Trang chủ

     

Thứ Năm, 14 tháng 3, 2013

25 năm hải chiến Gạc Ma: Những ký ức hào hùng

Tran-Gac-Ma

(Dân Việt) - Tuân thủ mệnh lệnh “không được tự ý nổ súng trước để Trung Quốc lấy cớ leo thang xung đột”, bộ đội Việt Nam đã chiến đấu, giành giật lá cờ Tổ quốc với lính đổ bộ Trung Quốc bằng tay không, kiềm chế tối đa...

25 năm đã trôi qua, nhưng ký ức về trận hải chiến bi hùng ngày 14.3.1988 vẫn in sâu trong tâm trí của những người lính quê Quảng Bình từng tham gia giữ đảo Gạc Ma (quần đảo Trường Sa). Họ và đồng đội đã nhuộm máu mình lên lá cờ Tổ quốc, quyết hy sinh để bảo vệ biển đảo của đất nước…

Cuộc chiến không cân sức
Một ngày đầu năm Quý Tỵ, chúng tôi gặp cựu binh Trường Sa - anh Lê Hữu Thảo, quê ở xã Hương Thủy, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, khi anh đến thắp hương cho đồng đội là Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương ở làng Đơn Sa, xã Quảng Phúc, Quảng Trạch, Quảng Bình. Dáng ngưởi nhỏ thó, khắc khổ, ít ai biết anh Thảo là nhân chứng của trận hải chiến ngày 14.3.1988. Đã 25 năm về đất liền, cựu binh Lê Hữu Thảo vẫn một mình vất vả mưu sinh, ở nhà trọ tại TP.Hà Tĩnh...
Ngày 14.3.1988, anh Thảo cùng đồng đội của mình, rất nhiều người từ tàu xuống canh đảo Gạc Ma theo phiên, trong đó có thiếu uý Trần Văn Phương – Phó chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma. Anh Thảo kể: Ca trực sáng đó chúng tôi phải xuống sớm, khẩu phần bữa sáng chưa kịp nhận, anh em chỉ kịp chia nhau từng mẩu thuốc để xua đi cái lạnh của sương biển. Mọi người nói chuyện với nhau và lội xuống mặt biển, nhưng không ngờ lính Trung Quốc lại nã đạn thẳng vào những người lính giữ đảo của Việt Nam.
Từ 2 tàu hộ vệ tên lửa mang số 502 và 531 của Trung Quốc đậu tại phía nam bãi đá Gạc Ma, chúng thả 3 thuyền nhôm đổ 58 lính thủy quân lục chiến trang bị vũ khí hạng nặng lên bãi đá Gạc Ma, lúc này đã có khoảng gần 50 chiến sĩ hải quân và công binh Việt Nam đóng giữ cùng 3 lá cờ. Thực hiện quyết tâm giữ đảo, cũng như tuân thủ tuyệt đối mệnh lệnh của cấp trên là “không được phép tự ý nổ súng trước để Trung Quốc lấy cớ leo thang xung đột dẫn đến chiến tranh tổng lực”, bộ đội Việt Nam đã chiến đấu, giành giật lá cờ Tổ quốc với lính đổ bộ của Trung Quốc bằng tay không, kiềm chế đến mức tối đa, không nổ súng trước.
Nhưng lính Trung Quốc đã nổ súng sát hại thiếu úy Trần Văn Phương và đâm bị thương nặng hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh. Chứng kiến đồng đội hy sinh và bị thương nặng trong vũng máu ngay trước mặt, ý chí của những chiến sĩ hải quân Việt Nam không hề suy giảm, chúng tôi vẫn quyết tâm ở lại giữ đảo mặc cho sự đe dọa điên cuồng bằng vũ lực của lính Trung Quốc…
“Tàu Trung Quốc bắn dồn dập pháo hạng nặng, trong khi phía ta không bắn trả lại mà quyết một lòng giữ vị trí cắm cờ, cắm mốc chủ quyền lên đảo Gạc Ma. Cuộc chiến đó không hề cân sức, trở thành cuộc thảm sát của kẻ dùng vũ khí với những người tay không” – anh Thảo nghẹn giọng nói.

