Trang chủ

     

Thứ Tư, 27 tháng 7, 2011

Chắt chắt quê mình - Nguyễn Duy Xuân


Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo bên bờ sông Lam. Ngày còn nhỏ, vào cữ tháng tư tháng năm, mẹ tôi đi chợ về ngoài những thứ quà quê thì trong cái mủng mẹ bưng trệ hông thế nào cũng có đùm ruột hến hoặc chắt chắt (người làng còn gọi là giắt giắt) kèm theo chai nước luộc đục như nước gạo. Bữa cơm trưa hôm đó cả nhà được thưởng thức món canh hến nấu cà mà cho đến bây giờ mỗi lần nhắc đến tôi vẫn còn cảm được cái hương vị quê hương của nó:
Nhớ cơm canh hến quê nhà
Trưa hè mẹ nấu đậm đà hồn quê
Hai mươi mấy năm sau, tôi thành con rể đất sông Gianh. Quê vợ ở làng Lệ Sơn bên bờ nam dòng sông huyền thoại. Mỗi lần nghỉ hè về thăm quê lại được mẹ vợ đãi khách “rể” quí món ăn chế biến từ cái con vật nhỏ li ti quen thuộc ở quê mình: chắt chắt. Có ăn mới biết. Chắt chắt sông Gianh quả là ngon thiệt. Thật khó tả cái cảm giác nó đem lại cho thực khách. Ngòn ngọt, thơm thơm, bùi bùi, mát lịm. Đó là hương vị của quê hương được tạo hóa chắt ra từ đất, từ nước, từ khí trời của xứ sở để làm nên cái nét riêng độc đáo không nơi nào có được.

Hằng năm vào khoảng cuối tháng 2 đầu tháng 3 âm lịch, sau những cơn mưa giông, nước ngọt đầu nguồn đổ về, đến quãng sông thuộc các xã Phù Hoá, Cảnh Hóa, Văn Hóa, dòng nước ấy hòa trộn vào làn nước lợ từ dưới cửa biển dâng lên. Nhà văn Nguyễn Quang Vinh trong một bài viết đã mô tả cuộc tơ duyên ấy của đất trời, sông nước:

“Khí trời se lạnh, không gian khoáng đạt, hai làn nước trai tráng và nữ nhi ấy chảy oà vào nhau, tan trong nhau, nồng nhiệt trong nhau như một cuộc hoan lạc vĩ đại của dòng sông, để rồi sinh ra hàng triệu hàng triệu những sợi tơ bé nhỏ, trong suốt, giăng dít dưới đáy sông như là sự thai nghén tự nhiên sau cuộc tình hai làn nước và chỉ sau đó ít lâu, không quá một mùa trăng, những sợi tơ ấy chuyển hoá thành những con hến bé tí, nằm phủ dày dưới đáy sông, tạo nên một lớp “chắt chắt” và mời gọi dân trong vùng vào mùa thu hoạch.”

Còn nhớ sáng hè nào, khi mặt trời lấp ló đầu ngọn tre đã thấy bà cụ chợ về, rổ chắt chắt trĩu nặng bên hông. Tôi lăng xăng giúp mẹ mang chắt chắt ra bến sông Gianh sau nhà rửa sạch rồi bắc lên bếp luộc. Xong, vợ tôi lại mang ra bến đảm nhận phần việc tỉ mẩn mà chỉ có phụ nữ mới làm được: đãi chắt chắt. Cả một rổ đầy là thế mà khi đãi xong, phần thịt li ti của hàng vạn con chắt chắt ấy chỉ đủ đầy một tô sành nhỏ.

Thịt chắt chắt xào với mỡ cho chín, thêm thật nhiều ớt, lá lốt, hành, tiêu. Thêm mấy cái bánh đa, một cút rượu đế thế là đã có một bữa ăn đãi khách, đậm đà hương vị quê hương. Canh chắt chắt nấu với rau muống, rau dền thái nhỏ hoặc với mít non là món ăn dân dã mà khó quên. Trưa hè nóng nực, húp bát canh ấy cảm thấy cái vị ngọt, thơm, mát của nó như lan tỏa khắp cơ thể.

Mỗi lần hiếm hoi về quê, tôi chẳng ao ước gì hơn là được xuống tắm sông Gianh và ăn cơm canh chắt chắt. Mẹ vợ tôi đã thành người thiên cổ, món ngon ấy bây giờ trao lại cho  chị vợ ở trên Đức Hóa, cũng nấu ngon không kém người mẹ quá cố của mình. Tháng Bảy năm ngoái, vợ chồng tôi về thăm quê đúng dịp kỉ niệm 540 năm cụ tộc trưởng họ Lê đến khai canh làng Lệ Sơn. Tan lễ, ghé thăm nhà mệ Minh tình cờ lại được thưởng thức món chắt chắt quê nhà. Hai bà chị họ, chị Thủy, chị Thạch quả là khéo tay, đã cho tôi sống lại cái cảm giác khắc sâu trong tâm trí mình về một món ngon xứ sở. Chia tay mọi người giữa cái nắng gay gắt tháng Bảy mà hương vị chắt chắt còn theo mãi suốt chặng đường dài trở lại đất Tây Nguyên.
20-7-2011
Nguyễn Duy Xuân
Bữa cơm chắt chắt tại quê nhà 7-2010: