Trang chủ

     

Thứ Tư, 13 tháng 3, 2013

Sách viết sai lịch sử nước nhà: nhầm lẫn, tắc trách hay là…?

Vo-luyen-chu-sai-lich-su

Trang điện tử Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh ngày 11-3 cho hay, một phụ huynh có con học lớp 3 tại một trường tiểu học quận Tân Bình (TP.HCM) ngỡ ngàng khi thấy con phát hiện kiến thức lịch sử sai trong Vở luyện từ và câu lớp 3, tập 2. Cuốn vở này do Nhà xuất bản Hà Nội phát hành, in tại Công ty Cổ phần In và Vật tư Hải Dương, in xong và nộp lưu chiểu tháng 5-2012. Nhóm tác giả biên soạn gồm: Lê Ngọc Điệp (chủ biên), Lê Hữu Tỉnh, Xuân Thị Nguyệt Hà, Nguyễn Trí Dũng và Mai Nhị Hà. Trang 5 của cuốn vở có đoạn viết: Quân Nam Hán đưa một đạo quân rất đông sang đánh nước ta. Lý Thường Kiệt dùng kế chôn cọc gỗ đầu bịt sắt nhọn dưới sông Bạch Đằng. Quân Nam Hán đến cửa sông vào lúc thủy triều lên che lấp các cọc nhọn. Lý Thường Kiệt cho thuyền nhẹ bơi ra khiêu chiến, vừa đánh vừa rút lui nhử cho giặc vào nơi quân ta mai phục. Vừa lúc ấy, thủy triều xuống, quân mai phục hai bên bờ sông đổ ra đánh rất mạnh. Giặc hốt hoảng quay thuyền chạy thì bị va vào cọc, thuyền bị thủng đâm hàng loạt. Cuộc xâm lược của địch hoàn toàn thất bại. Mùa xuân năm 939, Lý Thường Kiệt lên ngôi vua….”.

Chưa thấy các tác giả phản hồi, nhưng lạy trời không phải nghe câu: “Đây là vở chỉ chú trọng luyện từ và câu nên nội dung kiến thức không quan trọng (?!)”. Quan điểm biên soạn sách Tiếng Việt ở tiểu học theo chương trình hiện hành là quan điểm tích hợp. Ví dụ cuốn sách này, mục đích trọng tâm là dạy luyện từ và câu, ngoài ra còn các mục đích khác như cung cấp cho học sinh kiến thức lịch sử như đoạn trích nêu trên chẳng hạn. Chưa biết mục đích luyện từ và câu đạt được như thế nào nhưng với kiến thức lịch sử sai trầm trọng như thế, hậu quả đối với nhận thức của trẻ thật khôn lường.

Sáng 12-3, thông tin trên tờ Dân Việt cho hay ông Nguyễn Kim Sơn - Giám đốc NXB Hà Nội đã thẳng thắn thừa nhận: “Lỗi này là lỗi của NXB Hà Nội và đơn vị liên kết – Công ty CP Đầu tư và Phát triển giáo dục Hà Nội. Chúng tôi sẽ cáo lỗi với độc giả và đính chính trên các phương tiện truyền thông”. Hoan nghênh ông giám đốc. Nhưng chuyện nhận lỗi, thu hồi sách thật đơn giản. Vấn đề làm sao xử tận gốc để không còn những lỗi “chết” người như thế này nữa.

Được biết, qui trình biên soạn, xét duyệt, in ấn sách nếu làm đúng bài bản thì rất chặt chẽ. Cho nên việc sai sót nếu có thông thường chỉ là lỗi chính tả. Thế mà ở đây các tác giả và NXB lại sai cả một kiến thức sơ đẳng mà bất cứ người Việt Nam nào cũng đã thuộc nằm lòng ? Bảo rằng do nhầm lẫn thì quyết không phải rồi. Còn tắc trách ư, có thể thế nhưng không thuyết phục. Hay là… bài học vỡ lòng về lịch sử chưa thuộc ? Chỉ có người trong cuộc mới trả lời được câu hỏi này !

12-3-2013
Nguyễn Duy Xuân