Trang chủ

     

Thứ Tư, 9 tháng 1, 2013

Thu phí ATM: minh bạch hay tù mù ?

Thu_phi_ATM
Thông tư số 35 của Ngân hàng Nhà nước qui định thu phí rút tiền nội mạng ATM kể từ ngày 1/3/2013 không khỏi làm cho khách hàng băn khoăn. 

Anh bạn tôi cho hay, cơ quan anh nhận lương qua thẻ ATM của ngân hàng đã mấy năm nay. Sống nhờ lương nên đầu tháng lúc nào cũng ngong ngóng, hễ nghe tin có lương là lập tức đi rút tiền ngay. Đồng tiền cầm chưa ấm tay đã phải chuyển cho con đang học ở thành phố. Với mức lương anh 7,5 triệu / tháng nhưng anh phải rút tới 3 lần vì mỗi lần chỉ cho rút tối đa 3 triệu. Còn con anh, với 2 triệu bố mẹ gửi hàng tháng, cháu phải rút khoảng mươi lần, mỗi lần chỉ vài trăm ngàn đủ chi tiêu trong vài ba ngày. Nếu ngân hàng thu phí ở mức 1000 đồng thì hàng tháng cũng đã mất 10 ngàn tiền phí. Bị mất tiền một cách vô lí, bức xúc nhưng biết ngỏ cùng ai ?

Theo công bố của Hội thẻ ngân hàng Việt Nam, hiện nay hệ thống ATM trên toàn quốc có khoảng 13.920 cây. Số tài khoản thanh toán cá nhân bằng thẻ khoảng 40 triệu.

Giá máy ATM hiện nay xê dịch từ 10 đến 15 ngàn đô la Mĩ một máy. Lấy giá bình quân mức cao 300 triệu tiền Việt (15 ngàn đô la Mĩ) thì với 13.920 cây hiện có, ngân hàng phải bỏ ra 4176 tỉ.

Nếu tính phí rút tiền nội mạng là 1000 đồng/lần thì với 40 triệu tài khoản, mỗi tài khoản rút 3 lần trong một tháng thì số tiền mà ngân hàng thu được là: 40 triệu x 3000 đồng = 120 tỉ. Một năm sẽ là 1440 tỉ. Ba năm sau với khoản thu phí này ngân hàng đã hoàn vốn đầu tư ban đầu. Mà một máy ATM có tuổi thọ bao nhiêu ? Chắc không dưới 10 năm ! Một khoản lãi khủng.

Ngoài ra, các ngân hàng còn thu phí quản lý thẻ 3.300 đồng mỗi tháng. Với 40 triệu thẻ thì số tiền này mỗi năm ngân hàng thu được là 40 triệu x 3300 x 12 tháng = 1584 tỉ.

Ấy là chưa kể lãi từ số dư tiền gửi qua thẻ, phí rút tiền, chuyển khoản ngoại mạng…

Nếu những tính toán trên đây hợp lí thì việc thu phí rút tiền nội mạng ATM là bất cập. Và nếu ngân hàng không đưa ra luận chứng có sức thuyết phục mà cứ áp đặt việc thu phí thì khó có thể tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội và dễ mang tiếng là “móc túi” khách hàng. 

Rốt cuộc vẫn là chuyện minh bạch. Khó lắm thay !

7-1-2012
Nguyễn Duy Xuân