Trang chủ

     

Thứ Năm, 13 tháng 3, 2014

13/3, ngày này 60 năm trước: Mở màn trận Điên Biên Phủ lịch sử

Dien_Bien_phu2

Trận Điện Biên Phủ là trận đánh lớn nhất trong Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất diễn ra tại lòng chảo Mường Thanh, châu Điện Biên, tỉnh Lai Châu (nay thuộc thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên), giữa Quân đội Nhân dân Việt Nam (QĐNDVN) và quân đội Liên hiệp Pháp (gồm lực lượng viễn chinh Pháp, lê dương Pháp, phụ lực quân bản xứ và Quân đội Quốc gia Việt Nam).


- Điện Biên Phủ là một thung lũng phì nhiêu ở Tây Bắc Việt Nam. Dài 15 km, rộng 5 km, giữa thung lũng có sông Nậm Rốm chảy qua cánh đồng do người Thái cầy cấy. Một sân bay bỏ phế từ lâu, có từ thời Nhật, nằm dọc theo sông Nậm Rốm về phía bắc lòng chảo. Điện Biên Phủ cách Hà Nội 300 km về phía tây, cách Lai Châu 80 km về phía nam. Xung quanh là núi đồi trập trùng bao quanh tứ phía, rừng già khắp nơi làm chỗ ẩn náu dễ dàng cho quân du kích. Cũng như Lai Châu và Nà Sản, Điện Biên Phủ là một điểm chiến lược bảo vệ tây bắc Lào và thủ đô Vạn Tượng (Luang Prabang). Tướng Cogny nhấn mạnh: Điện Biên Phủ là một căn cứ bộ binh - không quân (base aéroterrestre) lý tưởng, là "chiếc chìa khoá" của Thượng Lào.
Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được ra đời án ngữ miền Tây Bắc Việt Nam, kiểm soát liên thông với Thượng Lào để làm bẫy nhử, thách thức quân chủ lực Việt Minh tấn công và, theo kế hoạch của Pháp, quân Việt Minh sẽ bị nghiền nát tại đó.

- Lực lượng quân Pháp ở Điện Biên Phủ có 12 tiểu đoàn và 7 đại đội bộ binh (trong quá trình chiến dịch được tăng viện 4 tiểu đoàn và 2 đại đội lính nhảy dù), 2 tiểu đoàn pháo binh 105 ly (24 khẩu - sau đợt 1 được tăng thêm 4 khẩu nguyên vẹn và cho đến ngày cuối cùng được thả xuống rất nhiều bộ phận thay thế khác), 1 đại đội pháo 155 ly (4 khẩu), 2 đại đội súng cối 120 ly (20 khẩu), 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng 18 tấn (10 chiếc M24 Chaffee của Mỹ), 1 đại đội xe vận tải 200 chiếc, 1 phi đội máy bay gồm 14 chiếc (7 máy bay khu trục, 6 máy bay liên lạc trinh sát, 1 máy bay lên thẳng). Lực lượng này gồm khoảng 16.200 quân được tổ chức thành 3 phân khu:
Phân khu Bắc: Him Lam – Béatrice, Độc Lập – Gabrielle, Bản Kéo – Anne Marie 1, 2. Đồi Độc lập có nhiệm vụ án ngữ phía bắc, ngăn chặn con đường từ Lai Châu về Điện Biên Phủ. Trung tâm đề kháng Him Lam, tuy thuộc khu trung tâm, nhưng cùng với các vị trí Đồi Độc lập, Bản Kéo là những vị trí ngoại vi đột xuất án ngữ phía đông bắc, ngăn chặn tiến công từ hướng Tuần Giáo vào.
Phân khu Trung tâm: Các điểm cao phía đông – Dominique, Eliane, sân bay Mường Thanh, và các cứ điểm phía tây Mường Thanh – Huguette, Claudine, đây là khu vực mạnh nhất của quân Pháp, tập trung hai phần ba lực lượng (8 tiểu đoàn, gồm 5 tiểu đoàn chốt giữ và 3 tiểu đoàn cơ động).
Phân khu Nam: cụm cứ điểm và sân bay Hồng Cúm – Isabella
Tổng cộng tất cả là 10 trung tâm đề kháng được đặt theo tên phụ nữ Pháp: Gabrielle (Bắc), Béatrice, Dominique (Đông), Eliane, Isabelle (Nam), Junon, Claudine, Françoise (Tây), Huguette và Anne Marie. 10 trung tâm đề kháng lại chia ra thành 49 cứ điểm phòng thủ kiên cố liên hoàn trang bị hỏa lực mạnh yểm trợ lẫn nhau; có 2 sân bay: Mường Thanh và Hồng Cúm để lập cầu hàng không. Tổng công quân Pháp ban đầu có hơn 10.800 quân, cùng với đó là 2.150 lính phụ lực bản xứ và QGVN. Trong trận đánh có thêm hơn 4.300 lính (trong đó có 1.901 lính phụ lực bản xứ) được tiếp viện cho lòng chảo.
Hỗ trợ cho Điện Biên Phủ là lực lượng không quân Liên hiệp Pháp, và không quân dân sự Mỹ. Tổng cộng Pháp huy động 100 máy bay C-47 Dakota, cộng thêm 16 máy bay C-119 của Mỹ. Máy bay ném bom gồm 48 chiếc B-26 Invader, 8 oanh tạc cơ Privater. Máy bay cường kích gồm 227 chiếc F6F Hellcat, F8F Bearcat và F4U Corsair.[16]. Điện Biên Phủ có hai sân bay. Sân bay chính ở Mường Thanh, và sân bay dự bị ở Hồng Cúm, nối liền với Hà Nội, Hải Phòng bằng một cầu hàng không, trung bình mỗi ngày có gần 100 lần chiến máy bay vận tải tiếp tế khoảng 200 - 300 tấn hàng, và thả dù khoảng 100 - 150 tấn.
Tất cả các khẩu pháo 155mm và 105mm và tất cả đạn dược của Pháp đều được đưa từ Mỹ tới. Ngày 22 tháng 3, Tổng thống Mỹ Eisenhower chỉ thị cho Hội đồng tham mưu trưởng liên quân phải giải quyết cấp tốc các yêu cầu của Navarre. Một cầu hàng không được Mỹ thiết lập từ Nhật Bản, Nam Triều Tiên, Đài Loan, Philippin đến Bắc Bộ, rồi từ sân bay Cát Bi, Gia Lâm lên Điện Biên Phủ nhằm đáp ứng nhanh chóng những thứ quân Pháp cần, thậm chí cả những chiếc dù để thả hàng. Theo Benard Fall, việc tiếp tế bằng đường hàng không của Mỹ cho Điện Biên Phủ đã tiêu thụ 82.296 chiếc dù, đã “bao phủ cả chiến trường như tuyết rơi, hoặc như một tấm vải liệm”. Mỹ còn viện trợ cho Pháp loại bom mới Henlipholit, trong chứa hàng ngàn mảnh câu sắc nhằm sát thương hàng loạt bộ binh đối phương.
Đại tá Christian de Castries (trong thời gian chiến dịch được thăng hàm Chuẩn tướng) là chỉ huy trưởng tập đoàn cứ điểm.

