Trang chủ

     

Thứ Bảy, 12 tháng 6, 2010

NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU - Ngôi sao sáng trong văn nghệ dân tộc

I. Giới thiệu tác giả, tác phẩm:
1.Tác giả
- Phạm Văn Đồng (1906 – 2000), quê xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, tham gia cách mạng rất sớm, từng bị tù đày. Ông là nhà hoạt động cách mạng xuất sắc(đặc biệt trong lĩnh vực chính trị, ngoại giao).
- Phạm Văn Đồng, không chỉ là nhà hoạt động chính trị, ông còn là một nhà giáo dục tâm huyết và một nhà lí luận văn hoá văn nghệ lớn, có những đóng góp to lớn về lĩnh vực văn hoá nghệ thuật góp phần vào sự phát triển của nền văn học n¬ước nhà.
*Tác phẩm tiêu biểu: “ Tổ quốc ta, nhân dân ta và người nghệ sĩ”. Trong tác phẩm này có bài viết về: Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Chí Minh. Và các bài: Hiểu biết, khám phá và sáng tạo để phục vụ tổ quốc và chủ nghĩa xã hội(1968), Tiếng Việt một công cụ cực kì lợi hại trong công cuộc cách mạng tư tưởng, văn hóa( 1979)…
2. Tác phẩm
a.Hoàn cảnh ra đời
- Bài Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc được viết nhân kỉ niệm 75 năm ngày mất của NĐC(3/7/1888 - 3/7/1963), đăng trong tạp chí văn học số 7-1963.
- Từ đầu những năm 60 của TK XX, Mĩ bắt đầu can thiệp sâu hơn vào Việt Nam. Trước tình hình đó hàng loạt các phong trào đấu tranh chống Mĩ của nhân dân nổi lên, tiêu biểu là Đồng Khởi Bến Tre. Năm 1963 tình hình miền Nam có những biến động lớn. Mĩ thay đổi chiến thuật từ chiến tranh Đặc biệt sang chiến tranh Cục bộ và đưa 16.000 quân vào miền Nam, phong trào đấu tranh rầm rộ của học sinh, sinh viên ở thành thị kết hợp với nông dân các vùng lân cận; Một số nhà sư tự thiêu để phản đối Mĩ.
- Mục đích của PVĐ viết bài tiểu luận này là để tưởng nhớ Nguyễn Đình Chiểu; định hướng, điều chỉnh cách nhìn nhận, đánh giá về Nguyễn Đình Chiểu và thơ văn của ông; đồng thời khơi dậy tinh thần yêu nước trong thời đại chống Mĩ cứu nước.
b. Bố cục: 3 phần:
- Nêu vấn đề: Từ đầu đến “đặt chân lên đất nước ta”: Cách nhìn nhận và đánh giá về Nguyễn Đình Chiểu, nhà thơ lớn của dân tộc.
- Giải quyết vấn đề: Tiếp theo đến “còn vì văn hay của Lục Vân Tiên”. Tác giả nêu và giải quyết 3 luận điểm:
+ Luận điểm 1: Cuộc đời, con người và quan niệm sáng tác thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu.
+ Luận điểm 2: Thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu - tấm gương phản chiếu phong trào chống Pháp oanh liệt và bền bỉ của nhân dân Nam Bộ.
+ Luận điểm 3: Lục Vân Tiên, tác phẩm lớn nhất của Nguyễn Đình Chiểu, có ảnh hưởng sâu rộng trong dân gian, nhất là ở miền Nam.
- Kết thúc vấn đề: Phần còn lại: Cuộc đời và sự nghiệp thơ văn Nguyễn Đình Chiểu - tấm gương sáng của mọi thời đại.
II. Phân tích
1. Nêu vấn đề:
     Cách nhìn nhận và đánh giá về Nguyễn Đình Chiểu, nhà thơ lớn của dân tộc.
