Trang chủ

     

Thứ Sáu, 5 tháng 4, 2013

“Mưa dầm thấm đất” hay là âm mưu thâm độc của ai? - Nguyễn Duy Xuân

Co-TQ-tren-bich-nho1

Học sinh ở trường tiểu học Tân Thạch A, huyện Châu Thành (Bến Tre) đang bị cuốn hút vào trò chơi săn tìm những tấm thẻ nhựa in hình quốc huy Trung Quốc (XEM Ở đây). Tấm thẻ không có gì độc đáo, hình ảnh cũng không bắt mắt lắm đối với trẻ em ngoại trừ hình con “robot trái cây” nhưng tại sao lại thu hút sự chú ý của các cháu đến vậy ? Bảo là tìm mua đồ chơi này để khẳng định mình cũng có một mã số chứng minh như người lớn theo cách giải thích của các cháu ư ? Tôi không tin dù đấy là câu trả lời rất thực của trẻ con khi người lớn hỏi đến. Tôi nghĩ, không phải bỗng dưng các cháu học sinh tiểu học lại nghĩ ra cái trò này, một thứ trò chơi không ăn nhập gì với tâm lí lứa tuổi. Có hay không ai đó đã và đang lợi dụng trẻ thơ để thực hiện mưu đồ của mình ? Không phải chỉ để kinh doanh mấy cái thẻ có giá vài ngàn đồng bạc ?


Xâu chuỗi bao nhiêu sự việc từ trước tới nay bỗng thấy giật mình.

Từ chuyện thương lái Trung Quốc tận thu theo cách tận diệt mọi sản phẩm nông nghiệp, cây trái với mục đích sâu xa phá hoại sản xuất, hủy diệt môi trường, nguồn gen động thực vật; tuồn hàng hóa, thực phẩm độc hại vào nước ta đến chuyện quảng bá đường lưỡi bò qua sách báo, ấn phẩm, nhãn hiệu hàng hóa; xuất khẩu sách dạy cho trẻ em về lịch sử Trung Quốc, cờ năm sao, thẻ đồ chơi in hình quốc huy…Đáng buồn hơn, không hiểu do vô tình hay hữu ý, mưu đồ trên lại được sự “tiếp tay” tích cực của một số doanh nghiệp, cơ quan xuất bản…trong nước. Khi sự việc bị phát giác, tất cả đều có chung câu trả lời là do sơ suất, do nhân viên không cẩn thận để lẩn tránh trách nhiệm và tiếp tục cái sai của mình. Mới đây nhất, ngày 1-4, cư dân mạng lại phát hiện Big C Thăng Long tiếp tục dán cờ Trung Quốc 6 sao (chứ không phải 5 sao) lên trái cây. Nhầm lẫn ư ? Sơ suất ư ? Chỉ có những ai quen giả dối mới tin sự ngụy biện ấy.

Trong muôn hình của cái sự xâm nhập văn hóa ngoại bang, thâm hiểm nhất là nhắm vào thế hệ trẻ, rất trẻ. Một loạt sách học tiếng Anh vỡ lòng, sách dạy kiến thức, sách rèn trí thông minh cho trẻ em Việt Nam lại có nguồn gốc từ Trung Quốc. Và đương nhiên, từ nội dung cho đến hình ảnh minh họa đều là của Trung quốc. Người ta giải thích cái chuyện này là do phải tuân thủ hợp đồng bản quyền, bạn có tin được không ? Trẻ em Việt vừa bước vào ngưỡng cửa nhà trường đã thuộc lòng những câu chuyện lịch sử Trung Hoa, biết rõ cờ và quốc huy Trung Quốc như thế nào nhưng lịch sử nước nhà, hình hài Tổ quốc ra sao thì lại rất lơ mơ. Điều đó có đáng để chúng ta lo ngại không ? Mươi mười lăm năm nữa thế hệ hôm nay đang ở lứa tuổi lên sáu lên bảy sẽ ra sao ? Đã có ai trong chúng ta – những người lớn có trách nhiệm suy ngẫm một cách nghiêm túc về điều này ?

Tục ngữ có câu: “Mưa dầm thấm đất”. Những chuyện tưởng nhỏ mà không nhỏ. Nếu các cấp chính quyền và cơ quan chức năng không vào cuộc một cách quyết liệt và thống nhất thì hậu quả sẽ khôn lường. Lúc đó, liệu chúng ta muốn “sửa sai” cho cả một thế hệ phỏng có được không ?

“Mưa dầm thấm đất” hay là âm mưu thâm độc của ai?

01-04-2013
Nguyễn Duy Xuân
Xem Văn hóa Nghệ An