Trang chủ

     

Thứ Năm, 22 tháng 3, 2012

NỖI NIỀM THỊ NỞ - Nguyễn Duy Xuân

Chi_Pheo_Thi_No1

   Mấy ngày nay trên mạng rộ lên cuộc tranh luận về việc sách giáo khoa Ngữ Văn 11 cắt bỏ đoạn Chí Phèo, Thị Nở gặp nhau trong một đêm trăng mát rượi nơi vườn chuối. Chuyện xảy ra đã lâu nhưng chẳng ai có ý kiến, nói đúng hơn là chẳng ai để ý. Mình cũng dạy tác phẩm Chí Phèo bấy lâu nay có biết việc này nhưng chỉ thấy tiếc cho học sinh vì không được đọc một đoạn văn tuyệt bút của Nam Cao.

   Và rồi chuyện được đưa lên mặt báo, đánh trúng tâm lí người Việt mình: chỉ ngậm tăm khi chưa có ai dám tố. Thế là một loạt ý kiến, bình luận, phỏng vấn…Báo nọ ăn theo báo kia, đẩy sự việc lên thành điểm nhấn trong tuần. Cái này thì phải phục tài báo chí nước nhà.

   Tự nhiên, hôm nay giở trang sách ra đọc lại. Khi đến chỗ sách giáo khoa ghi lược một đoạn, đang văng vẳng tiếng cụ bá quát: Lí Cường đâu ! Tội mày đáng chết thì bỗng dưng thấy hoa mắt, đầu óc quay cuồng rồi như có ai đó nhấc bổng mình lên…Có tiếng người. Tiếng bước chân. Tiếng lá khô xào xạc. Ô ! Ai như thị Nở đang đi ra từ vườn chuối ?  Chưa kịp định thần thì người nọ đã tiến sát, giọng trầm trầm mà dứt khoát:

- Mời cậu theo tôi.

                                                           *

   Thưa quí vị !

   Vậy là đã bảy mươi mốt năm trôi qua kể từ ngày cụ Nam Cao tác thành đôi lứa cho chúng tôi. Bảy mươi mốt năm ấy, nói như ngôn ngữ thời thượng, chúng tôi đã là người của công chúng. Nhờ tài văn của cụ Nam Cao mà chúng tôi thành ra nổi tiếng. Thử hỏi trên đất nước Việt Nam này, khắp hang cùng ngõ hẻm, ở đâu mà già trẻ, gái trai lại không biết đến chúng tôi, Chí Phèo – Thị Nở ? Nhưng chúng tôi không muốn sống bằng sự nổi tiếng bởi chúng tôi không thích thế. Những kẻ dưới đáy xã hội như chúng tôi thì nổi tiếng để mà làm gì ? Điều khiến cho chúng tôi vui không phải vì lẽ đó mà vì độc giả đã dành chỗ cho chúng tôi trong trái tim của họ, dẫu có lúc chúng tôi thấy tủi phận vì mỗi khi ra đường khi gặp kẻ xấu trong làng ngoài xã, người ta lại réo tên tục chúng tôi lên cho dù vì lòng yêu đi chăng nữa.

   Và cứ thế chúng tôi sống trọn vẹn, giữa đời văn và đời thực trong suốt bảy mươi mốt năm qua.

   Bỗng một hôm đứa chắt nội đi học về, hớt ha hớt hải chạy vào gặp tôi nói không ra tiếng:

- Cụ ơi ! Cụ…họ…họ…cắt các cụ rồi !
- Cái gì mà rối lên thế ? Cháu cứ bình tĩnh nói cho cụ nghe nào ! Ai cắt, cắt cái gì ?
- Dạ, sách giáo khoa ạ. Họ cắt mất cái đoạn ông Nam Cao kể chuyện hai cụ gặp nhau ạ !
- Á à !

