Trang chủ

     

Thứ Tư, 21 tháng 1, 2015

Khẩu hiệu phản cảm nhìn từ góc độ văn hóa ứng xử

 
Sau ba ngày trương lên khắp các trục đường chính của thành phố Qui Nhơn, băng rôn tuyên truyền an toàn giao thông với khẩu hiệu: "Vượt đèn đỏ chỉ dành cho người ít học" đã được gỡ xuống.


Lí do tháo gỡ thật đơn giản: Nội dung câu khẩu hiệu phản cảm, gây bức xúc trong dư luận.

Theo ông Trần Châu, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Phó ban An toàn giao thông tỉnh Bình Định, thì câu tuyên truyền trên là của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, giao cho một đơn vị thuộc Sở Thông tin & Truyền thông (TT&TT) Bình Định treo trên các đường phố nhằm tuyên truyền, kêu gọi người dân tăng ý thức khi tham gia giao thông vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Còn ông Nguyễn Chí Cường, Giám đốc Sở TT& TT Bình Định, thì cho hay: Qua kiểm tra, câu băng rôn trên là của Ban An toàn giao thông tỉnh Bình Định, Sở TT&TT không liên quan, còn do cơ quan nào thực hiện, treo trên đường phố hiện ông chưa rõ.

Vấn đề ở đây không phải là truy cho ra câu khẩu hiệu phản cảm ấy từ đâu, ai là tác giả của nó.

Mọi người đều biết, pa-nô, bảng hiệu, băng rôn,… đều là những hình ảnh cụ thể của một loại hình hoạt động văn hóa – văn hóa ứng xử vì nó tác động đến nhận thức, tình cảm của con người cho dù nó hướng tới mục đích tuyên truyền hay quảng cáo. Mà đã là hoạt động văn hóa thì phải đảm bảo những yêu cầu tối thiểu về chuẩn văn hóa, từ mục đích, hình thức cho đến nội dung thể hiện.

Xét về nội dung, câu khẩu hiệu nói trên có vấn đề khi tự nó xác định đối tượng vi phạm luật giao thông bằng sự phân biệt cảm tính: người ít học thì sẽ hay vượt đèn đỏ? Vậy là nó “đụng” đến người khác một cách thiếu tôn trọng. Thế nào là ít học, ai là người ít học? Vô hình trung, những người đẻ ra câu khẩu hiệu này đã tỏ thái độ miệt thị người khác. Và dư luận nổi sóng là lẽ đương nhiên.

Bấy lâu nay ta cứ lẫn lộn hai phạm trù học vấn và văn hóa. Chả thế mà một thời gian dài, thậm chí đến giờ vẫn còn tồn tại những mẫu khai lí lịch có mục khai về trình độ văn hóa. Thế cho nên mới có chuyện khôi hài, người không biết chữ thì khai trình độ văn hóa mù chữ, người có bằng tiến sĩ khai trình độ văn hóa tiến sĩ… Thước đo trình độ văn hóa của mỗi người thể hiện qua hành vi ứng xử hàng ngày đối với môi trường và xã hội chứ đâu phải ở bằng cấp học vấn đạt được. Có vị cán bộ nọ bằng cấp cũng đầy mình, nhưng theo dân phản ánh, sống ở khu phố hàng bao nhiêu năm mà chưa một lần gặp gỡ trò chuyện với hàng xóm; nhà cửa lúc nào cũng kín cổng cao tường. Văn hóa ứng xử như vậy liệu có tỉ lệ thuận với bằng cấp và vị thế xã hội mà ông đang có?

Trở lại câu chuyện khẩu hiệu phản cảm nói trên. Tôi nghĩ đây cũng là một biểu hiện cụ thể của văn hóa ứng xử. Người khởi xướng câu khẩu hiệu đó có thể trình độ học vấn cao (chắc chắn rồi vì họ là cán bộ nhà nước). Nhưng nội dung câu khẩu hiệu đã chứng minh cho điều ngược lại, trong trường hợp như thế này, dư luận vẫn gọi là “văn hóa lùn”.

Cách đây vài tháng, trên các trục đường chính ở Buôn Ma Thuột, cũng xuất hiện một băng rôn tuyên truyền khiến cho người tham gia giao thông ở phố núi không khỏi “ngơ ngác”: “Quan sát an toàn khi vượt qua đường sắt”!!!

Thế đấy, để có được một câu khẩu hiệu hay, phù hợp với đối tượng cần hướng tới, phải hết sức cẩn trọng. Mọi sự cẩu thả, xem thường công chúng sẽ làm cho việc tuyên truyền phản tác dụng.

7-1-2015
Nguyễn Duy Xuân