Trang chủ

     

Chủ Nhật, 11 tháng 11, 2012

Sự thật bệnh "không mọc tóc" của đoàn quân Tây Tiến

Su-that-dau-khong-moc-toc

- Biết bao người Việt nói chung và người yêu thơ nói riêng rất ấn tượng với hình ảnh "đoàn quân không mọc tóc" trong bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng.

Nguồn cơn "đoàn quân không tóc"

Thôn Châu Trang, xã Thượng Cốc, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình chính là nơi đã ghi dấu bao bi hùng của đoàn quân Tây Tiến. Những chiến sĩ bị thương, ốm, yếu đều được đưa về đây chữa trị. Tuy nhiên, đội ngũ y bác sĩ lại rất ít, thuốc men thiếu thốn, việc chữa trị cực kỳ gian nan. Các chiến sĩ Tây Tiến qua được cơn nguy kịch, một phần cũng nhờ sự chăm sóc, chở che, chữa trị của các thầy thuốc dân bản. Chúng tôi trở lại đây với đầy ắp sự bất ngờ đến khó tin.
Đoàn quân Tây Tiến được thành lập vào năm 1947 (tên gọi khác là trung đoàn 52). Đoàn có rất nhiều thành phần: Giải phóng quân ở Việt Bắc về Thủ đô Hà Nội, tự vệ chiến đấu ở Thủ đô, công nhân chế độ cũ, trí thức, nhà sư... Đầu năm 1947, có những chiến sỹ là các thanh niên, học sinh, sinh viên, công nhân trẻ từ nhiều tỉnh thành như Nam Định, Hải Phòng, Hà Nội được tập trung ở Hòa Bình cùng với Trung đoàn 52 "Tây Tiến" theo lệnh của Ủy ban kháng chiến lên Tây Bắc. Địa bàn hoạt động chủ yếu của đoàn quân Tây Tiến là ở miền Tây Thanh Hóa, Hòa Bình, Sơn La, biên giới Việt - Lào. Sinh hoạt, hoạt động đều ở trong rừng sâu, giữa rừng thiêng nước độc, nhiều chiến sĩ là học sinh, sinh viên, trí thức do sức đề kháng yếu đã mãi nằm lại ở những mảnh đất này mãi mãi.
Xã Thượng Cốc chính là điểm tập hợp của các cánh quân để tiến về Tây Bắc. Đoàn quân Tây Tiến đặt những bước chân trên đá tai mèo, cheo leo bên miệng vực sâu thẳm của những dãy núi dựng đứng. Giữa hoang vu rừng thẳm, thú dữ gầm gừ suốt ngày đêm, chấy rận gặm nhấm cơ thể, sốt rét vật vã con người... Rất nhiều chiến sĩ đã ngã xuống vì bệnh tật, bị thương khi chiến đấu với giặc, với thú dữ.
Người dân nơi đây vẫn nhớ như in hình ảnh của những người chiến sĩ đương đầu với những đợt sốt rét kinh niên. Cụ Bùi Thị Vịn - một người dân đã từng sống ở đây trong thời kỳ đó cho biết: "Có rất nhiều chiến sĩ hy sinh vì bệnh sốt rét. Thời gian đó, đây là căn bệnh hiểm nghèo. Nhiều người còn bị chấy, rận cắn xé. Họ đã nghĩ ra cách cạo trọc đầu để tránh bị chấy, rận cắn".

Ảnh: Dân làng cho hay: Mỗi khi có một chiến sĩ chết sẽ có một hồi gióng 3 tiếng cồng vang lên.

Trong dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Binh đoàn Tây Tiến tại TP. Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình), năm 2007, ông Trần Quang Thường (nguyên Trung đoàn phó Trung đoàn Tây Tiến) cũng từng xác nhận: "Cách đây hơn 60 năm, con đường này cây cối rậm rạp, cọp dữ thường hay đứng rình mồi. Đường lên Tây Bắc ngày xưa gian khổ vô cùng, nhiều đồng đội của trung đoàn chúng tôi đã ngã xuống khi mở con đường này. Họ đã quên mình khi chiến đấu với giặc, với thú dữ, với bệnh tật hiểm nghèo.
“Đoàn quân không mọc tóc” cũng do những trận sốt rét rừng mà thành. Các cán bộ, chiến sĩ dùng dao mài thật sắc cạo tóc, để chấy rận không có nơi trú ngụ. Có một lần, cả một đại đội dừng chân bên bờ suối để nghỉ ngơi. Khi mọi người đang giặt quần áo, thì bất ngờ một tốp lính Pháp tập kích, hòng bắt sống toàn bộ đại đội. Có anh bị địch ôm trong tay nhưng vì trần truồng nên chúng không giữ được, chúng túm lấy tóc cũng không giữ được vì đầu trọc. Chuyện lan ra khắp trung đoàn, thế là từ trung đoàn trưởng đến các chiến sĩ đều... cạo trọc đầu. Đầu trọc là biểu trưng của đoàn quân Tây Tiến", ông Thường cho hay.

