Trang chủ

     

Thứ Bảy, 28 tháng 1, 2012

ĐÔI DÒNG CHIA SẺ - Thanh Công

Hoi_dong_da

   Đọc bài viết MỒNG 5 TẾT TƯỞNG NHỚ TIỀN NHÂN, NGẪM VỀ THẾ SỰ của Nguyễn Duy Xuân cảm động quá! Cảm động không phải do đề tài mới mẻ. Viết về chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa xuân Kỷ Dậu 1789 đã có hàng ngàn bài. Viết về người anh hùng áo vài Nguyễn Huệ Quang Trung nhiều vô kể. Cái hay của bài viết là biết cách lồng quá khứ với hiện tại, biết dùng quá khứ vẻ vang, hào hùng để khơi gợi niềm tự hào dân tộc và nhắn gửi cho những người đang nắm giữ vận mệnh dân tộc hôm nay.

   Ngay mở đầu bài viết: "Cứ đến mồng 5 Tết Nguyên Đán lại nhớ tiền nhân. Là ông cha ta. Là Quang Trung Nguyễn Huệ. Là những người áo vải đã làm nên lịch sử, đã bảo tồn dân tộc, giống nòi trước họa xâm lăng của ngoại bang hơn 200 năm trước mà không hề tiếc máu xương của mình", Nguyễn Duy Xuân đã sẵn sàng mắc lỗi chính tả thông thường để ba lần nhấn mạnh với độc giả hãy nhớ về "ông cha ta", nhớ về "Quang Trung Nguyễn Huệ", nhớ về "những người áo vải"; dù biết rằng ba lần nhấn mạnh ấy cũng để chỉ Quang Trung cùng đội quân bách chiến bách thắng của Ngài.

    Riêng việc đục bia, loại sách ca ngợi ông cha ta đánh Tàu là một nỗi tủi nhục khó nói. Ông cha ta trước đây, tuy có "nạp cống xưng thần" nhưng không bao giờ chịu nhường một tấc đất. Khi cần các bậc tiền nhân cũng cho chúng biết "nước Nam anh hùng có chủ". Nhiều tướng giặc chui vào ống đồng thoát thân, bị cầm tù "như hổ đói vẫy đuôi xin cứu mạng". Thậm chí lúc được tha mạng "về đến nước mà vẫn tim đập chân run", "ra đến bể mà vẫn hồn bay phách lạc"...

   Bài thơ nửa Nôm nửa Hán của Quang Trung được khắc ở Gò Đống Đa gần đến thờ bại tướng Sầm Nghi Đống như một đối trọng để nhắc nhở người Tàu khi đến viếng Sầm hãy nhớ lấy: "Nước Nam anh hùng có chủ". Ông cha ta thâm thúy thật!
Chiều 6/ 1 Nhâm Thìn
Thanh Công