gọi điện cho Trần Hồng. Anh nói đang trên đường về quê ra, nếu còn kịp trình bày báo tết, anh sẽ gửi cho tôi bức ảnh anh vừa chụp Đại tướng ngày đầu năm 2010, tuy đã bách niên, nhưng vẫn sinh động, rất có thần.
Theo Nguyễn Quang Thống
Nhà báo & Công luận