   Thằng bé đang học lớp 11 liền giở cuốn sách Ngữ văn tập 1 cho tôi xem. Thì ra là có chuyện đó thật. Nó còn bảo trên mạng miếc gì đó người ta đang tranh luận chuyện này, ghê lắm. Ôi, vườn chuối. Ôi, trăng thanh, gió mát...Chuyện như mới hôm qua, thế mà bây giờ…Đâu rồi những kỉ niệm đẹp giữa một thời tăm tối ? Tôi ngạc nhiên đến sững sờ. Dẫu đã qua cái tuổi 100, trải đời biết bao cay đắng, biến cố vậy mà suốt đêm hôm đó tôi không sao chợp mắt được. Lâu nay tôi cứ đinh ninh chuyện ông Chí nhà tôi đến với độc giả một cách trọn vẹn chứ đâu lại có sự cắt bỏ thế này, lại cắt ở cái đoạn quan trọng, cái đoạn mà cụ Nam Cao đã dồn hết bút lực và tâm huyết.

   Ai chả biết Chí Phèo – Thị Nở ở làng Vũ Đại. Chúng tôi, kẻ thì bị hắt hủi, kẻ thì bị ruồng bỏ, xa lánh. Chúng tôi như cái bóng vật vờ bên lề xã hội ác độc lúc bấy giờ. Ai có thể làm thay đổi số phận của chúng tôi ? Chẳng ai cả. Chỉ có một người – người ấy là cụ Nam Cao, một ông giáo trĩu nặng ưu tư nhưng giàu lòng nhân ái. Ông ấy hiểu thấu đáo ruột gan chúng tôi. Ông ấy không như những kẻ khác. Ông ấy đã giang rộng vòng tay…

   Cái đêm hôm ấy cũng chỉ là chuyện tình cờ thôi. Bản năng đã kéo hai kẻ vật vờ bên lề  xã hội xích lại gần nhau. Cái này thì phải phục tài cụ Nam Cao. Các bạn thử nghĩ xem, một kẻ bị đẩy xuống tận bùn đen tội lỗi với một kẻ dở hơi liệu có tình yêu sét đánh được không ? Liệu có thể có cái liếc mắt đưa tình ngay được không ? Chúng tôi đều là kiếp khổ đau nhưng lại như hai cực nam châm. Cụ Nam Cao đã khéo thu xếp để ông Chí gặp tôi một cách tình cờ mà hợp lí. Chuyện xảy ra ở vườn chuối đêm ấy lúc đầu chỉ là phản xạ bản năng thôi nhưng nếu không có nó thì làm sao chúng tôi có thể cảm được hơi thở của nhau để rồi… đến nửa đêm, ông ấy thổ một trận tưởng chết. Chứng kiến cảnh tượng lúc bấy giờ, dẫu là gỗ đá cũng không cầm lòng được huống chi tôi đã trao cho ông ấy sự trinh trắng của đời con gái. Từ chỗ xa lạ, chúng tôi thành gần gũi rồi thương nhau, và thấy cần có nhau. Sau này nhờ phong trào Bình dân học vụ mà tôi đánh vần được câu chuyện ông Nam Cao kể lại trong tập Luống cày, mới biết ông Chí cũng thương tôi lắm. Con người dữ dội ấy thế mà cũng có lúc mềm yếu, cũng có những khát khao cháy bỏng, muốn được làm lại cuộc đời, muốn được sống trong cảnh chồng vợ như bao người khác. Nhưng là một kẻ tứ cố vô thân, ông ấy còn biết bấu víu vào đâu khi lương tâm đã thức tỉnh sau cái đêm kì diệu ấy ? Cho nên, ông đặt tất cả niềm hi vọng vào tôi và chờ đợi. Cho đến bây giờ, tôi vẫn không quên năm ngày hạnh phúc bên ông ấy trong túp lều tăm tối. Chỉ có điều ân hận, rằng tôi đã không cưỡng lại được số phận để rồi làm cái việc nông nổi chối bỏ người mình yêu. Về điểm này, các bạn cũng đừng đổ tội cho cô tôi mà tội nghiệp người phụ nữ già nua bất hạnh ấy. Tất cả chỉ tại cái thằng thực dân phong kiến. Chúng nó về hùa với nhau tàn hại không chỉ hạnh phúc bé mọn của chúng tôi, không chỉ cuộc đời đầy bi kịch của ông Chí.

   Các bạn thân mến !