     Trong số những bài viết ra đời nhân dịp kỉ niệm 75 năm ngày mất của Nguyễn Đình Chiểu, tiểu luận Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc của Phạm Văn Đồng có một vị trí khá đặc biệt, do cách đặt vấn đề và khả năng gợi mở hướng nghiên cứu mới của nó. Tác giả đã vào đề bằng cách nêu vấn đề trực tiếp và lí giải nguyên nhân với cách so sánh cụ thể, giàu tính hình tượng. Đó cũng là cách đặt vấn đề khoa học, sâu sắc vừa khẳng định được vị trí của Nguyễn Đình Chiểu vừa định hướng tìm hiểu thơ văn Nguyễn Đình Chiểu. Qua đó chúng ta hiểu rằng sự nghiệp văn học của Nguyễn Đình Chiểu còn chưa được đánh giá một cách toàn diện, và thơ văn yêu nước của ông còn chưa được chú ý nghiên cứu cho đúng với tầm mà nó có. Thêm nữa, trong lúc công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà đang đòi hỏi việc khơi dậy lòng yêu nước và ý chí chiến đấu trong toàn dân, đồng thời yêu cầu xây dựng một nền văn nghệ mới phục vụ sự nghiệp cách mạng của dân tộc đang được đặt ra trên một tầm mức mới, thì việc khai thác nội dung yêu nước trong thơ văn Nguyễn Đình Chiểu càng có một ý nghĩa hết sức quan trọng.
     Tác giả đánh giá, so sánh Nguyễn Đình Chiểu là ngôi sao có ánh sáng khác thường: ánh sáng đẹp nhưng chưa quen nhìn nên khó thấy. Phải chăm chú nhìn tức là phải dày công nghiên cứu thì mới thấy và càng nhìn càng thấy sáng.Từ đó rút ra luận đề: Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ yêu nước mà các tác phẩm của ông là những trang bất hủ ca ngợi cuộc chiến đấu oanh liệt của nhân dân ta, một tác giả cần được nghiên cứu đề cao hơn nữa.
2. Giải quyết vấn đề:
a. Luận điểm 1: Cuộc đời, con người và quan niệm sáng tác thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu.
     Ở luận điểm này, tác giả đã không viết lại tiểu sử Nguyễn Đình Chiểu mà chỉ nhấn mạnh đến khí tiết của một người chiến sĩ yêu nước, trọn đời phấn đấu hi sinh vì nghĩa lớn của ông.
     Điều được tác giả nêu ra để ca ngợi trước tiên trong thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu chưa phải là các tác phẩm cụ thể, mà là quan niệm của ông về sáng tác văn chương: “Thơ văn NĐC là thơ văn chiến đấu, đánh thẳng vào giặc ngoại xâm và tôi tớ của chúng.”Ở Nguyễn Đình Chiểu, quan niệm về văn chương hoàn toàn thống nhất với quan niệm về lẽ làm người, “văn tức là người”, văn thơ phải là vũ khí chiến đấu của con người như ông đã nói:“Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm, đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”
b. Luận điểm 2: Thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu - tấm gương phản chiếu phong trào chống Pháp oanh liệt và bền bỉ của nhân dân Nam Bộ.
     Phạm Văn Đồng đã đặt các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu trên cái nền của hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ. Bởi, nhà văn chỉ thực sự lớn khi tác phẩm của họ phản ánh một cách trung thành những đặc điểm bản chất của một giai đoạn lịch sử có ý nghĩa trọng đại đối với đời sống của đất nước, nhân dân. Nguyễn Đình Chiểu xứng đáng là ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc vì, trước hết, thơ văn của ông đã làm sống lại phong trào kháng Pháp bền bỉ và oanh liệt của nhân dân Nam Bộ từ 1860 trở về sau.
     Tác giả gọi đấy là một thời khổ nhục, nhưng vĩ đại. Vì thế, sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu, tấm gương phản chiếu một thời đại như thế, tất yếu phải là lời ngợi ca những chiến sĩ dũng cảm, đồng thời cũng là lời than khóc cho những anh hùng thất thế đã bỏ mình trong cuộc chiến đấu vì nước, vì dân.
     Phạm Văn Đồng, trong bài viết của mình, cho thấy: Tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu lớn lao bởi sức cổ vũ mạnh mẽ cho cuộc chiến đấu chống thực dân, bằng cách làm cho lòng người rung động trước những hình tượng sinh động và não nùng của những con người suốt đời tận trung với nước, trọn nghĩa với dân, giữ vẹn khí phách hiên ngang cho dù chiến bại.
