Trang chủ

     

Chủ Nhật, 5 tháng 8, 2012

Ở ĐÂU CÓ KIỂM LÂM Ở ĐÓ CÓ… LÂM TẶC

Kiem-lam-pha-rung
- Nhân dân phải thốt lên chua xót: kiểm lâm canh cho lâm tặc. Họ kết nhau như hình với bóng; là anh em sinh đôi, là cặp bài trùng trong công cuộc biến rừng thành đồi trọc.

Trong chương trình Chào buổi sáng ngày 01-8-2012 vừa qua của VTV1 có phóng sự về người dân xã Đa Phúc, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình làm được cái việc mà bây giờ người ta sẽ cho là “hâm”: bảo vệ khu rừng nguyên sinh từ hàng trăm năm nay của xã mình, trong khi đó ở các xã lân cận, rừng đã chết từ lâu. Trong phóng sự có một câu mà theo lô-gic của suy luận sẽ là cái chân lí mà tôi đặt tít cho bài viết này: “Cả khu rừng nguyên sinh rộng lớn còn nguyên vẹn mà không hề có vai trò của kiểm lâm”. 

Không hề có vai trò của kiểm lâm hay nói đúng hơn, không cần có vai trò của kiểm lâm. Bởi vì nếu có kiểm lâm thì sẽ xảy ra tình trạng “lắm thầy rầy ma”, “cha chung không ai khóc” và tất sẽ dẫn đến kết cục “đục nước béo cò”.

Một ngành chức năng được đẻ ra với mỗi một nhiệm vụ duy nhất là bảo vệ rừng thế mà rừng cứ chết dần chết mòn cho đến kì hết. Trước mỗi cửa rừng đều có chốt, trạm kiểm lâm thế mà xe pháo máy móc vẫn ùn ùn chở gỗ ngày đêm qua lại như ở chốn không người. Nhân dân phải thốt lên chua xót: kiểm lâm canh cho lâm tặc. Họ kết nhau như hình với bóng; là anh em sinh đôi, là cặp bài trùng trong công cuộc biến rừng thành đồi trọc.


Vào google gõ cụm từ “kiểm lâm phá rừng” cho hơn một triệu kết quả, gõ cụm từ “bắt hạt trưởng kiểm lâm” cho sáu trăm hai mươi ngàn kết quả. Đúng là những con số biết nói. Mới đây nhất, báo Tuổi trẻ Online cho hay lúc 18g ngày 3-8 tại ngã tư thị trấn huyện Đô Lương (Nghệ An), Công an huyện Đô Lương phát hiện chiếc ô tô bán tải mang biển số xanh 37A-1343 chở một khối gỗ dổi. Chủ nhân là ông Thái Ngô Cường, 48 tuổi, hạt trưởng hạt kiểm lâm huyện miền núi Quỳ Châu thuộc Chi cục kiểm lâm Nghệ An trực tiếp ngồi trên xe áp tải số gỗ này về nhà mình ở xã Bắc Sơn, huyện Đô Lương. Thật không còn gì để bình luận nữa.

Chúng ta không quên những chiến sĩ kiểm lâm đích thực, không quản gian khổ, cực nhọc thậm chí hi sinh tính mạng của mình để bảo vệ rừng cho đất nước. Nhưng, những con người như thế phỏng được bao nhiêu ? Họ là một thiểu số nhỏ bé, vẫy vùng tuyệt vọng trong vòng xoáy thế sự, để rồi máu của rừng vẫn chảy, chảy mãi cho đến khi không còn gì mà chảy nữa.

4-8-2012
Nguyễn Duy Xuân