  Tôi nói hơi lan man một chút nhưng là để các bạn hiểu rằng, nếu không có cuộc gặp ở vườn chuối đêm hôm ấy thì không có mối tình Chí Phèo – Thị Nở, và tất nhiên sẽ không có bước ngoặt trong cuộc đời chúng tôi. Đã có một thời, cái thời thực dân ấy, người ta nhìn nhận chuyện tình của chúng tôi như một trò mua vui giải trí, âu cũng là điều dễ hiểu. Nhưng bây giờ tôi tin điều đó không thể xảy ra nữa. Các cháu ngày nay không phải như thế hệ chúng tôi xưa. Các cháu đủ bản lĩnh để hiểu được giá trị và ý nghĩa của mối tình mà cụ Nam Cao đã tâm huyết dựng nên. Chứ không phải như vị giáo sư nọ giải thích rằng vì sợ học sinh cười, tán nhảm, không đem lại lợi ích gì nên cắt bỏ để tránh cảm giác tình dục. Chao ôi, vẫn là cái nhìn cổ hủ. Nói như thế tức là xem nhẹ tài văn của cụ Nam Cao; là đánh giá thấp các cháu thanh niên, là áp đặt cách nhìn, lối nghĩ của người lớn. Còn ở góc độ văn chương, làm cho học trò cảm được cái hay, cái đẹp của nó thì đấy là trách nhiệm của người thầy dạy văn. Ôi, tôi đã đi quá sâu vào chuyện bếp núc của quí vị, xin lỗi !Chi_Pheo_Thi_No2
   Tôi muốn nói lời cuối cùng, ấy là nếu tái bản, chỉ mong nhà làm sách thay vì tóm tắt thì nên in bằng chữ nhỏ những đoạn lược bỏ ấy để các cháu có cơ hội được đọc tác phẩm nguyên vẹn. Ông Chí ngày xưa vì cái xã hội ác độc mà phải chết trong tức tưởi, đau đớn đành mang nỗi uất hận xuống tuyền đài. Nếu biết câu chuyện đời mình không được kể trọn vẹn, chắc linh hồn ông ấy sẽ buồn thêm ? Còn tôi cũng đã gần đất xa trời rồi, một mai khi đi gặp ông nhà chỉ mong sao thanh thản. Trời bắt tôi dở hơi nhưng có lẽ nhờ thế mà tôi sống vô tư, chẳng biết để bụng là gì. Người vô tư thì đại thọ, bởi thế tôi mới còn đến hôm nay. Mấy mươi năm lặng lẽ nhất là từ sau vụ án mạng của ông nhà, bây giờ tôi mới lên tiếng, âu cũng là nợ đời. Đời mắc nợ chúng tôi nhưng chúng tôi cũng mắc nợ cuộc đời nhiều lắm. Hôm nay, tôi muốn thay mặt cả ông Chí nhà tôi ngỏ lời tri ân tới quí vị độc giả, các nhà nghiên cứu, các thầy cô giáo và các cháu học sinh. Họ đã thấu hiểu chúng tôi, chia sẻ, cảm thông cho những kiếp người khốn khổ:

- Dẫu rằng phải kiếp lưu manh
Nhưng anh vẫn đẹp nhân tình Chí ơi !
- Đời không ai xấu bằng em
Nhưng em lại có trái tim tình đời.

   Chí Phèo – Thị Nở mãi mãi là bạn của các bạn.

   Lời nói lẩm cẩm của một bà lão vốn dở hơi, mong quí vị đại xá.

Làng Vũ Đại ngày  tháng  năm Nhâm Thìn
Thị Nở

                                                       *

   Tôi giật mình bừng tỉnh. Chẳng thấy thị Nở ở đâu nữa, chỉ có cuốn sách giáo khoa Ngữ Văn 11 mở ra trang 149. Ngón tay trỏ của tôi đang đè lên dòng chữ: ở đó Chí Phèo đã gặp thị Nở…

   Câu chuyện trên đây tôi chép lại nguyên văn nỗi niềm tâm sự của một người đàn bà đầy duyên nợ với Chí Phèo mà tôi may mắn được gặp trong cuộc gặp nói trên. Chỉ là theo lời khẩn cầu của bà, ngõ hầu giúp quí vị hiểu thêm mối tình Chí Phèo-Thị Nở. 

Buôn Ma Thuột ngày 15-3-2012
Nguyễn Duy Xuân