Trang chủ

     

Thứ Bảy, 5 tháng 4, 2014

Để biến thành những phố Tàu là rất nguy hiểm; Bản án bị phản đối toàn diện

Mot_nhat_dao_chem_mat_nhan_dan

Vụ xử 5 công an: không có tội “dùng nhục hình”

VNN - Trong vụ án này, chỉ có hành vi phạm tội “bắt người trái pháp luật” và hành vi “giết người”; cần phải khởi tố, truy tố và xét xử các bị cáo về hai tội phạm này mới chính xác.


Phiên tòa xử 5 công an đánh chết người xảy ra ở Phú Yên đã khép lại. Bản án sơ thẩm tuyên mức án cao nhất đối với bị cáo đầu vụ Nguyễn Thân Thành Thảo là 5 năm tù…
Bản án gây ngỡ ngàng, xôn xao dư luận…phần lớn không đồng tình với mức án mà VKSND TP Tuy Hòa đề xuất và bản án của Tòa. Nhìn lại vụ án, phải chăng ngay từ đầu, việc truy tố, xét xử không đúng tội danh đã dẫn đến hậu quả dây chuyền như vậy?
Trước hết, dùng nhục hình là hành vi của người có thẩm quyền trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đã dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng các thủ đoạn khác gây tổn hại đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự đối với người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo, người bị kết án và những người tham gia tố tụng khác.
Hoạt động điều tra chỉ được tính từ sau khi khởi tố. Khi chưa bị khởi tố thì nghi can nằm ngoài vòng tố tụng. Như vậy, tội dùng nhục hình chỉ xảy ra khi và chỉ khi Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt người phạm tội theo đúng quy định của pháp luật.
Hành vi của 5 công an là hành vi tra tấn dã man anh Ngô Thanh Kiều đến chết, nhưng không phải hành vi tra tấn nào của công an cũng cấu thành tội “dùng nhục hình” quy định tại Điều 298 Bộ luật hình sự.
Tội dùng nhục hình quy định tại Điều 298 Bộ luật hình sự là hành vi xâm phạm hoạt động đúng đắn của các cơ quan điều tra, kiểm sát, xét xử và thi hành án trong việc bảo vệ quyền lợi của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.
Trong trường hợp cụ thể này, hành vi tra tấn anh Kiều đến chết của 5 công an không xâm phạm hoạt động đúng đắn của các cơ quan điều tra, vì anh Kiều chưa phải là bị can; từ việc bắt anh Kiều không đúng pháp luật; anh Kiều không phạm pháp quả tang, cũng không thuộc trường hợp bắt khẩn cấp; Công an bắt người lúc 3 giờ sáng lại không thuộc trường hợp bắt khẩn cấp hay bắt người phạm tội quả tang là hành vi bắt người trái pháp luật.
Anh Kiều cũng chưa bị khởi tố bị can, nên hoạt động đúng đắn của các cơ quan điều tra cũng chưa bị xâm phạm. Chỉ dừng lại ở hành vi này thôi cũng đủ dấu hiệu cấu thành tội bắt người trái pháp luật quy định tại điểm b khoản 2 Điều 123 Bộ luật hình sự với tình tiết “lợi dụng chức vụ, quyền hạn”.
Giả thiết, sau khi bị bắt anh Kiều quá uất ức mà tự tử thì thuộc trường hợp “phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại khoản 3 Điều 123 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ ba năm đến mười năm tù.
Trong một xã hội dân sự, không thể cứ thấy nghi là phạm tội thì bắt, còn lệnh bắt chỉ là thủ tục giấy tờ, không quan trọng; nói vậy chỉ có ở thời trung cổ, chứ thời nay mà quan niệm như vậy thì không ai nghe được. Nếu cơ quan điều tra bắt sai, lại hợp thức hóa giấy tờ thủ tục thì lại càng sai và hành vi này còn là hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án theo quy định tại Điều 300 Bộ luật hình sự.
Chỉ được coi là dùng nhục hình khi đã có quyết định khởi tố bị can mà điều tra viên có hành vi tra tấn, đánh đập, bắt nhịn ăn, nhịn uống, cho ăn cơm thừa, canh cặn, không cho ngủ, cùm kẹp, hỏi cung suốt ngày đêm, bắt phơi nắng, bắt tắm nước lạnh vào mùa đông hoặc có hành vi khác gây đau đớn về thể xác và tinh thần đối với người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo, người bị kết án đang chấp hành hình phạt tù trong các trại giam hoặc những người tham gia tố tụng khác.
Trong vụ án này, chỉ có hành vi phạm tội “bắt người trái pháp luật” và hành vi “giết người”, cần phải khởi tố, truy tố và xét xử các bị cáo về hai tội phạm này mới chính xác.
Ngoài việc xác định tội danh không đúng, các cơ quan tiến hành tố tụng ở TP Tuy Hòa còn vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong việc triệu tập người làm chứng, và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án đến tòa để xét hỏi.
Liên quan đế hành vi tra tấn anh Ngô Thanh Kiều, còn có trách nhiệm của ông Lê Đức Hoàn, Phó Trưởng Công an TP Tuy Hòa, người trực tiếp chỉ đạo việc xét hỏi đối với anh Kiều, nhưng không có mặt tại phiên tòa mặc dù tòa án có triệu tập; việc vắng mặt quá nhiều người làm chứng, cũng như việc tranh tụng tại phiên tòa không được thực hiện đúng pháp luật, càng làm cho gia đình người bị hại và dư luận đã bức xúc, càng thêm bất bình hơn.
Đã đến lúc các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Phú Yên và ở Trung ương cần vào cuộc để làm rõ bản chất của vụ án góp phần ổn định tình hình, trả lời thỏa đáng trước công luận.
Đinh Văn Quế(nguyên Chánh tòa Tòa Hình sự - Tòa án nhân dân tối cao)