Thầy thuốc dân bản

Thôn Châu Trang, xã Thượng Cốc là nơi rừng núi rậm rạp, đường đi trắc trở nên được chọn làm địa điểm đặt trạm Quân y, đề phòng địch tập kích bất ngờ. 40 hộ dân ở trong bản nhường nhà cho bộ đội, nhường chỗ chữa trị cho thương bệnh binh nhưng trạm vẫn ở trong điều kiện thếu thốn. Cả trạm chỉ có 5 nữ y tá chăm sóc cho hàng trăm chiến sĩ. Thuốc men ít ỏi, sốt rét hoành hành nhưng chỉ có át - prin được pha với nước, mỗi chiến sỹ bị sốt rét được uống một chén chữa bệnh. Trong điều kiện đó, những ông lang, bà mế ở bản đã dùng những bài thuốc dân tộc để chữa trị cho các chiến sĩ.
Ông Bùi Văn Dồn, một người dân hiện còn sống ở đây kể lại: "Cùng với đoàn quân y, những người dân nơi đây đã ra sức cứu chữa cho các chiến sĩ Tây Tiến. Lúc đó, tôi khoảng 10 tuổi, nhưng cũng đã ý thức được việc nhường nhà cho các chiến sỹ ở chữa bệnh là việc làm tốt. Thời gian đó, có rất nhiều chiến sĩ bị thương đã được đưa về Châu Trang điều trị. Nhà tôi ở gần bờ suối, có 5 anh bộ đội ở. Ban ngày, gia đình tôi đi lên nương; tôi ra bãi, chăn thả trâu bò. Đêm, cả nhà tôi lên các bản Tre, Cốc, Cáo ngủ, nhường nhà cho các anh bộ đội".
Cụ Bùi Thị Vịn là người biết nhiều nhất về việc chữa bệnh cho đoàn quân Tây Tiến, nói: "Chỉ cần biết nhà nào có chiến sĩ bị thương, bị ốm, các bà, các mế lại lặn lội vào rừng hái thuốc, đem về chữa trị ngay. Ngày đó, đời sống của bà con cũng khó khăn, bữa ăn chính chỉ toàn khoai, sắn, nhà nào có chút gạo đều nhường nấu cháo cho bộ đội dưỡng bệnh".
Thực tế, thuốc chữa bệnh của người dân tộc nơi này, chủ yếu là những bài thuốc dân gian. Đối với chiến sĩ Tây Tiến bị gãy chân, gãy tay sẽ được các bà, các mế dùng thuốc lá đắp. Ai bị ghẻ sẽ được dùng những lá thuốc vò hoặc đun lấy nước tắm. Ai bị cảm cúm, mệt mỏi, đau nhức, bầm tím, thương hàn đều được các mế dùng những cây thảo dược làm thuốc uống, đắp, bôi, xông, tắm...
Nhờ những cây thuốc ở rừng, do các bà mế, ông lang đi hái về mà các chiến sĩ Tây Tiến đã có thể cầm cự, vượt qua cơn nguy kịch, thậm chí khỏi bệnh trong điều kiện thuốc men thiếu thốn. Người dân nơi này vẫn thường đùa rằng: "Châu Trang là bệnh viện dã chiến. Mỗi ngôi nhà là một phòng bệnh, chủ nhà cũng chính là thầy thuốc, y tá của các chiến sĩ Tây Tiến”.
Trong bài thơ "Tây Tiến" của nhà thơ Quang Dũng, hình ảnh người lính Tây Tiến sống, chiến đấu và hy sinh đầy bi tráng. Tuy nhiên, theo lời kể của một số nhân chứng sống cho thấy, thực tế cuộc sống và chiến đấu của các chiến sĩ khốc liệt hơn nhiều lần. Cho đến bây giờ, lần tìm lại những số liệu của lịch sử, chúng tôi cũng không có một con số chính xác bao nhiêu chiến sỹ đoàn quân Tây Tiến đã hy sinh ở chặng dừng chân tại Châu Trang, Thượng Cốc. Theo các "nhân chứng" còn lại ở thôn thì có gần 200 chiến sĩ Tây Tiến bị địch sát hại và bị bệnh tật nên đã hi sinh ở khu vực này.

