Trang chủ

     

Thứ Bảy, 10 tháng 11, 2012

Petrolimex lỗ nặng, lương cao, Những con tàu hoang, Đại biểu QH cúp họp...

Lo-nang-luong-cao
1. Petrolimex lỗ nặng, lương công ty mẹ vẫn 20,96 triệu đồng/tháng

(Dân trí) - Kết quả kiểm toán Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho thấy, dù bị lỗ hàng nghìn tỷ đồng nhưng lương bình quân tại công ty mẹ vẫn lên tới 20,96 triệu đồng/người/tháng.

Tổng Kiểm toán Nhà nước vừa có văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về kết quả kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối. Theo kết quả kiểm toán năm 2011, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng Cty Xăng dầu Quân đội (Mipeco) và Saigon Petro, cả ba doanh nghiệp đầu mối này đều lỗ.
Cụ thể, lợi nhuận kế toán trước thuế năm 2011 theo báo cáo tài chính hợp nhất của tập đoàn Petrolimex lỗ 1.423 tỷ đồng, Mipeco lỗ 18 tỷ đồng, Saigon Petro lỗ 63 tỷ đồng.

Theo báo cáo kiểm toán năm 2011, lợi nhuận trước thuế của Petrolimex âm 1.423,46 tỷ đồng (trong đó, khối đơn vị kinh doanh xăng dầu lỗ trước thuế 2.358,77 tỷ đồng, các công ty con lãi 841,29 tỷ đồng). Nếu tính cả các khoản chênh lệch lỗ do định giá lại các khoản đầu tư chứng khoán tại thời điểm chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước sang công ty cổ phần (949 tỷ đồng), thì Nhà nước sẽ phải xem xét, xử lý tồn tại khi bàn giao sang công ty cổ phần là 3.413 tỷ đồng.

Đáng chú ý, mặc dù kinh doanh khó khăn, tiền vốn còn hạn hẹp nhưng Petrolimex vẫn có những quy định về chi tiêu, tiền lương không hợp lý. Kết quả kiểm toán cho thấy, tại Petrolimex, tổng quỹ tiền lương thực chi của khối kinh doanh xăng dầu gồm công ty mẹ và 42 công ty thành viên kinh doanh xăng dầu năm 2011 là 1.392,3 tỷ đồng.

Tiền lương bình quân là 6,663 triệu đồng/người/tháng. Riêng công ty mẹ, tổng quỹ tiền lương được sử dụng trong năm 2011 là 60,368 tỷ đồng, tăng 1,6% so với năm 2010. Tiền lương thực tế bình quân 20,961 triệu đồng/người/tháng.

Nguồn Dân trí

2. Tàu 63 triệu USD biến thành kho chứa dầu

Trong lúc tàu 104.000 tấn vẫn nằm bờ sau một năm hạ thủy thì một con tàu chở dầu thô khác trọng tải lên tới 105.000 tấn, thi công dở dang ở nhà máy đóng tàu Dung Quất (Quảng Ngãi) cũng lâm vào tình cảnh bi đát.
Để giải thoát lối ra cho con tàu chở dầu thô 105.000 tấn sau 5 năm thi công ì ạch, Tập đoàn dầu khí Việt Nam (Petro VietNam) vừa quyết định chuyển hướng cải hoán chiếc tàu này thành kho chứa dầu nổi.
"Chi phí cải hoán từ tàu chở dầu thô thành kho chứa dầu nổi tăng thêm khoảng 20 triệu USD so với vốn đầu tư ban đầu. Dự kiến đến năm 2014, kho chứa dầu này hoàn thành đưa vào hoạt động ở mỏ Đại Hùng", ông Nguyễn Văn Hội, Chủ tịch Công ty công nghiệp tàu thủy Dung Quất nói.
Từ tháng 7/2010, Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (thuộc Vinashin) chuyển giao về Petroviet Nam.
Nguồn VNE

3. Đại biểu xin nghỉ họp QH đi nước ngoài dự lễ tốt nghiệp của con

(NLĐO)- Trưởng Ban Công tác đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Nương nhấn mạnh không thể chấp nhận trường hợp đại biểu Quốc hội nghỉ họp Quốc hội để đi nước ngoài dự tốt nghiệp của con và kiểm tra sức khoẻ định kỳ.
Ngày 9-11, trả lời câu hỏi của Báo Người Lao động về việc một đại biểu Quốc hội xin nghỉ tham dự kỳ họp Quốc hội thứ 4, Quốc hội khoá XIII đang diễn ra để sang Anh dự lễ tốt nghiệp đại học của con và kiểm tra sức khỏe định kỳ, Trưởng Ban Công tác đại biểu - Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Nương khẳng định không thể chấp nhận lý do xin nghỉ như vậy.

Được biết, đại biểu xin nghỉ họp Quốc hội đi nước ngoài dự lễ tốt nghiệp đại học của con là ông Nguyễn Văn Khánh (đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai). Phát biểu với báo chí, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Trần Văn Tư cho biết: "Chuyện anh Khánh xin nghỉ họp đi nước ngoài đã có văn bản cho phép của Bộ trưởng Bộ Công an (vì ông Khánh là Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai - PV), sau đó anh Khánh đã có đơn nghỉ họp gửi đến tôi và tôi đã chuyển đơn này đến Ban Công tác đại biểu để báo cáo Chủ tịch Quốc hội theo quy định. Trong đơn xin phép, anh Khánh có nói thêm lý do đi nước ngoài là để kiểm tra sức khoẻ định kỳ".

Bà Nguyễn Thị Nương khẳng định, là đại biểu Quốc hội là đại biểu của dân, do dân bầu, thay mặt dân nên phải đi họp nghiêm túc. Không thể vì những lý do quá riêng tư, cá nhân để nghỉ họp cả nếu không đừng ứng cử.
“Một số đại biểu nếu vì mục đích, động cơ chính trị để vào Quốc hội thì đừng vào hãy ở nhà mà tập trung vào lĩnh vực chuyên môn” – bà Nương tỏ quan điểm.
Theo thông tin từ Đoàn thư ký kỳ họp, sau khoảng 2 tuần họp đã có 95/499 đại biểu Quốc hội (chiếm gần 20%) xin nghỉ kỳ họp thứ 4. Các đại biểu Quốc hội xin nghỉ từ 10% đến 90% tổng số ngày họp của cả kỳ họp (với 26,5 ngày làm việc chính thức). Trong đó có một đại biểu xin nghỉ phần lớn thời gian kỳ họp với lý do đi dự lễ tốt nghiệp đại học của con ở nước ngoài.
Trước đó, ngày 26-10 (sau khai mạc 4 ngày), Ban Công tác đại biểu đã có văn bản gửi các trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đề nghị đôn đốc đại biểu tham gia đầy đủ phiên họp.