Trang chủ

     

Thứ Năm, 6 tháng 3, 2014

“ÔNG ANH”, “CÔ EM” VÀ…

Biet_thu_ong_Truyen

- Thời của quan chức lên ngôi, biết đâu mai kia lại có thêm những “ông cậu”, “bà dì” xuất hiện, đóng vai trò quí nhơn phù hộ cho các vị những lúc gặp phải tai ương ?


Người Việt mình kể cũng lạ. Bình thường chẳng mấy khi quan tâm đến nhau thế nhưng khi lâm sự thì bỗng dưng anh em chú bác xuất hiện, cứ như là trên trời rơi xuống.

Vài ba tháng nay, dư luận quá quen với “ông anh” của Dương Chí Dũng, quen đến mức, nó trở thành danh từ có tần số xuất hiện nhiều nhất trong đời sống hàng ngày. Nếu cụ cố Hồng của nhà văn Vũ Trọng Phụng mà còn sống đến bây giờ chắc ông ta phải nhắc đi nhắc lại câu “biết rồi khổ lắm, nói mãi” hàng vạn lần chứ không chỉ 1872 lần như trong tiểu thuyết Số đỏ.

Ông Trần Văn Truyền và biệt thự "khủng"

Thế rồi, mấy ngày qua, dư luận lại thêm một phen ngạc nhiên tuy không đến nỗi mắt chữ O, miệng chữ A như khi nghe danh “ông anh” của Dương Chí Dũng. Đấy là sự xuất hiện “cô em” của ông bác Trần Văn Truyền. Một cô em nghĩa hiệp, đã không tiếc tiền giúp ông anh xây cái biệt thự nguy nga ở quê nhà đang làm sốt cộng đồng mấy hôm nay. 

Dân mình vốn rất coi trọng chữ tình, những chuyện như thế quả thực, chẳng có gì đáng để mà bàn tán. Lẽ ra phải biểu dương nữa là đằng khác. Một “ông anh” quan tâm chu đáo, lo lắng cho số phận của chú em chẳng may gặp nạn, một “cô em” ra tay giúp đỡ ông anh là cán bộ cao cấp đến lúc nghỉ hưu rồi mà vẫn vất vả cực nhọc chuyện nhà cửa. Toàn là những nghĩa cử cao đẹp cả. Họ, những “ông anh”, “cô em” ấy đều đặt cái tình lên trên hết, như dân mình vẫn thường nhắc nhau ăn ở hết tình hết nghĩa.

Nhưng… Ở đời cứ hay bị rối bởi một chữ “nhưng” thế này. Làm sao mà bảo thiên hạ đừng đàm tiếu được ? Thời của quan chức lên ngôi, biết đâu mai kia lại có thêm những “ông cậu”, “bà dì” xuất hiện, đóng vai trò quí nhơn phù hộ cho các vị những lúc gặp phải tai ương ?

Và cứ thế, thiên hạ tha hồ mà thả sức buôn dưa lê ở những quán cóc vỉa hè hay những cuộc trà dư tửu lậu.

1-3-2014
Nguyễn Duy Xuân