Chuyện những tấm bia đặt ở Đền thờ Hoàng đế Quang Trung trên núi Dũng Quyết bị đục bỏ đã gây bức xúc dư luận mấy ngày qua khi bài viết của Phạm Xuân Nguyên được công bố trên các trang mạng ngày 23-7. Hầu hết ý kiến của bạn đọc bày tỏ sự bất bình trước hành động trên, nhưng cũng có một vài phản hồi của những người có trách nhiệm biện minh cho việc làm có một không hai đó.
Trên trang PhamVietDao2.blogspot.com ngày 26-7 lại xuất hiện bài của chủ bút, nhà văn Phạm Viết Đào sau khi đến Đền thờ Quang Trung ngày 25-7 để mục sở thị với nhan đề NGHỆ AN KHÔNG ĐỤC XÓA THƠ CỦA CỤ HỒ CHÍ MINH TRÊN VĂN BIA TẠI ĐỀN THỜ QUANG TRUNG …
Theo như lí giải của ông Trưởng Ban quản lý dy tích là ông Trần Ngọc Lữ "thì nhiều du khách đến thăm đền có đặt dấu hỏi: Tại sao lại gọi Hoàng đế Quang Trung là “ kẻ “; ...
Vì chiều lòng du khách nên Ban quản lý du khách làm thêm một phiên bản mới chồng lên để xem phản ứng của du khách...
Vì thế nên đã dẫn tới sự hiểu nhầm: Nghệ An xóa thơ cụ Hồ Chí Minh viết về Quang Trung tại Đền thờ Quang Trung vừa được xây dựng trên núi Dũng Quyết…"
Và ông Đào xác nhận: Không có chuyện Nghệ An xóa thơ Cụ Hồ…
Nhìn hai tấm ảnh chụp hai tấm bia mà cái "mặt nạ" đã bị lột đi dựng bên cạnh, cùng lời giải thích của ông Lữ và kết luận của nhà văn PVĐ tôi nghĩ sao chốn linh thiêng lưu giữ di sản của hai anh hùng giải phóng dân tộc là Nguyễn Huệ và Hồ Chí Minh mà người ta lại dám diễn trò để rồi mạo phạm ông cha và coi thường nhân dân đến như vậy ?
Định bàn thêm nhưng may thay, tác giả Phạm Xuân Nguyên lại lên tiếng. Bài viết của ông đã phân tích rõ cái bản chất của sự việc.
THAY BIA LÀ CHUYỆN TO, KHÔNG THỂ LẤP LIẾM ĐƯỢC
Phạm Xuân Nguyên
1. Việc thay tấm bia khắc lời Hồ Chí Minh viết bằng văn vần về Nguyễn Huệ đặt ở đền thờ Quang Trung (Vinh – Nghệ An) là cả chuyện to. Thứ nhất, lời đã được chọn, bia đã được khắc và dựng ngay khi đền được khánh thành. Thứ hai, lời đây là của Hồ Chí Minh, lãnh tụ tối cao của Đảng Cộng Sản Việt Nam, người anh hùng dân tộc của nước Việt Nam thế kỷ XX, mà tư tưởng và đạo đức của ông đang được Đảng phát động trong đảng ngoài dân học tập và làm theo. Thứ ba, đền thờ mới được khánh thành ngày 7/5/2008, như vậy tấm bia khắc mới được ba năm. Theo thông tin tôi được biết, việc thay bia (chưa phải đục bỏ chữ trên bia mà là dùng một lớp composite dán đè lên rồi viết chữ mới vào) mới được thực hiện vào ngày 20/5/2011. Ngày 31/5/2011 tại thành phố Vinh có hội thảo “Hoàng đế Quang Trung với Phượng Hoàng – Trung Đô” do UBND TP Vinh, Viện khảo cổ học, Hội Sử học Việt Nam, Liên hiệp Khoa học Công nghệ – Tin học Ứng dụng (UIA) và Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người phối hợp tổ chức. Một chủ đề chính của hội thảo là tìm kiếm nơi mai táng hài cốt của hoàng đế Quang Trung. Nhiều nhà nghiên cứu khoa học, nhà ngoại cảm trong cả nước đã về dự hội thảo. Họ chắc chắn đã lên thăm đền thờ Quang Trung trên núi Dũng Quyết, trong số họ chắc chắn nhiều người trước đó đã từng lên đền thờ, đã biết có tấm bia khắc đoạn thơ của Hồ Chí Minh viết về Nguyễn Huệ đặt ở bên phải từ cửa vào. Nếu đúng là lớp composite phủ lên bia đã có từ ngày 20/5 thì sao họ không phát hiện ra chuyện này và lên tiếng? Mà nếu chính quyền thành phố Vinh và tỉnh Nghệ An muốn có một văn bản khác để thay thế văn bản của Hồ Chí Minh thì sao không tranh thủ cuộc hội thảo có nhiều bậc thức giả tụ hội về để hỏi ý kiến, đề xuất? Một tấm bia khắc lời lãnh tụ mới dựng ba năm đã vội vàng lấp liếm, thay thế bằng hành động dán đè lên khi chưa có quyết định, khi còn đang gọi là “thăm dò dư luận”, lại chỉ mới làm cách đây hai tháng, động thái đó có nghĩa là gì? Câu hỏi xin dành cho những người chịu trách nhiệm trước ngôi đền, trước Nguyễn Huệ, trước Hồ Chí Minh, trước nhân dân?