- Lực lượng QĐNDVN tham gia gồm 11 trung đoàn bộ binh thuộc các đại đoàn bộ binh (304, 308, 312, 316), 1 trung đoàn công binh, 1 trung đoàn pháo binh 105 ly (24 khẩu), 1 trung đoàn pháo binh 75 ly (24 khẩu) và súng cối 120 ly (16 khẩu), 1 trung đoàn cao xạ 24 khẩu 37 ly (367)(sau được tăng thêm một tiểu đoàn 12 khẩu) vốn là phối thuộc của đại đoàn công pháo 351 (công binh – pháo binh).
Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam làm việc với Tổng cục Cung cấp tính toán bước đầu, phải huy động cho chiến dịch 4.200 tấn gạo (chưa kể gạo cho dân công), 100 tấn rau, 100 tấn thịt, 80 tấn muối, 12 tấn đường. Tất cả đều phải vận chuyển qua chặng đường dài 500 km phần lớn là đèo dốc hiểm trở, máy bay Pháp thường xuyên đánh phá. Theo kinh nghiệm vận tải đã tổng kết ở chiến dịch Tây Bắc (năm 1952), để có 1 kg gạo đến đích phải có 24 kg ăn dọc đường. Vậy nếu cũng vận chuyển hoàn toàn bằng dân công gánh bộ, muốn có số gạo trên phải huy động từ hậu phương hơn 60 vạn tấn, và phải huy động gần 2 triệu dân công để gánh. Cả 2 con số này đều cao gấp nhiều lần so với kế hoạch dự kiến ban đầu.
Để một lực lượng mạnh cho chiến dịch Điện Biên Phủ, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã huy động tối đa về sức người và sức của: hàng vạn dân công và bộ đội làm đường dã chiến trong khoảng thời gian cực ngắn, dưới các điều kiện rất khó khăn trên miền núi, lại luôn bị máy bay Pháp oanh tạc. Các dân công từ vùng do Việt Minh kiểm soát đi tiếp tế bằng gánh gồng, xe đạp thồ kết hợp cùng cơ giới đảm bảo hậu cần cho chiến dịch. Đội quân gồm thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, được huy động tới hàng chục vạn người (gấp nhiều lần quân đội) và được tổ chức biên chế như quân đội.
Tổng cộng trong thời gian tiến hành chiến dịch, Việt Minh đã huy động được hơn 26 vạn dân công từ các dân tộc Tây Bắc, Việt Bắc, Liên khu 3, Liên khu 4…, 20.911 xe đạp thồ, 11.800 bè mảng, đóng góp cho chiến dịch 25.000 tấn lương thực. Trừ số tiêu hao dọc đường, số tới được mặt trận để cung cấp cho quân đội là 14.950 tấn gạo, 266 tấn muối, 62 tấn đường, 577 tấn thịt, 565 tấn lương khô. Ngoài ra, từ Thanh Hóa, Hòa Bình, Vĩnh Yên, Phúc Yên, Thái Nguyên, Phú Thọ… cũng đã huy động được hơn 7.000 xe cút kít, 1.800 xe trâu, 325 xe ngựa, hàng chục ngàn xe đạp thồ để phục vụ hậu cần chiến dịch.
Dien_Bien_phu1
Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Tư lệnh chiến dịch. Thiếu tướng Hoàng Văn Thái làm Tham mưu trưởng chiến dịch. Thiếu tướng Đặng Kim Giang làm Chủ nhiệm cung cấp chiến dịch. Ông Lê Liêm làm Chủ nhiệm chính trị chiến dịch.

