Trang chủ

     

Thứ Hai, 10 tháng 10, 2011

MINH BẠCH… Khó lắm thay ! - Nguyễn Duy Xuân


Dư luận suốt cả tuần qua nóng lên xung quanh việc cô diễn viên Lý Nhã Kỳ được Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch bổ nhiệm làm Đại sứ Du lịch đầu tiên của Việt Nam.

Bổ nhiệm đại sứ du lịch là chuyện của Bộ VHTTDL sẽ chẳng có gì để nói mà trái lại vui mừng là đằng khác bởi lần đầu tiên một nữ diễn viên xinh đẹp lại được đặt vào vị trí này. Thế nhưng đây là vị trí nhạy cảm, nó phản ánh bộ mặt văn hóa đương đại của đất nước vì thế dư luận có quyền đòi hỏi người được giao trọng trách đó phải xứng tầm về văn hóa. Tôi nghĩ đó là một yêu cầu đúng đắn. Anh không thể thay mặt cho đất nước đi quảng bá văn hóa dân tộc nhằm mục đích kêu gọi phát triển du lịch VN ra thế giới một khi văn hóa của bản thân anh có vấn đề. Cho nên việc dư luận đòi hỏi phải làm rõ nhân thân, bằng cấp của vị đại sứ này là điều dễ hiểu. Theo dõi vụ việc suốt tuần qua người ta thấy rõ chính bản thân Lý Nhã Kỳ và các cơ quan thuộc Bộ VHTTDL tự làm phức tạp thêm vấn đề khi mà phát ngôn của tân đại sứ tiền hậu bất nhất còn cơ quan văn hóa thì vòng vo lẩn tránh.

Công luận cần sự trung thực của người đại diện cho cả một đất nước chứ không đòi hỏi Lý Nhã Kỳ phải có bằng đại học. Cho nên, một khi cô đã khai về lý lịch, bằng cấp thì phải trung thực. Vì sự trung thực mà cuối mỗi bản khai lý lịch chẳng phải bao giờ cũng có dòng chữ “tôi xin cam đoan…” đó sao ? Thế mà tại sao về nhân thân, cô lại tiền hậu bất nhất như thế ? Còn chuyện đơn giản như tấm bằng đại học, có thì nói có, không thì bảo rằng không, sao lại cứ chuốc lấy rắc rối cho bản thân như thế ? Thời đại thông tin số làm sao có thể che giấu mãi được. Tôi có nhờ một anh bạn làm nghề viết văn, viết báo ở CHLB Đức đã gần ba mươi năm nay xác minh giùm thì được biết không có trường Uni hay Hochschule  nào có tên Alexander Wiegand như cô Lý Nhã Kỳ khai. Duy nhất một công ty sản xuất thiết bị, đồng hồ đo áp lực mang tên WikaAlexander Wiegand. Công ty này có liên kết đào tạo bậc đại học. Do vậy công ty không có chức năng cấp chứng chỉ đại học, mà phải do trường đại học cấp. Nếu như cô Lý Nhã Kỳ tốt nghiệp trung học nghề (Fachabitur) của nhà máy, sau đó học tiếp lên đại học sẽ nhận được chứng chỉ tốt nghiệp của một trong bốn trường liên kết dưới đây:
-Hochschule Mosbach.
-Hochschule Aschaffenburg.
-Hochschule Dual.
-Fachhochschule Schweinfurt.

Vậy nếu cô Lý Nhã Kỳ có bằng đại học do một trường đại học cấp thì chỉ việc trưng ra, mọi nghi ngờ sẽ tan biến. Chứ việc gì mà phải hành sự kiểu như ông Nguyễn Văn Tình - Cục trưởng Cục hợp tác Quốc tế chống chế và lẩn tránh báo chí ? “Cây ngay không sợ chết đứng” ! Nếu mọi việc trung thực sao không dám minh bạch trước công luận ?

Xung quanh chuyện thực hư tấm bằng của Lý Nhã Kỳ, càng thấy rõ sự yếu kém và mù mờ thông tin của các cơ quan nhà nước. Nhìn ra thế giới, chúng ta vẫn chưa vượt khỏi cái tầm “ếch ngồi đáy giếng”. Xác minh một tấm bằng có khó không ? Xin thưa, không khó. Chí ít thì ở các nước chúng ta đều có đại sứ hoặc đại diện ngoại giao. Thế thì các vị làm gì khi trong nước cần xác minh thông tin về một cá nhân, tổ chức hay doanh nghiệp liên quan ở nước sở tại ? Đến một tấm bằng (có bằng giả tiến sĩ ở Mỹ nữa cơ) mà còn không xác minh nổi thì sao có thể tránh được thua thiệt trên mọi lĩnh vực khi chúng ta hợp tác với bên ngoài ?

Câu chuyện  Lý Nhã Kỳ được được bổ nhiệm làm đại sứ là câu chuyện về sự minh bạch thông tin. Dư luận không phán xét năng lực của cô bởi dư luận cũng tin cô sẽ gánh được trọng trách đó. Nhưng nếu không trung thực, không minh bạch thì liệu cô có thể hoàn thành tốt công việc của mình trong mắt mọi người ? Và biết đến bao giờ tính minh bạch được tôn trọng trong mọi ứng xử của xã hội ta ?

Thế mới biết, minh bạch… khó lắm thay !
10-10-2011
Nguyễn Duy Xuân