2. Trong những ý kiến phản hồi bài viết trước của tôi, có một số người cho biết lý do duy nhất được đưa ra ở Nghệ An để thay bia là có ai đó cho đoạn thơ của Hồ Chí Minh viết về Nguyễn Huệ nôm na, lại có chữ “kẻ” nghe không hay, không kính. Đây là một lý do vin vào hình thức bên ngoài mà thực ra là không hiểu biết gì về quan điểm nhân dân của Hồ Chí Minh.
Suốt đời ông Hồ viết và nói cốt cho dân dễ nghe, dễ hiểu, dễ làm. Nhất là khi ông mới về nước sau ba mươi năm ở nước ngoài. Tám mươi phần trăm dân chúng là nông dân, phần đông là thất học, mù chữ, muốn tuyên truyền tư tưởng cách mạng cho họ thì phải có cách nói làm sao cho họ dễ nhớ, dễ thuộc. Đặc biệt khi nơi đầu tiên tuyên truyền cho dân lại ở vùng núi. Cho nên ông Hồ đã trình bày những điều cao xa, sâu sắc bằng những ngôn từ giản dị, bằng lối nói khẩu ngữ để nhân dân thấy gần gũi, dễ hiểu. Toàn bộ bản diễn ca Lịch sử nước ta dài 208 câu lục bát ông Hồ viết năm 1941-1942 tại Cao Bằng chính là theo tinh thần ấy. Ông kể lần lượt các triều đại với công tích chính là chống giặc ngoại xâm bằng cách nêu tên người anh hùng dân tộc qua mỗi thời kỳ rồi đúc rút thành bài học. Bài học đó luôn luôn là sức mạnh đoàn kết toàn dân. Đoạn thơ ca ngợi Nguyễn Huệ là tập trung nhất, khái quát nhất cho truyền thống quý báu xuyên suốt lịch sử dân tộc đó. Câu chữ đơn giản mà chính xác, lời thơ mộc mạc mà sâu sắc, làm bật được tư tưởng lớn: Giặc Tàu dẫu hung hăng nhưng non sông nước nhà ta vẫn được dân ta giữ gìn trọn vẹn bởi dân ta biết cùng nhau một lòng và có người lãnh đạo chí cả tài cao. Một dân tộc đồng tâm nhất trí từ trên xuống dưới, từ người cầm quyền đến dân chúng, thì không một kẻ thù nào dù xảo quyệt, mạnh bạo đến đâu, có thể khuất phục. Đánh giá Nguyễn Huệ, đánh giá sức mạnh của Nguyễn Huệ và nhân dân như vậy thật là cao cả, tuyệt vời. Nhưng ở đây ông Hồ không chỉ nói về riêng về một cá nhân, một triều đại, ông khái quát bài học chung, ông rút ra tư tưởng lớn cho cả một trường kỳ lịch sử chống giặc phương Bắc của dân tộc Việt Nam. Chọn đoạn thơ này khắc vào bia đặt ở đền thờ Quang Trung, theo tôi, mới thật là đích đáng.
