Trang chủ

     

Thứ Bảy, 18 tháng 8, 2012

XIN ĐỪNG THỜ Ơ TRƯỚC NHỮNG TIN TỨC NHƯ THẾ NÀY

Cong_nhan_teo_top1
1. Teo cơ vì thiếu ăn
- Công nhân trong các khu chế xuất, khu công nghiệp thiếu ăn đến nỗi cơ bắp bị bào mòn, teo tóp, năng lượng dự trữ bị khai thác hết để làm việc. Sự suy kiệt của họ sẽ ảnh hưởng đến thế hệ con cái.

Bữa ăn của công nhân tại nhà trọ (ảnh minh họa)
Những thông tin nhức nhối này được đưa ra tại hội thảo “Phòng, chống ngộ độc thực phẩm ở bếp ăn tập thể tại KCN, KCX” tổ chức tại Bình Dương ngày 13.8.
Công nhân – những người trực tiếp sản xuất, làm ra của cải vật chất cho xã hội – lại là những người thiếu ăn, hay nói đúng hơn là ăn uống thiếu dinh dưỡng! Đây là một thực tế phải đối diện và có biện pháp giải quyết cấp thiết.
Công bằng xã hội ở đâu khi một lực lượng lao động lớn, đổ mồ hôi lẫn nước mắt cho các nhà đầu tư, góp phần phát triển kinh tế và tăng nguồn thu cho ngân sách, lại là những người thiếu ăn thiếu mặc. Đó là vấn đề cần đặt ra, không thể che đậy một sự thật lồ lộ trước mắt, liên quan đến hàng vạn người.
Một điều rất rõ, xây dựng các khu công nghiệp, thu hút nhiều nhà đầu tư cũng là vì mục đích làm giàu cho đất nước gắn liền với nâng cao chất lượng sống cho người dân. Nhưng nếu như chính những người tham gia trực tiếp vào hệ thống sản xuất đó mà đói khổ thì hàng trăm khu công nghiệp mọc lên cũng chẳng có ý nghĩa gì ngoài sự bóc lột sức lao động. Bên trong cái vẻ bên ngoài hào nhoáng của các nhà máy to lớn mà chúng ta nhìn thấy lại là những tấm thân gầy gò, xanh xao, nhỏ nhoi và suy kiệt đến mức đe dọa thể chất của giống nòi trong tương lai.
Một cán bộ của Bộ Y tế phát biểu bên hành lang hội thảo: “Bây giờ sao tôi thấy công nhân nào cũng nhỏ nhỏ, gầy gầy, phờ phạc. Đa phần công nhân cưới công nhân nên dễ sinh ra một thế hệ suy dinh dưỡng”.
Vậy thì sự hào nhoáng mang tên phát triển công nghiệp, hóa ra chỉ làm giàu cho một nhóm người, còn đa số công nhân lao động là công cụ phục vụ cho mục tiêu làm giàu của họ.
Hãy cứ thực tâm mà rằng, đồng lương hiện nay của công nhân không phải là chết đói, mà là đồng lương đói nhưng chưa chết. Bữa ăn công nghiệp thiếu dinh dưỡng, về nhà vì tiết kiệm nên phải mua thức ăn không đảm bảo an toàn vệ sinh. Ăn uống như vậy sẽ không chết liền mà chết từ từ vì bệnh tật, vì cạn kiệt sinh lực. Rồi đây, cứ hằng năm, từ các khu chế xuất, khu công nghiệp sẽ thải ra hàng ngàn người còn tuổi lao động nhưng sức khỏe không đảm bảo.
Không chỉ không có cái tối thiểu là sức khỏe, họ còn không có vốn liếng, không có kiến thức, không có nghề nghiệp, nhiều phụ nữ không chồng con vì họ nhốt cả tuổi thanh xuân trong nhà máy và những căn nhà trọ tồi tàn rách nát. Bi kịch này không chỉ của từng cá nhân mà là bi kịch của cả xã hội.
Để bi kịch đó không là thảm kịch, trước hết hãy có biện pháp bắt buộc các doanh nghiệp lo cho công nhân bữa ăn công nghiệp đảm bảo dinh dưỡng tối thiểu. Hãy trả cho công nhân đồng lương đủ để sống tử tế, đừng trả lương với mức đói mà chưa chết.
Nguồn Dân trí