- Trận Him Lam

Lúc 15 giờ ngày 13 tháng 3, các đơn vị của đại đoàn 312 bắt đầu tiến ra trận địa xuất phát xung phong.
Lúc 17 giờ 5 phút chiều ngày 13 tháng 3 năm 1954, trận đánh bắt đầu. 40 khẩu pháo cỡ từ 75 đến 120 mm, đồng loạt nhả đạn. Một viên đạn pháo rơi trúng sở chỉ huy Him Lam, giết chết thiếu tá chỉ huy trưởng Paul Pégot cùng với ba sĩ quan khác và cả chiếc điện đài. Him Lam mất liên lạc với Mường Thanh ngay từ giờ đầu trận đánh. Một kho xăng bốc cháy. Các trận địa pháo ở Mường Thanh tê liệt. 12 khẩu trọng pháo và súng cối bị đánh hỏng. Đường dây điện thoại từ khu trung tâm tới các cứ điểm đều bị cắt đứt. Nhiều hầm, hào, công sự sụp đổ.

Bản đồ đợt 1 chiến dịch

Sau đợt bắn pháo dữ dội, QĐNDVN tiến công một trong các cứ điểm kiên cố nhất là cụm cứ điểm Him Lam (Béatrice). Đến 23 giờ 30 đêm, chỉ huy Lê Trọng Tấn báo cáo Bộ chỉ huy chiến dịch: Đại đoàn 312 đã hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt trung tâm đề kháng Him Lam, xóa sổ hoàn toàn Tiểu đoàn 3, Bán lữ đoàn Lê dương số 13 (III/13e DBLE), thu toàn bộ vũ khí, trang bị. Ngày hôm sau, phía QĐNDVN cho phép một xe zíp và một xe cứu thương của Pháp lên Him Lam để thu lượm thương binh.

6 giờ 30 phút sáng ngày 15, QĐNDVN cắm cờ Quyết chiến Quyết thắng lỗ chỗ vết đạn trên đỉnh đồi Độc Lập. Cũng sáng hôm đó, Trung tá Charles Piroth, chỉ huy pháo binh cứ điểm, sau hai đêm không thực hiện được lời hứa bịt miệng các họng pháo của Việt Minh, đã tự sát trong hầm của mình bằng một trái lựu đạn.
Sáng ngày 17, đồn Bản Kéo (Anne-Marie) xôn xao vì có tin Việt Minh sắp tiến công.  Đại úy Clácsăm kinh hoàng điện cho Mường Thanh: "Chúng tôi buộc phải bỏ vị trí rút về khu trung tâm đây!" Và Clácsăm mở cổng đồn, ra lệnh cho binh lính theo mình về sân bay. Nhưng binh lính không còn nghe theo lời chỉ huy, ào ào chạy về phía khu rừng. Viên đại úy vội gọi điện về Mường Thanh, yêu cầu cho pháo bắn chặn đường rút chạy của binh sĩ Thái, nhưng cũng không ngăn cản được. Trung đoàn 36 không cần nổ súng đã chiếm được Bản Kéo, và thừa thắng tiến vào chiếm các ngọn đồi ở phía bắc sân bay.

Chỉ sau năm ngày chiến đấu, cánh cửa phía bắc của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã mở toang. Lực lượng phản kích Pháp không thể giành lại những vị trí đã mất, đặc biệt chỗ dựa của tập đoàn cứ điểm là sân bay đã bị uy hiếp nghiêm trọng. Ngày 20 tháng 3 năm 1954, Tổng tham mưu trưởng Pháp Êly, được phái sang Mỹ cầu viện. Êly phát biểu công khai: "Pháp không thể thắng được với phương tiện hiện có trong tay" và yêu cầu Mỹ tăng cường giúp đỡ vũ khí, đặc biệt là máy bay ném bom B-26, và nếu cần thì can thiệp bằng không quân.