Còn nói đoạn thơ của Hồ Chí Minh là “nôm na” thì chính sự nôm na đó lại phù hợp nhất với tinh thần, phong thái của “người anh hùng áo vải”. Nguyễn Huệ là người chân thật, mộc mạc trong lời ăn tiếng nói của mình, theo như các sử liệu để lại cho biết. Con người phi thường với thiên tài quân sự lỗi lạc khác lạ đó viết hịch đánh quân Thanh pha trộn cả lời Nôm và lời Hán “đánh cho để dài tóc / đánh cho để đen răng / đánh cho nó chích luân bất phản / đánh cho nó phiến giáp bất hoàn / đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”. Chính Nguyễn Huệ khi lên ngôi hoàng đế đã có những quyết sách trong văn hóa và giáo dục để đưa chữ Nôm trước nay còn bị xem thường (“nôm na là cha mách qué”) lên địa vị chữ viết chính thức của nước nhà, khi lần đầu tiên trong lịch sử nhà nước phong kiến Việt Nam dưới thời ông chữ Nôm được đưa vào thi cử. Khi dân làng Văn Chương (Hà Nội) làm đơn đề nghị cho dựng lại những tấm bia Văn Miếu bị đổ do các trận binh đao, Nguyễn Huệ-Quang Trung đã phê vào đơn bằng hai câu nôm tuyệt vời: “Nay mai dựng lại nước nhà / Bia nghè lại dựng trên tòa nhân gian”. Tôi nhắc lại mấy sự kiện mà ai đọc sử cũng biết để thấy rằng đoạn thơ của người anh hùng dân tộc thế kỷ XX là có sự tương thông tinh thần xuyên lịch sử với người anh hùng dân tộc thế kỷ XVIII được nói đến. Vì vậy, khắc ghi những câu ca có vẻ như “nôm na” của Hồ Chí Minh tại đền thờ Quang Trung lại có thêm ý nghĩa nhắc nhở cháu con về một phương diện văn hóa đầy ý thức dân tộc của vị hoàng đế phi thường này.
Trong 208 câu của bản diễn ca lịch sử, ông Hồ ba lần dùng chữ “kẻ”. Đầu tiên là với ông vua sáng lập nhà Lý: “Công Uẩn là kẻ phi thường”. Y như câu cho Nguyễn Huệ. Ông Hồ chỉ dùng chữ “phi thường” cho hai nhân vật lịch sử này vì quả là họ phi thường thật: Lý Công Uẩn là người có nhãn quan chính trị lớn nên đã dời đô từ rừng núi về đồng bằng, mở đầu thời đại phát triển độc lập của quốc gia Đại Việt; Nguyễn Huệ là người có thiên tài quân sự đột biến trong lịch sử Việt Nam, đánh nhanh thắng nhanh, thần tốc, táo bạo. Nói vậy để thấy ông Hồ dùng chữ “kẻ” ở đây không hề là khinh xuất. Trước khi nói về Nguyễn Huệ, từ “kẻ” lại được ông Hồ dùng để chỉ cả ba anh em nhà Tây Sơn: “Nguyễn Nam, Trịnh Bắc đánh nhau / Thấy dân cực khổ mà đau đớn lòng / Dân gian có kẻ anh hùng / Anh em Nguyễn Nhạc nổi vùng Tây Sơn”. Chữ “kẻ”, như thế, dưới ngòi bút của Hồ Chí Minh không hề là xách mé, tầm thường, mang nghĩa coi nhẹ nhân vật. Ngược lại, nó chỉ người đáng trọng, đáng kính. Như trong tên gọi “ kẻ sĩ”. Như trong tục ngữ ai cũng biết: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Hay trong câu đối truyền miệng: “Bác là kẻ cả trong làng / Tôi là người sang ở nước”. Lại cũng ở bản diễn ca có câu “Mấy năm ra sức Cần Vương / Bọn ông Tán Thuật nổi đường Hưng Yên” khi ông Hồ viết về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy chống Pháp. Nếu vin vào bốn chữ “bọn ông Tán Thuật” để nói ông Hồ là “thất lễ” với tiền nhân thì quả đọc chữ không vỡ chữ.