Tiếng cồng Châu Trang

Cụ Bùi Văn Vĩ đã ngoài 80 tuổi, vẫn khỏe mạnh, giọng nói sang sảng, chỉ cho tôi nơi chôn cất các chiến sỹ Tây Tiến ngày ấy - Đó là địa điểm gần UBND xã Thượng Cốc. Theo cụ Vĩ, lúc đầu khi mai táng các liệt sỹ được bó chiếu. Chiếu đó là do bà con ở Thượng Cốc, ở thị trấn Vụ Bản (huyện Vụ Bản, tỉnh Hà Nam ngày nay) quyên góp. Sau này, nhiều chiến sỹ hy sinh nên chiếu không đủ, người dân trong bản phải đốn cây tre, buộc thành cáng để khiêng đi, khi đến huyệt mộ nó được bó lại thành chiếc áo quan để chôn cất cho các liệt sĩ.
Cụ Vĩ cũng cho rằng, trong những thời gian ác liệt ấy đã có khoảng 200 chiến sỹ Tây Tiến, đa số còn rất trẻ hy sinh và được chôn cất ở nơi này. Họ đến từ rất nhiều nơi theo tiếng gọi của Tổ quốc nhưng khi nằm lại mảnh đất này, họ được những người dân ở đây bao bọc và trở thành những người con của xứ Mường.
Cụ Bùi Văn Xuất, một cao niên trong làng Châu Trang kể lại: "Ngày ấy, cứ 3 tiếng cồng vang lên là báo có một chiến sỹ bị sốt rét ác tính quật ngã.  Thi thể các chiến sỹ được đưa vào ngôi nhà sàn của một nhà lang đã bỏ trốn sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Các chiến sĩ Tây Tiến thường gọi đây là Nhà liệt. Khi chuẩn bị đưa các chiến sỹ đi chôn cất, một hồi cồng rền rĩ cất lên báo cho dân quân, bà con bản làng biết để cử người đến. Có những đêm do có nhiều chiến sỹ chết, cả bản làng thức trắng để mai táng, tiễn đưa họ về với đất mẹ. Tiếng gọi nhau, tiếng khóc, tiếng người thì thào đọc lại cúng...”.
Ông Bùi Văn Chiển nhớ lại: "Ngày đó, bố tôi là cụ Bùi Văn Sớm (đã mất) được phân công đánh cồng báo tử. Từ ngàn xưa đến nay, người dân tộc Mường vẫn coi tiếng cồng là tín hiệu thông báo cho bản làng biết những chuyện trong làng. Trong đám ma, người Mường đánh 3 tiếng cồng khi đi trên đường, lúc hạ huyệt đánh 3 hồi 3 tiếng, hiệu lệnh thì đánh 1 hồi 3 tiếng. Tháng 3 năm 1962, chiếc cồng ấy đã được quân khu 3 (bộ Quốc phòng) đem về trưng bày ở bảo tàng cùng với chiếc cưa bằng tay, một con dao rựa và một bó củ mài".
Theo cụ Vĩ, chiến dịch bước vào những ngày ác liệt, trạm Quân y của binh đoàn Tây Tiến cũng di chuyển đi nơi khác theo lệnh cấp trên. Điều mà người Châu Trang nhớ là sự bịn rịn của quân và dân lúc chia tay. Năm 1990, nhiều gia đình đã đến tìm, nhận phần mộ các chiến sỹ Tây Tiến, đưa họ về an nghỉ tại nghĩa trang quê hương. Số liệt sỹ còn lại, được người dân, chính quyền quy tập, chuyển về nghĩa trang liệt sỹ huyện Lạc Sơn. Sau đó, ban liên lạc binh đoàn Tây Tiến đã tìm đến xây dựng tượng đài chiến sỹ Tây Tiến.
Ông Bùi Văn Xuất, người cùng đoàn đi tìm địa điểm xây dựng tượng đài cho biết: "Sau khi khảo sát nhiều vị trí, cuối cùng ban liên lạc đã chọn vị trí là quả đồi nơi trạm Quân y điều trị cho chiến sỹ để xây dựng tượng đài. Hiện địa điểm đó vẫn thuộc thôn Châu Trang".
Trên tấm bia đá dựng ở chân tượng đài có khắc đoạn thơ trích từ bài thơ Tây Tiến nổi tiếng của nhà thơ Quang Dũng nói về cái chết bi tráng của đoàn quân không mọc tóc: "Rải rác biên cương mùa viễn xứ/Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh/Áo bào thay chiếu anh về đất/ Sông Mã gầm lên khúc độc hành...".
"Đây không chỉ là nơi ghi lại một thời hào hùng và bi tráng của đoàn quân Tây Tiến mà còn là nơi giáo dục tinh thần yêu nước cho các thế hệ Thượng Cốc hôm nay và mai sau", ông Bùi Quang Thái - chủ tịch UBND xã Thượng Cốc cho biết.

Phóng sự của Hoàng Thế Tào
(Nguoiduatin.vn)