Trang chủ

     

Thứ Bảy, 15 tháng 9, 2012

Tiệc linh đình tiễn, đón sếp, TQ tiếp tục gây sóng gió...

Quan_dao_Xanh_ca_cu

1. Đổi "Sếp" Sở Công thương nghỉ làm, mở tiệc linh đình

Lúc 16h15h chiều 14/9, nhiều người dân đến trụ sở Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Long liên hệ làm việc đã hết sức bất ngờ vì không thấy bóng dáng một cán bộ nào của sở.

Túc trực suốt hơn 30 phút, theo ghi nhận của phóng viên, cả công sở rộng lớn các phòng ban đều “cửa đóng then cài” im ỉm, nhiều cá nhân, tổ chức đến liên hệ làm việc đều phải lủi thủi ra về. Trong khi đó, nội quy làm việc của đơn vị này lại ghi hết sức rõ ràng giờ giấc làm việc: Sáng từ 7h - 11h; chiều từ 13 h - 17h (!).
Tình cờ, một cán bộ của sở này mặt mày đỏ gay trong trạng thái say xỉn buột miệng cho biết, cơ quan tổ chức tiệc liên hoan để tiễn các sếp từ 15h30 nên phải nghỉ sớm.
Lập tức, phóng viên đã tìm đến hội quán Ngân Vinh (phường 4, đường Phạm Thái Bường, TP.Vĩnh Long) trong vai những thực khách vào quán để ăn tiệc. Thế nhưng, bảo vệ quán thẳng thừng không bán, cho rằng quán “bận” phục vụ tiệc liên hoan của các “sếp” bên Sở Công Thương. Khi chúng tôi lẻn vào được phía bên trong buổi tiệc, thấy người lạ, nhiều ánh mắt dòm ngó, xì xào nhìn với vẻ đầy hoài nghi. Theo ghi nhận của chúng tôi, tiệc nhậu được tổ chức hết sức “hoành tráng” với khoảng 20 bàn tiệc, các khách mời đều được chiêu đãi uống toàn bia lon Heineken.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, buổi tiệc nhằm chiêu đãi tiễn ông Hồ Văn Huân – Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Công Thương nhận nhiệm vụ mới tại Thành ủy Vĩnh Long. Còn Giám đốc mới là ông Nguyễn Minh Tho – Tỉnh ủy viên từng giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy Bình Tân.
Để xác nhận chính xác thông tin của buổi tiệc, phóng viên đã liên hệ với một vị Phó Giám đốc Sở Công Thương thì được vị này cho biết sự việc đúng y như vậy, mong được… thông cảm.
Buổi tiệc "chuyển giao quyền lực" được tổ chức kéo dài đến tối.
Theo Dân Việt

2. Trung Quốc tiếp tục gây sóng gió
Trung Quốc đang có kế hoạch xây mạng thông tin liên lạc phi pháp bao trùm biển Đông, đồng thời đưa tàu hải giám tuần tra ở biển Hoa Đông.
Theo Tân Hoa xã, kế hoạch lập mạng thông tin liên lạc phi pháp nói trên nhằm kết nối các quần đảo ở biển Đông, trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Mạng này dự kiến bao gồm 51 trạm liên lạc trên các quần đảo ở biển Đông, 104 trạm trên các tàu và 8 tuyến cáp dưới biển. Động thái này nhằm hợp lý hóa cái gọi là “TP.Tam Sa” do nước này ngang nhiên thành lập hồi tháng 7 và vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Hãng tin CNA của Đài Loan dẫn lời chuyên gia Bonnie Glaser thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế của Mỹ cho rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục chính sách gây quan ngại đối với vấn đề tranh chấp ở biển Đông, ngay cả sau kỳ chuyển giao quyền lãnh đạo vào cuối năm nay.
Trong khi đó, 2 đội tàu hải giám Trung Quốc đã xuất hiện ở khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp với Nhật Bản trên biển Hoa Đông vào sáng 14.9. Động thái này nhằm đáp trả tuyên bố của chính phủ Nhật quốc hữu hóa 3 đảo thuộc quần đảo này. Theo Kyodo News, Lực lượng tuần duyên (CG) Nhật phát hiện 2 tàu hải giám 51 và 66 xâm nhập vùng biển cách đảo Taisho/Xích Vĩ Tự thuộc Senkaku/Điếu Ngư 22 km vào khoảng 6 giờ 20 phút sáng 14.9 (giờ địa phương).
Gần 1 giờ sau, phía Nhật phát hiện thêm 4 tàu 50, 26, 27 và 15 vào vùng biển phía bắc đảo Kuba/Hoàng Vĩ Tự. CG lập tức điều tàu tuần tra, máy bay đến các khu vực trên đồng thời yêu cầu các tàu Trung Quốc rút đi. Đến trưa qua, 6 tàu Trung Quốc đều rút khỏi khu vực nói trên nhưng chưa rõ có còn quanh quẩn gần đó hay không.
Nhật đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc Trình Vĩnh Hoa để phản đối vụ việc trong khi Thủ tướng Yoshihiko Noda tổ chức họp khẩn để ra lệnh tăng cường giám sát hoạt động của Trung Quốc ở Senkaku/Điếu Ngư. Bên cạnh đó, AFP ngày 14.9 dẫn một số nguồn tin cho hay chính phủ Nhật vừa ban hành cảnh báo an toàn cho công dân nước này tại Trung Quốc sau 6 vụ người Nhật ở Thượng Hải bị tấn công.
Đáp lại, Tân Hoa xã dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói đội tàu hải giám nói trên đến Senkaku/Điếu Ngư để bảo vệ chủ quyền. Giữa lúc căng thẳng đang dâng cao, Phó chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc Từ Tài Hậu kêu gọi quân đội chuẩn bị sẵn sàng. Nhân Dân nhật báo đăng loạt ảnh về các cuộc tập trận đổ bộ chiếm đảo của 4 quân khu ở Trung Quốc nhưng không nói rõ thời gian và địa điểm. Truyền thông Hồng Kông dẫn lời giới phân tích nhận định việc Trung Quốc chỉ điều tàu hải giám đến Senkaku/Điếu Ngư cho thấy nước này “chưa muốn quân sự hóa” căng thẳng. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo các bên phải hết sức kiềm chế, tránh những manh động, tính toán sai lầm có thể làm bùng phát xung đột. Mặt khác, nhiều ý kiến cho rằng nếu thật sự xảy ra đụng độ, hải quân Trung Quốc không phải là đối thủ của Lực lượng phòng vệ Nhật.
Nguồn Thanh niên

