Trang chủ

     

Thứ Ba, 26 tháng 8, 2014

Hãy dừng đề án lại khi chưa muộn

 
Mấy ngày nay, cái đề án “Thí điểm chương trình sách giáo khoa điện tử lớp 1, 2, 3” của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM, nói theo ngôn ngữ ngành Y là đang gây “sốc phản vệ” đối với dư luận.


Điểm qua các báo, từ bài viết đến bình luận của độc giả, tìm không ra một ý kiến tán thành. Hầu hết đều phản đối, phản đối một cách kịch liệt trước một đề án mà những người đang cố bảo vệ nó để thực hiện cho bằng được, đã bất chấp khoa học và đạo lí.

Giữa thời đại thông tin số, quyền giám sát của người dân được mở rộng. Người dân cần được biết và bày tỏ ý kiến phản biện của mình về những vấn đề liên quan đến lợi ích cộng đồng, quốc gia. Không ai có quyền và tự cho mình quyền đứng trên dư luận để muốn làm gì thì làm. Chính vì thế mà trong thời gian qua, dư luận và báo chí đã đóng vai trò hết sức quan trọng, giúp chính quyền có những quyết sách đúng đắn trước những vấn đề gây bức xúc trong dư luận.

Chỉ đơn cử việc gần đây nhất: ngày 19/8 vừa rồi, Hà Nội quyết định hoãn “sinh nhật” Hai Bà Trưng sau khi “lắng nghe” phản hồi của dư luận về cái kế hoạch tổ chức lễ sinh nhật vô tiền khoáng hậu này.

Có một câu hỏi được đặt ra ở đây là: Tại sao những đề án này khiến dư luận phản ứng mạnh mẽ như vậy?

Lại phải lấy cái tựa của bài báo trên báo điện tử Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh thôi: “Một đề án sặc mùi tiền, thiếu tính người”.

Nhưng tôi muốn bổ sung thêm: Một đề án sặc mùi tiền, phản khoa học, bất chấp luật pháp, thiếu tính người.

Lại nhớ đến hôm kia, một nhà văn đã nói trên Fb của mình về cái kế hoạch tổ chức lễ “sinh nhật” Hai Bà, đại ý gói gọn trong hai chữ: mùi tiền!

Vâng, thưa nhà văn – mùi tiền!

Không ngửi thấy cái “mùi” quyến rũ ấy, thiên hạ chẳng ai nhọc công lập dự án hay đề án làm gì cho mệt bởi công chức xứ mình vẫn nổi tiếng là “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”. Bảo rằng vì dân vì nước ư? Hãy đợi đấy!

Bởi thế cho nên người ta đua nhau làm dự án, chạy dự án, mua dự án chỉ vì cái mùi hấp dẫn ấy. Đánh hơi được nó, các “phù thủy” dự án sẽ biến không thành có, biến nhỏ thành to. Hệ quả ra sao sau khi dự án làm xong không cần quan tâm. Không khó để minh chứng cho điều này. Trong thực tế, hàng loạt dự án sau khi hoàn tất, thậm chí chưa đưa vào sử dụng mà các công trình đã xuống cấp hư hỏng. Sự lãng phí và thất thoát chưa ai tính được nhưng chắc chắn là rất rất lớn bởi những dự án nặng “mùi tiền” như thế.

Trở lại với cái đề án của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM quả đúng là “sặc mùi tiền, phản khoa học, bất chấp luật pháp, thiếu tính người”.

“Sặc mùi tiền” vì “Xuyên suốt trong đề án được công bố, nội dung chi tiền chiếm phần chủ đạo, còn việc giải thích cho công luận hiểu: Nội dung cụ thể của SGK điện tử gồm những phần nào, học ra sao, mang lại lợi ích thế nào cho HS và quan trọng các em sẽ học bằng máy tính bảng bao nhiêu giờ trong một ngày, có ảnh hưởng sức khỏe tới đâu…, tức là hiệu quả và hạn chế của đề án thì chỉ được nêu lên dưới dạng những khẩu hiệu sáo rỗng chứ không có sự đầu tư nghiên cứu nghiêm túc và sòng phẳng trước dư luận.” (Báo PLTP)

Một đề án lập ra mà bị cái “mùi tiền” chi phối thì làm sao có thể đảm bảo tính khoa học? Cứ tưởng tượng cảnh những cô cậu học trò đang ở lứa tuổi lên sáu lên bảy, suốt ngày chúi mắt chúi mũi vào thế giới ảo trên cái máy tính bảng thì liệu còn không cái nguyên lí mà Luật Giáo dục số 38/2005/QH11 đã đề ra: “Hoạt động giáo dục phải được thực hiện theo nguyên lý học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, lý luận gắn liền với thực tiễn….”?

Những người bảo vệ cho cái dự án ấy chỉ chăm chắm ở việc mua bán công nghệ điện tử, và máy tính bảng. Họ biến những người được giao trọng trách chăm lo việc dạy học của một thành phố lớn nhất nước thành khách hàng “bự” tiêu thụ sản phẩm công nghệ cho họ. Những nguyên lí, nguyên tắc và mục tiêu giáo dục bị gạt sang một bên.

Ứng dụng tiến bộ khoa học vào giáo dục là điều cần thiết để phát triển nhưng không phải làm theo kiểu “thấy người ăn khoai cũng vác mai đi đào”. Máy tính bảng nếu được đưa vào trường học thì cũng chỉ là một trong những công cụ hỗ trợ dạy học mà thôi, quyết không thể thay thế tất cả. Huống chi việc sử dụng nó thường xuyên sẽ tác động xấu tới sức khỏe và sự phát triển trí não của trẻ ở độ tuổi tiểu học.

Về kinh tế, gánh nặng đề án, nếu được triển khai sẽ đè lên vai hàng vạn vạn người dân là những phụ huynh có con em đang theo học lớp 1,2,3 từ năm học này về sau. Bởi máy tính bảng không đơn giản để thay thế như một cuốn sách hay một cây bút khi bị hỏng hóc,  mất mát.

Ai mà lường hết được những hệ lụy xã hội từ cái đề án nặng “mùi tiền’ này đối với các thế hệ học trò và người dân thành phố?

Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM hãy noi theo Hà Nội, dũng cảm từ bỏ một đề án có nguy cơ gây lãng phí tiền dân mà hiệu quả chưa tính được. Tôi tin là dư luận sẽ đồng tình và hoan nghênh các vị lắm lắm!

21-8-2014
Nguyễn Duy Xuân
Xem Dân trí