Vụ công an dùng nhục hình: Bản án bị phản đối toàn diện

NLĐO - Gia đình bị hại phản đối các mức án; người nhà bị cáo nói sẽ kháng cáo; luật sư bào chữa cho bị hại chỉ trích tòa “đạp lên dư luận”; luật sư bào chữa cho bị cáo khẳng định vụ án có dấu hiệu bỏ lọt tội mà tòa vẫn xử, vẫn tuyên...
Chiều 3-4, TAND TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên đã tuyên án vụ 5 sĩ quan công an dùng nhục hình dẫn đến chết người xảy ra tại Công an TP Tuy Hòa.

Trưởng ban chuyên án tạm thoát

HĐXX tuyên phạt: 5 năm tù giam đối với bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành (nguyên thiếu úy, cán bộ điều tra - Công an TP Tuy Hòa); 2 năm tù giam đối với bị cáo Nguyễn Minh Quyền (nguyên thiếu tá thuộc Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội - Công an tỉnh Phú Yên); 1 năm 6 tháng tù giam đối với bị cáo Phạm Ngọc Mẫn (nguyên thượng úy thuộc Đội CSĐT tội phạm về trật tự xã hội - Công an TP Tuy Hòa); phạt từ 1 năm đến 1 năm 3 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đối với bị cáo Nguyễn Tấn Quang (nguyên thiếu tá, đội phó Đội CSĐT tội phạm về trật tự xã hội) và Đỗ Như Huy (nguyên trung úy thuộc Đội CSĐT tội phạm về trật tự xã hội, cùng của Công an tỉnh Phú Yên).
Bản án nhận định Ngô Thanh Kiều (nghi can trong một vụ trộm cắp) bị còng tay đưa về Công an TP Tuy Hòa từ 8 giờ 30 phút đến 13 giờ 30 phút ngày 13-5-2012, bị những người nói trên dùng dùi cui đánh nhiều phát. Trong đó, Thành đánh vào đầu Kiều gây chấn thương sọ não, tử vong. HĐXX buộc các bị cáo phải bồi thường cho gia đình bị hại 111 triệu đồng và Công an TP Tuy Hòa phải cấp dưỡng cho 2 con của nạn nhân mỗi tháng 575.000 đồng/cháu.
Trước đó, trong phần luận tội, VKSND TP Tuy Hòa chỉ đề nghị mức án 5 năm đến 5 năm 6 tháng tù đối với bị cáo Thành, 4 bị cáo còn lại cho hưởng án treo.
Về đề nghị khởi tố đồng phạm tội dùng nhục hình đối với ông Lê Đức Hoàn, Phó Công an TP Tuy Hòa, HĐXX cho rằng không có chứng cứ cho thấy ông Hoàn chỉ đạo việc dùng nhục hình mà là do cấp dưới tự ý thực hiện.
Ông Hoàn cùng một số cán bộ công an có dấu hiệu của tội bắt giữ người trái pháp luật và là trưởng ban chuyên án điều tra vụ trộm cắp, phân công cán bộ cấp dưới điều tra nhưng không giám sát, nhắc nhở để xảy ra hậu quả nghiêm trọng là có dấu hiệu thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, HĐXX cho rằng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự và VKSND TP Tuy Hòa cũng không truy tố nên HĐXX không xem xét.