“Liệt sĩ” trở về
Trước khi lên đường nhập ngũ, chiến sĩ Lê Văn Đông (quê xã Tây Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) đã tổ chức cưới vợ. Chỉ sau đêm tân hôn, anh Đông đã khoác ba lô theo đơn vị, theo tàu ra giữ đảo Gạc Ma. Trận chiến diễn ra ngày 14.3.1988, cuối năm đó giấy báo tử của anh Đông được gửi về quê hương. Nhận giấy báo tử, chị Nguyễn Thị Thương - vợ Đông như chết đứng với đứa con còn đỏ hỏn bế trên tay.
Bố anh Đông - ông Lê Văn Bố (73 tuổi) hồi tưởng: “Ngày nhận giấy báo tử, chính quyền địa phương cùng huyện đội cử cán bộ đến thông báo, đau thương vô cùng, mấy đứa em hắn khóc như ri, mạ hắn ngất lên ngất xuống, còn tui thì bỏ bê đồng áng... Mấy đứa trong đơn vị hắn cứ lần lượt trở về làng, về xã, còn hắn thì tui nhận giấy báo tử, hụt hẫng vô cùng”.
Năm 1988, quê hương Quảng Bình có hơn 100 người lính tham gia giữ đảo Gạc Ma. Sau trận hải chiến ngày 14.3, Quảng Bình có 13 liệt sĩ, 2 người là anh hùng LLVTND gồm: Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương (SN 1965, quê xã Quảng Phúc, Quảng Trạch), khi hy sinh là thiếu uý, Phó chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma; Anh hùng Nguyễn Văn Lanh (SN 1966, quê xã Vạn Ninh, Quảng Ninh), khi được tuyên dương Anh hùng đang là trung sĩ, thuộc Tiểu đoàn 887, Trung đoàn 83, Quân chủng Hải quân.
Cũng tham gia trận chiến không cân sức ở Gạc Ma, không chỉ riêng gì anh Đông, các anh Mai Văn Hải (xã Liên Trạch), Nguyễn Văn Thống (xã Nhân Trạch) cũng có “giấy báo tử” về gia đình. Bố mẹ anh Đông không tin con mình đã chết nên chưa lập trang thờ, vẫn đi xem bói để bấu víu vào tâm linh và nhen lửa hy vọng là con vẫn sống.
Bố mẹ của Hải, Thống thì đã bày biện trang thờ, và lấy ngày nhận “giấy báo tử” là ngày cúng giỗ, các đơn vị đã làm chế độ liệt sĩ cho họ để chuyển về gia đình. Trong quân cảng Cam Ranh, ở đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh trong trận chiến ngày 14.3.1988 có tên của cả Đông, Hải, Thống (sau này mới được xoá)
Thế nhưng cả 3 người, anh Đông, anh Hải, anh Thống đều may mắn sống sót và bị Trung Quốc bắt giữ. Sau đúng 3 năm, 5 tháng, 15 ngày bị giam giữ, các anh được trao trả về quê hương qua con đường ngoại giao. Anh Đông nhớ rõ đến từng ngày tháng như vậy, là bởi trên vách tường phòng giam, mỗi ngày đi qua, anh vạch lên tường một vết hằn sâu để đếm quãng thời gian “nếm mật nằm gai”.
Bữa đoàn tụ, cả 3 người bất ngờ xuất hiện ở làng, cả xã Tây Trạch ngày đó như hội, ông Lê Văn Bố nói: “Tui mừng lắm, mổ luôn con heo lớn trong chuồng để mời làng ăn mừng thằng Đồng trở về, hắn chưa hy sinh như giấy báo tử”. Gia đình anh Hải (xã Liên Trạch) và anh Thống (Nhân Trạch) cũng vui mừng khôn xiết, người cả xã kéo đến chúc mừng…

Họ không bao giờ đơn độc
Chúng tôi về thăm quê liệt sĩ Nguyễn Hữu Tý ở xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình đúng ngày giỗ của anh (ngày 27 tháng giêng Quý Tỵ). Ngôi nhà của cụ Hoàng Nhỏ - bố của liệt sĩ Tý nghèo lắm, nằm úp sát mép biển. Hôm đó nhà cụ Nhỏ đông đủ bà con lối xóm, 15 đồng đội cũng đến thắp hương cho liệt sĩ Tý. Cụ Nhỏ nói: “Năm mô cũng rứa, dù cuộc sống có khó khăn thì tui cũng làm đám giỗ, mua áo binh đốt cho con, cho 63 đồng đội của hắn là lính hải quân hy sinh ở Trường Sa”.
Cụ Nhỏ coi các đồng đội hy sinh với “thằng Tý” cũng là con mình, nên đám giỗ nào của con, cụ cũng mua thêm đồ ăn, thêm áo binh, giấy vàng bạc mời các đồng đội của con mình về dự
Không chỉ nhà cụ Nhỏ, đến nhiều nhà khác ở miền cát Quảng Bình trong ngày giỗ các anh, chúng tôi đều gặp những hình ảnh hết sức xúc động. Ở làng Tả Phan, xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, chị Trần Thị Liễu - vợ liệt sĩ Nguyễn Mậu Phong khi giỗ chồng vẫn xới cơm đủ bát mời đồng đội của chồng. Chị nói: “Nghĩa tử là nghĩa tận, trên đời anh em có nhau thì về bên kia, đi đâu cũng có đồng đội, nên bữa cơm, tui vẫn cúng mời anh em đồng đội của anh Phong”.

Phan Phương
Nguồn Dân Việt