Trang chủ

     

Thứ Tư, 5 tháng 12, 2012

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Gio_To_Hung_vuong

Từ mấy ngàn năm qua, cứ đến ngày mùng 10 tháng 3, người Việt trong nước rủ nhau đi trẩy hội Đền Hùng. Lễ hội đền Hùng còn gọi là lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, một loại hình tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên độc nhất vô nhị trên thế giới.

Lễ Giỗ Tổ là ngày đại lễ mà toàn dân Việt Nam hướng trọn niềm tin, thành tâm thiện ý ghi nhớ công đức cao dầy của các vị Quốc Tổ lập quốc và 18 đời Vua Hùng đã dựng nên non sông bờ cõi nước Việt.
Cũng nhờ công sức phát huy truyền thống này mà dân tộc Việt đã trải qua gần năm ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, với bao hưng phế thịnh suy nhưng dòng sinh mệnh vẫn trường tồn và ngời sáng.

Chọn ngày Quốc Giỗ
Chưa có tài liệu hay sách báo nào giải thích về lý do tại sao các bậc tiền nhân lại chọn ngày 10 tháng 3 làm ngày lễ lớn của dân tộc. Chắc chắn, khi các vị chọn ngày này phải có hàm ý nhắc nhở con cháu những gì trong đó, đặc biệt vào thời nước loạn dân suy. Có thể, tính theo âm lịch, tháng Giêng là tháng Dần, tháng 2 là tháng Mẹo thì tháng 3 là tháng Thìn. Và theo Thập nhị Địa chi, ngày thứ 10 là ngày Dậu. Dậu là gà, thuộc loài chim, chim là biểu hiệu của Tiên. Cũng vậy, tháng Thìn biểu hiệu nghĩa Rồng.
Vậy ngày 10 tháng 3 là ngày Tiên, tháng Rồng. Ngày này được chọn để giúp con cháu dễ dàng nhận thức và nhớ về nguồn gốc dân tộc của mình là con cháu Tiên Rồng. Mẹ Tiên, cha Rồng là hai vị khởi Tổ của các Vua Hùng và là Quốc Tổ của dân tộc Việt.