3. Liệu có nổ ra xung đột Trung-Nhật trên biển Hoa Đông?
- Sau khi Nhật Bản chính thức công bố kế hoạch quốc hữu hóa ba trong số năm đảo ở Senkaku/Điếu Ngư, Trung Quốc phản ứng giận dữ với đỉnh điểm là việc điều một loạt tàu hải giám ra vùng biển này, khiến Biển Hoa Đông tiếp tục dậy sóng.
Trung Quốc cảnh cáo
Giới phân tích chính trị cho rằng việc Chính phủ Nhật Bản tuyên bố hoàn tất kế hoạch mua ba đảo của tư nhân tại Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) đe dọa dẫn đến một cuộc đối đầu mới với Trung Quốc.
Tất nhiên, Bắc Kinh sẽ có những phản ứng rất mạnh mẽ cả về ngôn từ lẫn hành động. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã gọi quyết định của Chính phủ Nhật Bản là "hành động ăn cắp". Tiếp đến, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh đe dọa bằng tuyên bố quân đội Trung Quốc kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
Sự xuất hiện của các tàu hải giám Trung Quốc tại Senkaku/Điếu Ngư làm nổi lên nguy cơ Nhật Bản sẽ có những hành động quyết đoán hơn để đối phó với người láng giềng. Điều này làm tăng nguy cơ nổ ra một cuộc xung đột giữa quân đội Trung Quốc với Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản giống như cuộc đối đầu đã từng xảy ra ở bãi cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là Hoàng Nham) ở Philippines.
Nhật Bản muốn “duy trì hiện trạng”
Việc Chính phủ Nhật Bản quyết định mua hay "quốc hữu hóa" ba hòn đảo  Uotsurijima, Kitakojima và Minamikojima, thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với giá 2,05 tỷ yên (26 triệu USD) của gia đình Kurihara được thúc đẩy bởi những toan tính chính trị.
Trước kia Chính phủ Nhật Bản đã thuê và kiểm soát toàn bộ quần đảo. Tháng 7/2012, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda tuyên bố, chính phủ sẽ mua quần đảo mà người khởi xướng cho việc mua bán này chính là Thị trưởng Tokyo Shintaro Ishihara thuộc cánh hữu. Thủ tướng Noda cho biết việc mua quần đảo nhằm ngăn chặn kế hoạch khiêu khích của ông Ishihara nhằm xây dựng một bến cảng và các cơ sở trên quần đảo. Lẽ đương nhiên, lý do này không làm giảm sự tức giận của Bắc Kinh.
Sau khi Bắc Kinh đòi Tokyo thu hồi quyết định mua đảo, Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba đã lên tiếng bác bỏ. Tuy nhiên, Nhật Bản cũng không muốn làm nóng thêm căng thẳng với Trung Quốc hơn nữa.
Trước đó, Tokyo cũng đã bác bỏ yêu cầu được đổ bộ lên đảo của một đoàn khảo sát khu vực Senkaku/Điếu Ngư do thị trưởng Tokyo tổ chức. Lý do của Tokyo là để đảm bảo an ninh song thực chất nguyên nhân có thể là tránh chọc giận Bắc Kinh hơn nữa.
Nguồn Dân trí

4. Toàn bộ tàu hải giám Trung Quốc rút khỏi Senkaku
(NLĐO) - Khoảng 7 giờ sau khi xâm nhập, toàn bộ 6 tàu hải giám Trung Quốc rút hết khỏi vùng biển gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Hãng tin Kyodo (Nhật Bản) cũng đã công bố đoạn video ghi hình tàu hải giám Trung Quốc sáng 14-9.
Theo Kyodo, sau khi nhận được cảnh báo từ Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản, tuy có đáp trả rằng đang tuần tra vùng biển của Trung Quốc nhưng 2 hoặc 3 trong số 6 tàu hải giám xâm nhập cũng rời khỏi khu vực trên. Đến khoảng 13 giờ 20 (giờ địa phương), tức khoảng 7 tiếng sau khi chiếc tàu đầu tiên xâm phạm, toàn bộ tàu Trung Quốc đã rút lui.

Cũng theo lực lượng này, ngoài 6 tàu trên, Trung Quốc còn có 2 tàu khác đang di chuyển ở khu vực giáp lãnh hải Nhật Bản.