2. Thức ăn cho công nhân có giòi
Khoảng 10 giờ 30 ngày 17.8, các công nhân của Nông trường cao su đội 1 Cù Bị thuộc Công ty TNHH MTV cao su Bà Rịa (xã Cù Bị, H.Châu Đức, Bà Rịa-Vũng Tàu) đang ăn cơm thì phát hiện món thịt heo kho có giòi bò lúc nhúc.
Ngay sau đó, Nông trường cao su đội 1 Cù Bị đã lập biên bản vụ việc, niêm phong thức ăn và chuyển lên cơ quan chức năng của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để điều tra làm rõ. Được biết, suất ăn này do cơ sở Dũng Hà (xã Cù Bị) hợp đồng với nông trường nấu cho công nhân ăn.
Nguồn Thanh niên

3. “Chúng em sống, làm việc như trong tù”
Thêm 39 người lao động ở xưởng may Vinastar đã về nước, vẫn còn năm người khác bị đưa đi nơi nào không rõ.
Vừa qua, tại Hà Nội, phóng viên báo Pháp Luật TP.HCM đã gặp gỡ những người lao động (NLĐ) được “phóng thích” khỏi xưởng may đen trở về Việt Nam.
Đặng Công Hào (25 tuổi, quê ở Nghệ An) xúc động nói: “Đặt chân xuống sân bay mà nước mắt cứ trào ra. Không tin được mình còn có thể trở về quê hương”. Hào kể: “Em không thể ngờ đến thế kỷ 21 rồi mà chúng em còn phải làm việc và sống như trong tù, như người nô lệ”. Ngay đến cái ăn cũng không đủ no. Nguyễn Duy Hưng (quê ở Thái Nguyên) kể: “Có một lần em thấy ở trong thùng các-tông đựng rác có những mẩu bánh mì thừa ra, thế là em lén mọi người lấy ra vạt bỏ những phần đầu rồi nói dối là tìm được trong nhà bếp để mọi người ăn qua cơn đói”.
Cong_nhan_teo_top2
Đặng Công Hào và Nguyễn Duy Hưng sau nhiều tháng lao động ở Vinastar khi về đến Việt Nam không tiền, không bạc, chỉ có đúng một bộ quần áo mặc trên người. Ảnh: N.DÂN
Con đường NLĐ sang Vinastar hầu như ai cũng giống nhau, phải nộp cho công ty/người môi giới một khoản tiền (10 triệu đồng trở lên) để làm visa, vé máy bay và thủ tục nhập cảnh. Số còn lại sẽ “được” cho thiếu nợ và bị trừ dần vào lương. Tại sân bay Việt Nam, mọi NLĐ đều phải mang nhờ “một món hàng” mà không hề biết bên trong là gì. Một số người khi đến Nga bị lục soát thì ra bên trong là mác, hiệu giả dùng để đính vào áo quần, bị phạt mấy trăm rúp. Nhiều người không có tiền đóng phải chờ nhân viên Vinastar đến đóng và lãnh về.
Ngày 1-8 là ngày đáng nhớ nhất của NLĐ khi nhân viên Sở Di trú Nga kiểm tra xưởng may Vinastar. Hơn 20 người “sống lậu” “được” bắt đem đi chờ ngày trục xuất. Số NLĐ có giấy tờ hợp lệ “kém may mắn” hơn thì được “phóng thích” khỏi xưởng may. Lang thang ngoài đường ở chỗ đất lạ quê người, chưa biết sẽ ăn đâu, ở đâu nhưng mọi người đều vui mừng vì được thoát. Trước đó, ngày 17-7, tám NLĐ bị Vinastar vu là đập phá tài sản và gọi cảnh sát đến bắt đi. Toàn thể NLĐ đã đình công đòi Vinastar phải trả người thì họ mới được trở về. Thế nhưng khoảng 10 ngày sau, Công ty Vinastar lấy lý do có năm người bị cảnh sát Nga phát hiện không có giấy tờ hợp lệ đã đưa năm người này đi, hiện nay vẫn không rõ họ ở nơi nào.
Nguồn PL TPHCM