Trang chủ

     

Thứ Sáu, 23 tháng 11, 2012

Đi tìm cây phách trong bài thơ VIỆT BẮC của Tố Hữu

Nang_xuyen_rung

1. Từ chuyện Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng Trong đề thi khối C năm 2000 Đại học Quốc gia Hà Nội có một câu yêu cầu thí sinh bình giảng một đoạn thơ ở trong bài Tiếng hát con tầu của Chế Lan Viên trong đó có những câu: ... Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng.

Học sinh đã có những lời bình thật "thú vị" chỉ vì không hiểu mấy chữ cánh kiến hoa vàng: Dưới đây xin trích lại một vài lời bình "tiêu biểu" của sĩ tử:
* Cánh kiến hoa vàng thật đẹp và đẹp không gì so sánh được. Một con vật được gọi rất nhỏ là nhỏ như con kiến, nhìn cả thân hình nó đã khó, vậy mà Chế Lan Viên lại tinh hơn, nhìn riêng từng bộ phận trong cơ thể con vật nhỏ này được. Quả thật đẹp và gây hấp dẫn.
* Kiến thì thường hút nhụy hoa vàng, ở đâu có hoa là ở đó xuất hiện những con kiến, luôn luôn gần nhau và song song với nhau.
* Tình yêu như cánh kiến mong manh không chút vững chắc, hơn thế nữa lại còn hoa vàng. Thật buồn khi đọc đến hai chữ hoa vàng, đã là hoa vàng rồi thì còn gì là sự sống để tình yêu đâm chồi nẩy lộc.
* Ở đây phải hiểu là con cánh kiến chỉ đậu trên cây hoa màu vàng. Mà hình ảnh ấy rất khó có thể nhìn thấy.
* Tình yêu như cánh kiến hoa vàng đang dâng hương dâng mật cho đời làm cho non sông sống động trong một màu vàng lấp lánh.
Những trích dẫn trên lấy từ bài "Để hiểu thêm một câu thơ trong bài Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên" - Trần Khánh Thành - Báo Văn nghệ ngày 26-8-2000.
Năm ấy báo chí cũng phải tranh luận khá nhiều về cách hiểu câu thơ để xem đó là con cánh kiến hay cây cánh kiến. Chỉ vì không hiểu hai chữ cánh kiến nên mới có những lời bình như thế. Có lẽ vì vậy mà ít năm nay không còn thấy đề thi rơi vào việc bình giảng đoạn thơ này nữa!