     Mặt khác, bản chất của văn chương là sáng tạo. Văn chương đóng góp cho cuộc đời bằng những cái độc đáo, cái riêng, chưa từng thấy ở các tác phẩm trước đó, hay cùng thời ấy. Đó là lí do khiến Phạm Văn Đồng, ở phần này, nói nhiều đến những bài văn tế của NĐC, đặc biệt là bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc với giọng điệu hào hứng nhất. Văn tế NSCG là khúc ca của người anh hùng thất thế nhưng vẫn hiên ngang. Phải tới bài văn tế đó, người đọc mới bắt gặp một hình tượng trung tâm mà văn chương cho đến lúc ấy còn chưa có: người chiến sĩ xuất thân từ nông dân, vốn chỉ quen cày cuốc, bỗng chốc trở thành người anh hùng cứu nước.
PVĐ còn liên tưởng, so sánh VTNSCG với Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi nhằm khẳng định giá trị to lớn của bài văn tế này, bởi nó đã ghi lại một giai đoạn lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc và xây dựng được một hình tượng độc đáo: người nông dân-nghĩa sĩ.
     Thơ văn yêu nước của NĐC không chỉ có sức nặng đấu tranh mà còn đẹp ở hình thức, có những đoá hoa đẹp, hòn ngọc đẹp như bài Xúc cảnh mà tác giả đã dẫn(“Hoa cỏ...đội trời chung.”). Nhắc đến một số nhà văn, nhà thơ cùng thời ở Nam Bộ lúc bấy giờ, PVĐ tiếp tục khẳng định: NĐC là lá cờ đầu, là ngôi sao sáng nhất trong bầu trời văn nghệ của nước ta lúc đó và cả trong lúc này.
     Phạm Văn Đồng hiểu rất rõ rằng, tác phẩm văn chương lớn chỉ có thể sinh ra từ những tâm hồn lớn. Vì thế, khi nói đến thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu, tác giả luôn chú ý làm cho người đọc nhận ra rằng, những câu văn, vần thơ đó chính là bầu nhiệt huyết của nhà thơ trào ra thành chữ nghĩa: “Ngòi bút, nghĩa là tâm hồn trung nghĩa của Nguyễn Đình Chiểu.”
     Có thể vì thế mà tác giả không cho phép mình được nói về Nguyễn Đình Chiểu và thơ văn của ông một cách vô tình. Bài văn đã được làm nên không chỉ bằng một trí tuệ sáng suốt, sâu sắc mà còn bằng một tình cảm đang trong trạng thái xúc động mạnh mẽ khác thường. Sự kết hợp giữa con tim và khối óc đã khiến tác giả viết được những câu văn vào hàng hay nhất, làm rung động lòng người nhiều nhất, khi bàn về tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu nói chung và bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc nói riêng.
     Nhưng Phạm Văn Đồng đã không viết về Nguyễn Đình Chiểu với nỗi tiếc thương của một người hoài cổ. Tác giả luôn nhìn người xưa từ hôm nay (những năm 60 trong thế kỉ XX), vì cuộc sống của hôm nay. Chính vì thế mà con người đang sống hết mình giữa trung tâm của cuộc chiến đấu hào hùng, tất thắng chống đế quốc xâm lược lại có điều kiện để thông cảm hơn với một con người cũng đang sống hết mình trong công cuộc chống thực dân oanh liệt mà đau thương thuở ban đầu; đồng thời, hiểu thấu hơn những giá trị đã khiến cho Nguyễn Đình Chiểu trở thành ngôi sao càng nhìn càng thấy sáng.
c) Luận điểm 3 :Truyện Lục Vân Tiên - tác phẩm lớn nhất của Nguyễn Đình Chiểu, có ảnh hưởng sâu rộng trong dân gian, nhất là ở miền Nam.
     Phạm Văn Đồng cho thấy, Truyện Lục Vân Tiên là một bản trường ca ca ngợi chính nghĩa, những đạo đức đáng quý trọng ở đời, ca ngợi những người trung nghĩa!
     Đó là điều chúng ta phải hiểu đúng, để có thể thấy hết giá trị của tác phẩm rất lớn này.
     Tác giả không phủ nhận những sự thật như: “Những giá trị luân lí mà Nguyễn Đình Chiểu ca ngợi, ở thời đại chúng ta, theo quan điểm của chúng ta thì có phần đã lỗi thời”, hay “văn chương của Lục Vân Tiên” có những chỗ “lời văn không hay lắm”. Sự thừa nhận này cho thấy tác giả là người luôn giữ được sự trung thực và công bằng trong khi nghị luận.
