Trang chủ

     

Thứ Sáu, 18 tháng 3, 2011

Văn hoá ứng xử của người Nhật


     Chứng kiến những gì đã và đang xảy ra ở Nhật Bản từ sau thảm hoạ động đất và sóng thần ngày 11-3, thế giới không khỏi bàng hoàng. Thảm hoạ thì đã rõ. Một phần nước Nhật tan hoang mà nguy cơ vẫn lơ lửng trên đầu: những cơn dư chấn, những vụ nổ lò phản ứng làm rò rỉ chất phóng xạ…

Nhưng điều làm cho mọi người suy ngẫm nhiều nhất, chính là cách ứng xử của người Nhật trước thảm hoạ.

1. Một sự bình tĩnh đến lạ kỳ của một dân tộc, nhất là những người trong vùng ảnh hưởng của động đất và sóng thần. Không có cảnh náo loạn, chen chúc, dẫm đạp lên nhau. Dường như tâm thế người Nhật cũng được lập trình bởi công nghệ cao mà họ đã chiếm lĩnh để rồi khi đối mặt với thảm hoạ vẫn bình tĩnh, tự tin.

2. Ý thức cộng đồng, tình người sâu nặng. Điều có thể xảy ra ở những nơi khác trên thế giới nhưng lại tuyệt nhiên không có ở Nhật Bản: cảnh chen lấn, giành giật, hôi của, cướp bóc…Về mặt này, có thể nói người Nhật đã vượt lên chiếm lấy đỉnh cao của văn hoá hiện đại.

3. Trước thảm hoạ của đất nước, Thủ tướng cũng như các quan chức cấp cao của chính phủ Nhật xuất hiện trước công chúng trong trang phục mà thoạt nhìn cứ ngỡ họ mặc đồ bảo hộ lao động ! Không sơ mi trắng toát, không có cảnh tiền hô hậu ủng, kẻ đón người che. Càng không có nụ cười tươi trên môi trước cảnh tang thương của đất nước. Chắc chắn đó không phải là đóng kịch. Đó là sự đồng cảm, chia sẻ của người lãnh đạo đối với dân chúng đang trong hoàn cảnh khổ đau.

4. Tôi không rõ giới truyền thông Nhật hành sự như thế nào nhưng chắc chắn họ có tác động không nhỏ đến tâm lý và hành động của người dân. Rõ ràng truyền thông Nhật đã làm tốt vai trò trách nhiệm của mình đối với dư luận trước thảm hoạ của đất nước.

Cách ứng xử của người Nhật đang làm giàu đẹp thêm văn hoá nhân loại.
Thái độ ứng xử và hành động của họ sau thảm hoạ kinh hoàng thật đáng để chúng ta suy ngẫm.
17-3-2011
Nguyễn Duy Xuân