Trang chủ

     

Thứ Năm, 7 tháng 1, 2010

KHÔNG GIAN VĂN HOÁ CỒNG CHIÊNG TÂY NGUYÊN



     Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại vào ngày 15 tháng 11 năm 2005. Sau Nhã nhạc cung đình Huế, đây là di sản thứ hai của Việt Nam được nhận danh hiệu này.
     Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên trải dài trên 5 tỉnh Tây Nguyên: Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông và Lâm Đồng. Chủ thể của không gian văn hóa này gồm nhiều dân tộc khác nhau: Ê đê, Ba Na, Mạ, Lặc...
     Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên bao gồm các yếu tố bộ phận sau: cồng chiêng, các bản nhạc tấu bằng cồng chiêng, những người chơi cồng chiêng, các lễ hội có sử dụng cồng chiêng (Lễ mừng lúa mới, Lễ cúng Bến nước...), những địa điểm tổ chức các lễ hội đó (nhà dài, nhà rông, nhà gươl, rẫy, bến nước, nhà mồ, các khu rừng cạnh các buôn làng Tây Nguyên,...), v.v.
     Hiện tại, ở các vùng có cồng chiêng như ở Tây nguyên, Lễ hội Cồng chiêng được tổ chức hàng năm là một hoạt động vừa có ý nghĩa bảo tồn bản sắc văn hóa vừa là một sản phẩm du lịch ăn khách.
     Hồ sơ đề cử Văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên đã được Bộ VHTT bắt tay xây dựng từ giữa năm 2004. Các cơ quan được giao việc soạn thảo gồm Viện Văn hóa Thông tin, Cục Di sản văn hóa, Sở Văn hóa Thông tin các tỉnh Đăk Lăk, Đắc Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng; Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, Viện Nghiên cứu Văn hóa (thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam) và Viện Âm nhạc (Nhạc viện Quốc gia Hà Nội).
     Văn hóa cồng chiêng được phát triển từ nền văn hóa Đông Sơn mà đại diện là trống đồng ra đời cách đây 3.000 năm, là loại hình nghệ thuật gắn với lịch sử văn hóa của các dân tộc thiểu số sống dọc Trường Sơn – Tây Nguyên. Mỗi dân tộc ở Tây Nguyên sử dụng cồng chiêng theo cách thức riêng để chơi những bản nhạc của riêng dân tộc mình, nhất là vào dịp lễ hội, chào đón năm mới, mừng nhà mới... Trải qua bao năm tháng, cồng chiêng đã trở thành nét văn hoá đặc trưng, đầy sức quyến rũ và hấp dẫn của vùng đất Tây Nguyên.
     Người dân Tây Nguyên luôn mang trong mình niềm tự hào về một tổ tiên xưa không những đã sản sinh ra những người con khỏe mạnh, bền bỉ chịu đựng thử thách trước thiên nhiên núi rừng huyền bí, khắc nghiệt mà còn gồm nhiều thế hệ ưu tú, trên chặng đường mưu sinh, họ không ngừng nâng cao đời sống vật chất, làm đa dạng, giàu có đời sống tâm hồn...
     Từ bao đời nay đồng bào các dân tộc Tây Nguyên luôn tự hào nền văn hoá truyền thống lâu đời mang bản sắc rất riêng của một dân tộc có phong tục, tập quán gắn liền với một đời sống khá đặc biệt của cộng đồng mình. Không gian núi rừng bao la và hùng vĩ là môi trường không chỉ giúp họ nương tựa mà còn là thế giới siêu nhiên mang đầy bí ẩn, thế giới của đấng thần linh rất gần gũi với con người và cũng là nơi luôn thổi vào tâm hồn họ sức sống mãnh liệt, lãng mạn lạ thường… . Cũng từ đó không gian VHCC đã được sản sinh.
     Bản thân người Tây Nguyên rất yêu quí cồng chiêng. Tổ tiên của họ vốn coi cồng chiêng là báu vật. Cồng chiêng tồn tại, hiện diện trong cuộc sống bình dị thường nhật của họ với vai trò như một nhân chứng lịch sử cho bao cuộc chuyển giao thiêng liêng của tổ tiên nhiều thế hệ trong đó có gia sản văn hoá vô giá: VHCC. Người Tây Nguyên thể hiện tình cảm qua sự giao tiếp trong cộng đồng, giữa họ với thần linh. Theo họ giao lưu gửi trao tâm tư của mình không chỉ trực tiếp bằng lời nói mà thanh âm của cồng chiêng là một thứ ngôn ngữ trữ tình mang hơi thở của một cộng đồng, nhiều thế hệ... giao tiếp cùng thế giới siêu nhiên thổ lộ tình cảm thương yêu, oán hận, lòng ngưỡng mộ nhưng chứa đựng đầy ắp khát vọng muốn chinh phục thiên nhiên…!
Văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên xứng đáng là Kiệt tác nhân loại!
NDX tổng hợp

MỘT SỐ HÌNH ẢNH VỀ CỒNG CHIÊNG VÀ SINH HOẠT VĂN HOÁ CỦA ĐỒNG BÀO CÁC DÂN TỘC TÂY NGUYÊN