     Song không vì sự thừa nhận ấy mà giá trị của Truyện Lục Vân Tiên bị hạ thấp đi. Bằng những chứng cớ xác thực, Phạm Văn Đồng đã chỉ ra rằng, đó là những hạn chế không thể tránh khỏi và không phải là cơ bản nhất. Truyện Lục Vân Tiên vẫn là tác phẩm lớn của Nguyễn Đình Chiểu, bởi cuốn truyện thơ ấy mang những nội dung tư tưởng, đạo đức gần gũi với quần chúng nhân dân, cả thời xưa lẫn thời nay, và do đó, được họ cảm xúc và thích thú. Truyện Lục Vân Tiên lại có một lối kể chuyện, nói chuyện nôm na, dễ hiểu, dễ nhớ, có thể truyền bá trong dân gian. Có thể coi đây là một ví dụ tiêu biểu của cách lập luận thường được gọi là đòn bẩy; ở đó, người lập luận bắt đầu bằng sự hạ xuống, nhưng đó là sự hạ xuống để nâng lên - một cách lập luận có sức thuyết phục sâu sắc.
     Tóm lại: Phạm Văn Đồng đã xem xét giá trị của Truyện Lục Vân Tiên trong mối liên hệ mật thiết với đời sống của nhân dân. Truyện Lục Vân Tiên có giá trị bởi công trình nghệ thuật đó, về cả nội dung tư tưởng lẫn hình thức nghệ thuật, đều thân thuộc với đông đảo nhân dân, được nhân dân chấp nhận và yêu mến. Đó là cơ sở đúng đắn và quan trọng nhất để đánh giá tác phẩm Truyện Lục Vân Tiên (và không chỉ với riêng tác phẩm Truyện Lục Vân Tiên).
3. Kết thúc vấn đề:
     Cuộc đời và sự nghiệp thơ văn Nguyễn Đình Chiểu - tấm gương sáng của mọi thời đại.
- Khẳng định vị trí của NĐC trong lịch sử VH, trong đời sống tâm hồn dân tộc và trong cuộc kháng chiến chống Mĩ; nêu cao địa vị và tác dụng của văn học, nghệ thuật, nêu cao sứ mạng của người chiến sĩ trên mặt trận văn hoá tư tưởng.
- Tỏ niềm tưởng nhớ thành kính đối với một chí sĩ yêu nước, một nhà thơ lớn của dân tộc.
     Cách kết thúc của tác giả vừa có tác dụng khắc sâu, vừa có thể đi vào lòng người niềm xúc cảm thiết tha.
4. Kết luận:
     Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc quả là một bài nghị luận văn học có giá trị. Tác phẩm thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa lí lẽ xác đáng và tình cảm chân thành; lập luận chặt chẽ, khoa học, luận cứ và luận chứng xác đáng. Bố cục mạch lạc, ngôn ngữ trong sáng, rõ ràng. Tác phẩm đánh giá đúng đắn và khoa học về tác gia văn học Nguyễn Đình Chiểu trong văn học yêu nước của dân tộc đồng thời bày tỏ được thái độ trân trọng và cảm phục của tác giả đối với tâm gương sáng nhà văn–chiến sĩ Nguyễn Đình Chiểu. Ngoài việc chứa đựng những khám phá đáng trân trọng đối với thơ văn Nguyễn Đình Chiểu, tác phẩm còn mang tính chất của một lời kêu gọi hướng tới tầng lớp văn nghệ sĩ, khơi dậy ở họ tinh thần yêu nước và sức mạnh của văn nghệ, mong họ hết lòng đem ngòi bút của mình phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Đặc biệt, nó cũng đặt nền tảng cho việc xác lập một quan điểm đánh giá đúng đắn đối với các hiện tượng văn học của quá khứ. Bài viết thực sự đã kết tinh được những ưu điểm thường thấy của văn nghị luận Phạm Văn Đồng: chứa chan nhiệt huyết đối với các vấn đề lớn của đất nước; lí trí và tình cảm quyện chặt vào nhau trong mỗi dòng văn; tạo được sự cân bằng giữa những đề xuất thiết thực và những gợi mở về một con đường đi tới các đích xa...
NDX