Lịch sử
* Trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, sử gia Ngô Sĩ Liên viết vào năm 1479, thì dân tộc Việt lập quốc vào năm 2879 trước Công Nguyên. Năm 2879 này cũng là năm thứ nhất của Việt Lịch, và tính theo niên hiệu này đến năm nay (cộng thêm 2012) thì dân tộc Việt đã có 4891 năm văn hiến.
Theo quan niệm lập quốc của dân tộc, nước Việt được thành lập do nhiều vị Quốc Tổ, gồm mười tám đời Hùng vương chứ không phải một vị vua đầu tiên như nhiều quốc gia khác. Và cũng theo quan niệm này, dân tộc Việt đã chú trọng việc hình thành một nền văn hiến hơn là lập một quốc gia theo nghĩa chính trị đương thời.
*Cũng theo truyền thống thì đại lễ Giỗ Tổ đã có từ ngàn xưa. Tại núi Hy Cương, tỉnh Phú Thọ có đền Hùng với các thần vị và danh hiệu của 18 đời vua. Các danh hiệu trong Đền Hùng được dùng như là tên chỉ từng đời vua. Tuy nhiên, đó chỉ là miếu hiệu, tức là tước hiệu của mỗi vị, nhằm giúp chúng ta tôn kính trong khi tế lễ. Trong Việt Sử Thông Lãm của Vũ Huy Chấn, xuất bản tại Sài Gòn năm 1973 thì các miếu hiệu này đã được ghi lại khởi từ thời nhà Lý, gồm có: Hùng Dương Vương, Hùng Hiền Vương, Hùng Lân Vương, Hùng Hiệp Vương, Hùng Hy Vương, Hùng Huy Vương, Hùng Chiêm Vương, Hùng Vĩ Vương, Hùng Định Vương, Hùng Vị Vương, Hùng Trịnh Vương, Hùng Võ Vương, Hùng Việt Vương, Hùng Anh Vương, Hùng Triệu Vương, Hùng Tạo Vương, Hùng Nghị Vương và Hùng Duệ Vương.
Tại Đền Hùng có câu đối viết vào thời Lê Trung Hưng năm 1532 ghi nhận thời Hùng có 2600 năm với 42 vị vua. Nguyên văn câu đối như sau:
"Nhi thiên lục bách dư niên dữ Đường Ngu Thương Chu nhi thượng tỉ long, Cổ Việt Hồng Bàng khai tịch.
Tứ thập nhị truyền hiền hiệu lịch Đinh Lý Trần Lê hất kim sùng tự, Tam Hà Ngũ Linh cao thâm".
Nghĩa là: "Cõi Việt Hồng Bàng mở nước, khoảng hai ngàn sáu trăm năm hơn, cùng Đường Ngu Thương Chu trước kia ngang thịnh vượng. Ba sông năm núi cao sâu, truyền bốn mươi hai ngôi vua đúng, trải qua Đinh, Lý, Trần, Lê đến nay vẫn được tôn thờ".
Theo câu đối tại Đền Hùng có tới 42 vua, số này lại khác xa số 18 được thờ kính trong đền này. Nếu chúng ta lấy khoảng thời gian 2600 chia cho 42 đời vua, thì thời gian trị vì 60 đến 62 năm của mỗi đời cũng khả dĩ chấp nhận được.
*Từ ngàn xưa, dân tộc Việt luôn tự hào là con Rồng cháu Tiên, là con cháu của dòng giống Tiên Rồng. Đây là niềm tự tin về nền tảng của nòi giống, để từ đó, chúng ta căn cứ vào nguồn gốc mà thấy mình khác biệt, hoặc vượt trội hơn những sắc dân khác trong vùng. Điển hình, chúng ta thường gọi nhau là đồng bào, một từ ngữ hàm chứa hai nguyên lý siêu việt nhất của con người: thân ái và bình đẳng. Trong suốt dòng lịch sử, niềm tự hào về nòi giống Tiên Rồng đã trở thành nền tảng thâm sâu, vững chắc trong tâm hồn, trong huyết quản, trong tư tưởng của mỗi người Việt chúng ta.
*Bách Việt là tập hợp các sắc dân Việt cư ngụ ở miền nam sông Dương Tử, người Trung Hoa lấn chiếm mà bành trướng từ Hoa Bắc xuống Hoa Nam. Lãnh thổ Bách Việt còn có tên là nước Xích Quỷ do An Dương Vương cai trị trước khi bị mất về tay Triệu Đà, Bắc giáp Hồ Nam, Nam giáp Chiêm Thành, Tây giáp Tứ Xuyên, Đông giáp biển Nam Hải.
*Sử thời Xuân Thu Chiến Quốc, thế kỷ thứ III trước Công Nguyên, ghi các nước: Hồ Việt ở Hồ Nam, U Việt ở Triết Giang, Mân Việt ở Phúc Kiến, Đông Việt ở Giang Tây, Nam Việt ở Quảng Đông, Âu Việt ở Quý Châu và Quảng Tây, Điền Việt ở Vân Nam, Lạc Việt ở bắc Việt Nam, Chiêm Việt ở đảo Hải Nam. Bách Việt nằm kế tiếp nhau từ miền nam sông Dương Tử qua lưu vực sông Hồng, xuống tận bình nguyên sông Mã.
*Mười Tám Vua Hùng không nhất thiết là chỉ có mười tám vị vua nối tiếp nhau trị nước trong suốt mấy ngàn năm, mà chư vị là những Thánh Vương trị nước an dân, được toàn dân thờ kính.
Theo quan niệm Bọc Mẹ Trăm Con của con cháu Tiên Rồng, làm việc nước là trăm người trăm việc, mỗi người làm một việc. Bởi thế khi hình thành nền văn hóa, các vua Hùng đóng góp nhiều lãnh vực, nhiều phương diện khác biệt nhau như: quân sự, kinh tế, giáo dục, xã hội chớ không thuần túy về một phương diện chính trị. Đây là đặc điểm của nền văn hóa Việt, không phải hễ ai làm vua thì đều coi là vị thần, đều được thờ kính, mà vị đó chỉ thành thần khi thật sự mang lại lợi ích lợi dân.
Trong việc dựng nước, Mười Tám Vua Hùng là những người đóng góp đặc biệt vào việc hình thành nền văn hóa và dân tộc Việt Nam, nên được toàn dân tôn vinh thành Quốc Tổ.
Trong suốt hai ngàn năm qua, nhiều nhận định về thời Hùng với những ám ảnh bởi quan niệm phụ hệ của người Hoa. Tuy nhiên tới nay không ai có thể phủ nhận sự kiện con dân Việt thời Hùng sống theo chế độ mẫu hệ và cuộc sống xã hội nằm trong ảnh hưởng về mẫu quyền. Gần 250 năm sau thời Hùng, năm 39 dương lịch, trong số các Anh Hùng Nghĩa Sĩ vùng lên đánh đổ ách đô hộ phương Bắc, vẫn có nhiều bậc Anh Thư như Hai Bà Trưng, Bà Triệu... Không phải tình cờ, mà suốt trong may trăm năm đầu của thời hữu sử, các vị lãnh đạo kháng chiến của dân tộc ta đã được ghi nhận là nữ giới. Ngay cả trong việc đánh tiếng trống đồng khai mạc lễ hội, người dân Việt cũng dành cho nữ giới cầm dùi.
Thời Hùng là giai đoạn đặt nền tảng cho nếp sống Việt. Trên nền tảng này, suốt mấy ngàn năm, người dân Việt vui sống trong những điều kiện hạnh phúc đích thực của con người là được bình quyền. Vì vậy, các ngài rất xứng đáng là Quốc Tổ của nước Việt, chẳng những theo huyết thống mà còn do việc thành hình cơ cấu xã hội và nếp sống của dân tộc.
Theo Việt Thái