3. Một phản hồi có dẫn ra công văn nói về việc tổ chức thi tuyển và thực hiện văn bia đền thờ Vua Quang Trung. Công văn này do UBND thành phố Vinh và Hội đồng thi tuyển và thực hiện văn bia đền thờ Vua Quang Trung đưa ra, được chủ tịch UBND thành phố là Nguyễn Hoài An ký. Theo như thời gian nhận bài thi được nêu trong công văn là từ 11/7/2008 đến 10/8/2008 và theo câu viết trong phần “Mục đích” cuộc thi rằng “Trên cơ sở nội dung đã được lựa chọn, phê duyệt, tiến hành xây dựng lại công trình văn bia xứng tầm với quy mô của công trình.” (mấy chữ in nghiêng của tôi – PXN) thì biết được là cuộc thi này nhằm để thay bia – thay hai tấm bia đã được dựng lên từ đầu ở đền thờ. Xin nhắc lại là đền thờ Quang Trung ở Vinh mới được khánh thành ngày 7/5/2008. Như vậy, vừa khánh thành đền thờ xong thì đã thay bia. Tại sao lại thế? Có phải đoạn thơ của Hồ Chí Minh được chọn và được khắc từ đầu là sai lầm? là không “xứng tầm với quy mô của công trình”? Mà thời gian nhận bài thi chỉ trong vòng một tháng, lại là thi văn bia – một thể loại cổ văn ngày nay ít người am hiểu và viết được, thì mong thu được cái gì? Rốt lại thì cái công văn này, theo người phản hồi cho biết, không phải là chính thức, mà chỉ là “bản dự thảo công văn, được gửi tới qua mail cho một số người được hỏi ý kiến trước.” Nếu như đây là có thật, thì nội một việc đó thôi đã cho thấy sự không nghiêm túc của những người lập bia, dựng bia, bỏ bia, và thay bia!
4. Tôi đang viết bài này thì nhận được mấy cú điện bảo vào trang blog Phạm Viết Đào đọc đi. Tôi vào thấy bài “Nghệ An không đục xóa thơ của cụ Hồ Chí Minh trên văn bia tại đền thờ Quang Trung”. Ông Đào viết: “Ông Trần Ngọc Lữ (trưởng ban quản lý di tích) đã đưa tôi ra tấm bia để giải trình về chuyện này. Theo ông Lữ thì nhiều du khách đến thăm đền có đặt dấu hỏi: Tại sao lại gọi Hoàng đế Quang Trung là “kẻ; đây là bài thơ Cụ Hồ viết trước 1945, từ “kẻ“ không mang ý nghĩa miệt thị vì Hà Nội còn được gọi là “kẻ chợ“… Vì chiều lòng du khách nên Ban quản lý du khách làm thêm một phiên bản mới chồng lên để xem phản ứng của du khách… Vì thế nên đã dẫn tới sự hiểu nhầm: Nghệ An xóa thơ cụ Hồ Chí Minh viết về Quang Trung tại Đền thờ Quang Trung vừa được xây dựng trên núi Dũng Quyết…” Hình như ông bí thư tỉnh ủy Nghệ An cũng vừa tuyên bố như ông trưởng ban quản lý di tích này, nếu đọc trên một blog khác. Lạ thật. Lấy bản mới dán chồng lên bản cũ, che lấp bản cũ, không cho ai đọc được bản cũ, như vậy không gọi là xóa thì gọi là gì? Đâu phải đục bỏ bia thì mới coi là xóa bỏ. (Ở Hà Nội, tấm bia tưởng niệm Alexandre de Rhohdes ở đền Bà Kiệu trước đây cũng bị cất bỏ lâu nay trong kho, không được đem ra dựng ở đâu, thì như thế cũng coi như là xóa bỏ những lời ghi trên bia về công lao của vị giáo sĩ này đối với chữ quốc ngữ nước ta). Nói “chiều lòng du khách” thì là chiều lòng ai, khi những khách thắc mắc là đã có đọc tấm bia khắc lời ông Hồ, còn những khách đến sau thì sao, khi họ đã bị bịt mắt trước những lời ông Hồ nói về Nguyễn Huệ bởi lớp dán chồng lên đó? Rồi những khách thăm cũ, như tôi chẳng hạn, bây giờ trở lại đền thờ, muốn coi lại tấm bia có khắc đoạn thơ ông Hồ viết về Nguyễn Huệ mà mình đã biết (cũng là một dạng “thắc mắc” đấy, khi thấy bia bị dán đè lên) thì ban quản lý có “chiều lòng du khách” là tôi để lột bỏ lớp dán mới đi cho tôi được xem tấm bia cũ hay không? Nhưng điều nghiêm trọng ở đây là: Ở chốn đền thờ trang nghiêm, trên một tấm bia uy nghi, khắc ghi lời lãnh tụ, tại một khu di tích lịch sử cấp quốc gia, ai đã dám quyết định cho phép làm cái việc tày đình là dán đè, phủ lấp bài văn bia đang hiện có, mà chỉ với lý do “chiều lòng du khách”? Luật Di sản văn hóa có cho phép vậy không? Rồi nếu sau một thời gian thấy văn bản mới không hợp, không được du khách đồng tình, thì người ta lại thản nhiên bóc lớp dán ra, để lại phơi ra bản văn bia cũ, tức là đoạn thơ của Hồ Chí Minh, hay sao? Thật tùy tiện và cẩu thả hết chỗ nói. Dán một tờ thông cáo này đè lên một tờ thông cáo khác trên bản tin còn phải thận trọng, cân nhắc, huống chi đây là cả một tấm bia đá lớn, một tấm bia đá khắc ghi những lời đánh giá lịch sử của một vĩ nhân về một vĩ nhân. Như vậy, hành động dán đè lên bia còn tệ hại và nguy hiểm hơn đục bỏ bia. Tôi coi đó là hành động bịt miệng Hồ Chí Minh! Mà lý do vì sao thì tôi đã nói ở bài trước.
5. Yếu tố Tàu trong chuyện này là không thể loại bỏ. Nhất là trong thời điểm hiện tại. Nếu không vì mấy chữ gọi nước láng giềng là Tàu, lại thêm những lời ca ngợi chiến công đánh Tàu của dân ta dưới tài thao lược của Nguyễn Huệ thì tôi dám chắc đoạn thơ của Hồ Chí Minh đã không bị xét nét đến nỗi đành chịu che phủ, dán đè. Nghĩ cũng là ghê. Những ý chê đoạn thơ không nói được công lao thống nhất đất nước của Nguyễn Huệ, hay chỉ nói giặc Tàu mà không nói giặc Xiêm, rõ ra là của người không chịu tìm hiểu lịch sử nước nhà. Xiêm chưa bao giờ là kẻ thù thường trực, nguy hiểm của nước ta. Tàu mới là mối nguy cơ chính. Công lao thống nhất đất nước, định vị một Việt Nam lãnh thổ và chủ quyền như ngày nay, là công của Nguyễn Ánh trên cái “mặt bằng” đã được Nguyễn Huệ dọn dẹp. Đó là sự thật lịch sử. Yếu tố Tàu trong chuyện này cho thấy sự nhạy cảm chính trị của những người có trách nhiệm ở Nghệ An là vừa có vừa không. Không là đối với nhân dân trong nước, họ dư biết rằng việc che lấp lời Hồ Chí Minh tại đền thờ Quang Trung một cách hấp tấp, tùy tiện vào thời điểm như hiện nay là động đến cả ý thức dân tộc và lòng yêu nước của dân ta, vậy mà họ vẫn làm ngang nhiên, đặt toàn dân trước việc đã rồi. Có là đối với ai đó bên ngoài, họ sợ những phản ứng của cái nơi được gọi thẳng tên trong bài văn bia. Mọi người có quyền suy luận và nghĩ như vậy trước thực tế những gì đã xảy ra quanh tấm bia mang lời Hồ Chí Minh nói về Nguyễn Huệ tại đền thờ Quang Trung trên núi Dũng Quyết (Vinh – Nghệ An).
Tóm lại, thay bia là chuyện to, không thể lấp liếm được. Chỉ nêu câu hỏi chót: Nghệ An không xóa thơ Hồ Chí Minh trên bia, vậy khi nào Nghệ An bóc tấm dán đi để thơ Hồ Chí Minh lại hiện ra trên bia trước mắt mọi người? Hay rồi đây dựng tấm bia mới, còn tấm bia có lời ông Hồ sẽ bị đưa vào kho để chìm trong bóng tối mãi mãi, hoặc tệ hơn sẽ bị đục bỏ một cách âm thầm, và như thế là hoàn tất một quá trình dựng bia và phá bia mang ngôn từ và tư tưởng Hồ Chí Minh?
Hà Nội 26.7.2011
PXN, nguồn TN.com
PXN, nguồn TN.com