2. Đến việc tìm hiểu cây phách trong bài Việt Bắc
·    Bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu đã được đưa vào sách giáo khoa Phổ thông trung học từ lâu. Nhà thơ Xuân Diệu đã dành cho Việt Bắc những lời đánh giá trân trọng: Đến bài thơ Việt Bắc, lại là đỉnh thơ cao nhất mà Tố Hữu đã bước lên... Bài thơ lộng lẫy, nhiều đoạn tuyệt đẹp; không phải một cây bút trong tay Tố Hữu nữa, mà nhiều ngọn bút nở cùng một lúc, bút tả tình, bút tả cảnh, bút tả người... Tác giả đã từ bao năm trời cặn kẽ trông nhìn đồng bào miền núi; đã bao nhiêu mùa ngắm nhìn phong cảnh, thuộc các mùa hoa của núi rừng:
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi...
Ve kêu rừng phách đổ vàng
(Trích lại từ Tư liệu văn học 12 - tập 1 - Nguyễn Văn Long chủ biên - Nxb Giáo dục, 2001, trang 44, 45).
Các nhà nghiên cứu, những người bình thơ đều đánh giá cao bộ tranh tứ bình thiên nhiên một vùng đất qua những thể hiện của Tố Hữu trong Việt Bắc. Có điều, trong rất nhiều năm, việc xác định cây phách là loại cây gì để những lời bình thơ, những cắt nghĩa lí giải có căn cứ vẫn còn là chuyện phải làm sáng rõ. Dưới đây xin chép lại những chú thích về cây phách trong nhiều cuốn sách giáo khoa - Những chỗ in nghiêng là do tác giả bài viết (TDT) nhấn mạnh:
a) Văn học 12 tập 1 - Ban khoa học xã hội - Nguyễn Đăng Mạnh chủ biên - Nxb Giáo dục, 1995, trang 295.
Phách: Một loại cây mọc thành rừng có nhiều ở Việt Bắc, hoa nở vàng vào mùa hè lúc ve kêu.
b) Sách văn học lớp 12 tập 1 (sách chỉnh lí hợp nhất năm 2000, trang 157).
Phách: Một loại cây mọc thành rừng.
c) Sách Ngữ văn 12 tập 1 (Phan Trọng Luận - Tổng chủ biên - Nxb Giáo dục, 2008, trang 111).
Phách: Một loại cây thân gỗ, nở hoa vàng đầu mùa hè.
d) Sách Ngữ văn 12 tập 1 (Nâng cao - Trần Đình Sử - Tổng chủ biên - Nxb Giáo dục, 2008, trang 85).
Phách: Một loại cây thân gỗ ở rừng Việt Bắc nở hoa vàng vào đầu mùa hè.
Từ các chú thích nói trên có thể nhận xét:
·    Với chú thích (a) phách là loại cây mọc thành rừng: Một chú thích không đem đến một lượng thông tin nào giúp hiểu thêm về cây phách để từ đó cảm nhận được vẻ đẹp của câu thơ. Học sinh có thể hỏi lại giáo viên: Thay cây phách bằng một loại cây khác thì cũng có thể diễn đạt như chú thích này, vì chẳng cứ cây phách nhiều loại cây khác cũng có thể mọc thành rừng?
·    Các chú thích (a; c; d) đều cho rằng phách là loại cây Nở hoa vàng. Có lẽ vì thế mà những lời bình thơ đều nói đến sắc hoa vàng của rừng phách Việt Bắc khi hè về. Hoặc chỉ có thể nói một cách chung chung về một màu vàng tràn ngập: "Cảnh vật và sắc màu đột ngột chuyển sang cảnh mùa xuân với màu trắng của hoa mơ bung nở khắp rừng, rồi lại tràn ngập một màu vàng của rừng phách khi hè về..." (Nguyễn Văn Long - Phân tích tác phẩm văn học hiện đại Việt Nam - Từ góc nhìn thể loại. Nxb Giáo dục, 2009, trang 88).
Có thể và cần thiết phải tìm hiểu kĩ hơn về cây phách để có được những chú thích chính xác trong sách giáo khoa Văn 12, làm cơ sở có những lời bình thỏa đáng về vẻ đẹp bộ tứ bình trong Việt Bắc. Thực ra rất nhiều người đã viết về cây phách loài cây có Hoa màu tím, lá vàng vào mùa hè.
Trên Báo giáo dục thời đại số 34 ngày 23-8-1993 Ngô Cường đã viết: Gần đây, nhân dịp trở lại chiến khu Tân Trào tôi mới được đồng bào cho biết rõ. Cây phách còn gọi là cây mí, cây xẹt. Nó là một loại lim, cán bộ ngành lâm nghiệp và bà con địa phương gọi là lim mí xẹt, vỏ và rễ của cây này có thể dùng để ăn trầu, nhưng không mềm và ngon bằng rễ và vỏ của cây trầu vỏ hay cây rễ  khoai. Cây phách mọc thành rừng tập trung hay mọc xen với các cây khác, có rất nhiều ở Việt Bắc, Tây Bắc và Đông Bắc nước ta. Giữa mùa hè, phách nở hoa tím khá đẹp. Còn trước đó vào đầu mùa hè (tháng 3 tháng 4) thì lại thay lá, chuyển từ màu xanh sang vàng đồng loạt, chỉ trong ít ngày. Cũng vào dịp này, trời vào hè nóng lên, ve bắt đầu kêu.
Ai cũng biết Tô Hoài là nhà văn viết nhiều về vùng rừng núi Tây Bắc, Việt Bắc với những am hiểu rất sâu sắc về cảnh và người một miền đất của Tổ quốc. Trong một chuyến đi vào Nam, nhà văn chợt nhớ đến cây phách Việt Bắc: Sông Ba Lòng , mùa cạn. Nước trong vắt lặng lẽ quanh chân đá. Hoa phách tím nhạt lốm đốm lưng núi, như rừng Việt Bắc. Hoa phách nở, mùa tra đậu nương (Bút kí - NXB Hội Nhà văn, 2000, trang 291).
Tố Hữu cũng đã cho biết rõ sắc vàng trong câu thơ Ve kêu rừng phách đổ vàng, không phải là màu vàng của hoa như những người soạn sách nhiều năm lầm tưởng mà là Màu vàng của lá. Trong cuốn Hồi kí Nhớ lại một thời khi nói về vẻ đẹp nên thơ của Việt Bắc cùng những gì là "luyến tiếc ngẩn ngơ" khi rời Việt Bắc nhà thơ đã chép lại đoạn thơ đặc sắc về thiên nhiên bốn mùa của Việt Bắc, đồng thời cũng đã chú thích rất rõ ràng về cây phách: Phách là loại cây gỗ cao, cuối hè đầu thu thì lá vàng rực lên (Nhớ lại một thời - Hồi kí - NXB Hội Nhà văn, 2000, trang 302).
Những tư liệu trên, đặc biệt là chú thích của tác giả Việt Bắc về cây phách, có lẽ cũng đủ là căn cứ để sửa lại những chú thích trong sách giáo khoa Văn 12!

Trần Duy Thanh
Nguồn Tạp chí NV