Trước đó, ngày 28-6-2013, TAND TP Tuy Hòa quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Theo đó, yêu cầu VKSND TP Tuy Hòa truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các bị can Quang, Quyền, Mẫn, Huy và Thành về hành vi cố ý gây thương tích.
Tuy nhiên, VKSND TP Tuy Hòa cho rằng các bị can này do nôn nóng với kết quả điều tra, không nhằm mục đích gây thương tích hoặc gây ra cái chết đối với Kiều. Hành vi dùng nhục hình đã thu hút các hành vi cố ý gây thương tích nên không cần thiết truy tố tội “Cố ý gây thương tích”.

Nhiều người, nhiều bên phẫn nộ

Luật sư Nguyễn Khả Thành, Phó trưởng Đoàn Luật sư Phú Yên, cho rằng tội danh có khung hình phạt nặng phải thu hút tội danh có khung hình phạt thấp nhưng VKSND TP Tuy Hòa làm ngược lại. Đúng ra phải là tội “Cố ý gây thương tích”.
Về việc không khởi tố ông Lê Đức Hoàn, luật sư Thành nói ra tòa, bị cáo nào cũng khai ông Hoàn chỉ đạo nhưng không bị khởi tố là đã bỏ lọt tội phạm. Ông Hoàn cũng không thuộc đối tượng miễn trách nhiệm hình sự nên ít nhất phải bị khởi tố tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Về bản án của TAND TP Tuy Hòa, luật sư Võ An Đôn, bào chữa cho bị hại, cho rằng: “HĐXX đã liều lĩnh, đạp lên dư luận, pháp luật để ra bản án trái pháp luật. Một bản án bỏ lọt tội phạm nguy hiểm. Cụ thể ở đây là ông Lê Đức Hoàn phạm 3 tội nhưng không bị khởi tố tội nào. Một bản án không đúng khung hình phạt. Năm bị cáo trên phải bị truy tố tội “Cố ý gây thương tích dẫn đến chết người” hoặc tội “Giết người” mới đúng”.
Khi chủ tọa phiên tòa vừa tuyên án xong, bà Ngô Thị Tuyết, chị của Ngô Thanh Kiều, gào khóc và cho biết sẽ kháng án. Một phụ nữ có chồng trước đây chết trong nhà tạm giữ của công an, khi nghe tuyên án xong cũng ngã lăn ra khóc giữa sân tòa bày tỏ sự bất bình. Phải rất lâu, đám đông người dự khán mới giải tán.
Ông Nguyễn Văn Thân, cha của bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành, từng là cán bộ công an, bức xúc cho rằng con ông là con tốt bị thí trong vụ án. “Vì sao người ta không truy tố tội “Cố ý gây thương tích gây hậu quả nghiêm trọng”? Chỉ vì nếu truy tố tội ấy sẽ có khung hình phạt cao hơn, một số người khác như ông Hoàn cũng bị tội. Tôi sẽ kháng án”.
Luật sư Nguyễn Văn Thắng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, bào chữa cho bị cáo Thành, nói chưa ở đâu như HĐXX này, chưa đủ chứng cứ, nhiều dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà vẫn cứ xét xử, vẫn cứ tuyên án.

Để biến thành những phố Tàu là rất nguy hiểm

(LĐ) - “Các anh bàn đi, dẹp hết bảng hiệu Trung Quốc. Cấm có được không? Vũng Áng họ lên án vấn đề này rồi đấy. Làm đi, bao giờ làm, bao giờ xong? Bây giờ làm luôn đi. Hai ba ngày sau là phải xử lý xong vấn đề này. Nói là làm chứ không để nó nguội... Để biến đó thành thành phố Tàu là không được. Rất nguy hiểm. Bài học từ Đắk Nông có rồi đấy” - đó là ý kiến của ông Trần Thọ - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng tại hội nghị Thành ủy ngày 2.4.
Điều đáng quan tâm là không chỉ riêng Đà Nẵng, mà có nhiều địa phương treo biển hiệu Trung Quốc dày đặc. Tại Bắc Ninh, biển hiệu tiếng Trung Quốc lấn cả biển tiếng Việt, năm trước các cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện và bắt hạ hơn 100 biển vi phạm.
Con đường Bãi Cháy rất đẹp của thành phố Hạ Long có nhiều nhà nghỉ, khách sạn, cửa hàng treo biển hiệu bằng tiếng Trung Quốc, đến đó cứ tưởng là xứ Tàu. Còn nữa, Vũng Áng (Hà Tĩnh), Đăk Nông, Lâm Đồng, Bình Dương đã hình thành nhiều phố Tàu tương tự như vậy.
Tại sao ngày càng có nhiều tuyến đường, khu phố ghi biển hiệu tiếng Trung Quốc như vậy? Câu trả lời cũng rất đơn giản, vì ngày càng có nhiều người Trung Quốc làm ăn sinh sống ở Việt Nam. Người Trung Quốc có mặt tại các dự án bauxite ở Tây Nguyên, các dự án rải dọc các tỉnh duyên hải miền Trung, Đồng bằng sông Cửu Long, về tận Cà Mau, các dự án trồng rừng ở các tỉnh biên giới phía bắc.
Nhiều nơi người Trung Quốc lập khu vực xây dựng, người ngoài không vào được, không biết họ làm gì ở bên trong.
Lao động Trung Quốc có giấy phép nhiều nhưng lao động chui cũng không ít. Tình trạng lao động chui bàn đã nhiều, nhưng không xử lý được. Mới đây, một số địa phương kiểm tra và phát hiện lao động Trung Quốc làm việc không phép rất đông như Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Bình Thuận…
Người Trung Quốc sang Việt Nam làm ăn là chuyện bình thường, phải có chính sách hỗ trợ họ để họ làm việc, sinh hoạt an toàn, lành mạnh và đảm bảo đúng pháp luật Việt Nam.Tuy nhiên, các địa phương phải kiểm tra, kiểm soát để biết nắm rõ họ hoạt động kinh doanh hợp pháp, lao động chui phải bị trục xuất.
Kiểm tra lao động Trung Quốc và cũng thường xuyên kiểm tra dân mình, chỉ riêng tình trạng treo biển hiệu tiếng Trung Quốc cũng là một chuyện không thể xem thường. Phải quyết liệt như ông Bí thư thành phố Đà nẵng, “nói là làm chứ không để nó nguội”.
Phải có nhiều ông bí thư như thế, nếu không thì phố Tàu tràn khắp các tỉnh thành lúc nào không hay.