Trang chủ

     

Thứ Năm, 20 tháng 5, 2010

MỘT CÁCH HỌC BÁC


     Trên Tuần vietnam.net ngày 19/05/2010 đăng bài Chủ tịch Hồ Chí Minh và người học trò Võ Văn Kiệt của tác giả Nguyễn Trung. Bài viết thật sâu sắc, cho ta một cái nhìn khác về cách học Bác của ông Võ Văn Kiệt: học Bác ở tư duy hành động, tư duy sáng tạo chứ không phải theo kiểu tầm chương trích cú, thuyết lí dài dòng, phát động rầm rầm nhưng rốt cuộc chẳng vận dụng vào cuộc sống, vào công việc mà Đảng và nhân dân giao phó cho mình. Tôi thật sự khâm phục ông Võ Văn Kiệt, con người của công việc, dám nghĩ dám làm. Có hiểu Bác sâu sắc thì mới học và làm theo Bác. Võ Văn Kiệt là con người như thế.
     Xin trích giới thiệu bài viết của Nguyễn Trung:

     Tôi nhớ lại đấy là những lúc Anh yêu cầu chúng tôi tìm mọi lý lẽ và chuẩn bị mọi việc để trình bầy với Bộ Chính trị quyết định những việc hệ trọng: sớm bình thường hóa quan hệ với Mỹ, gia nhập ASEAN, gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)... Trong bối cảnh lúc bấy giờ, cần nói thẳng thắn là phía ta có "hội chứng Mỹ" rất nặng, rất lo ngại "diễn biến hòa bình", đầy nghi ngờ sự thao túng của các nước lớn đối với WTO, lo mở cửa nền kinh tế chế độ chính trị của đất nước sẽ bị uy hiếp, vân vân...
     Khổ một nỗi hồi ấy lực cản đối với những quyết định hệ trọng như thế rất lớn! Gần như là một lẽ tự nhiên! Kể cả trong hàng ngũ trí thức nữa, chứ không phải chỉ trong những cán bộ chính trị! Hiểu rõ lịch sử vô cùng gian truân đất nước đã trải qua, sẽ hiểu được sự giằng co quyết liệt này để quyết định cho đất nước những bước đi tất yếu như vậy!
     Tôi không muốn tôn sùng vai trò cá nhân, nhưng nhìn lại lịch sử thì cần công bằng. Trong sự hiểu biết của mình, tôi dám cả quyết cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, kể cả sau này với tư cách Cố vấn, thực sự là người tiên phong của những người đi tiên phong trong lựa chọn những quyết định thay đổi hẳn cục diện đất nước như vừa trình bầy trên.
     Trong những năm tháng ấy, tâm sự với chúng tôi, Anh Sáu cho biết, Anh luôn luôn nghĩ đến những quyết định và việc làm của Bác, để học tập, để noi gương, để mổ xẻ cặn kẽ tình huống công việc mình đang đối mặt.., nhất là để kiên định quan điểm và sự lựa chọn quyết định của chính mình. Trong những năm tháng giúp anh Sáu, hình như tôi chưa thấy một lần nào có chuyện Anh Sáu nói hay viết "Hồ Chủ tịch nói rằng...", "Hồ Chủ tịch dạy rằng..." Quả thực đến nay tôi chưa tìm lại được một diễn văn nào của Anh Sáu trong thời gian tôi giúp việc có trích nguyên văn một câu nói nào đó của Bác! Có điều kiện, tôi sẽ xác minh kỹ hơn để khẳng định điều này. Song tôi tin rằng hầu như ở Anh Sáu không có chuyện lý luận hay ngôn từ theo kiểu trích cú tầm chương như vậy mỗi khi nói về Bác Hồ, dù là trong hội nghị, buổi nói chuyện, hay là trong các cuộc họp bàn công việc với những người chung quanh.
     Không biết bao nhiêu lần Anh thường nói với chúng tôi: Không nên và không được tư duy theo cách đưa đường lối của Đảng vào cuộc sống. Cũng không thể nói "ý Đảng lòng dân" đến mức như là một khuôn sáo... Đúng ra phải nghĩ ngược lại: Đưa cuộc sống vào đường lối chính sách của Đảng, nguyện vọng của dân phải trở thành ý chí của Đảng!.. Tự nhận là con cháu Bác Hồ thì phải làm như thế, học tập Bác thì phải làm như thế...
     Anh Sáu hỏi lại chúng tôi nhiều lần: Hãy thử tìm xem, trong Tuyên ngôn Độc lập, rồi đến Hiến pháp 1946, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, trong nhiều sự việc quan trọng khác, và ngay cả trong Di chúc của Bác nữa, có thấy chỗ nào Bác làm theo cách "đưa đường lối của Đảng vào cuộc sống" không? Hay là Bác xuất phát từ những đòi hỏi bức thiết của cuộc sống vạch ra chương trình hành động cho đất nước, cho Đảng?..
     Anh Sáu phân tích: Không tin vào nhân dân, không dựa vào nhân dân như thế làm sao Cách mạng có thể thành công? làm sao có thể bảo vệ được Cách mạng trong những hoàn cảnh ngàn cân treo sợi tóc?.. Vì coi cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, vì không độc quyền yêu nước, nên Bác thực hiện được đại đoàn kết dân tộc, trở thành hiện thân của đại đoàn kết dân tộc, thực sự phát huy được sức mạnh vô địch của nhân dân!.. Quan trọng hơn tất cả, chỉ có như vậy, Bác mới làm cho sự nghiệp Cách mạng trở thành sự nghiệp của nhân dân. Anh Sáu thẳng thắn: Phải thừa nhận chính điểm này chúng ta học tập Bác chưa tốt, làm chưa tốt. Bác nói xây dựng nhà nước của dân, do dân vì dân chính là nói theo tinh thần này! Anh Sáu hỏi lại chúng tôi: Trong lịch sử Chính phủ các thời kỳ cho đến nay, có thời kỳ nào có được đông đảo các nhân sỹ trí thức lớn ngoài Đảng tham gia như Chính phủ cụ Hồ sau Cách Mạng Tháng Tám năm 1945 không? Tại sao bây giờ hễ là bộ trưởng nhất thiết cứ phải là uỷ viên Trung ương mà lại không phải là trí thức có đức có tài đúng với lĩnh vực phụ trách? Ngoài Đảng cũng được chứ sao?.. Tại sao bây giờ không chọn được người tài đức vào đúng chỗ đúng việc? Đảng ta bây giờ với 3 triệu đảng viên, nếu cứ 3 loại đi 2 yếu kém, Đảng vẫn còn được một triệu đảng viên có đủ phẩm chất, vẫn nhiều gấp 20 lần khi làm Cách Mạng Tháng Tám, nếu có đường lối đúng đắn, vẫn hoàn toàn có thể lãnh đạo thành công xây dựng nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất dân chủ và giầu mạnh... Phải học Bác như thế từ trong lý tưởng, trong thực tiễn...
     Trong nhiều buổi họp khác nhau, Anh Sáu còn nhắc đi nhắc lại: Tinh thần "Không có gì quý hơn độc lập tự do!", tinh thần "độc lập tự chủ và sáng tạo" thì phải học Bác suốt đời!.. Anh nhấn mạnh: Cứ khi nào không thấm nhuần hai điều cốt yếu này, là cách mạng y như gặp khó khăn, là y như phát sinh nhiều vấn đề...
Có thể nói qua những buổi trao đổi như thế, hầu như bao giờ cũng sôi nổi, chúng tôi chẳng những hiểu thêm Anh Sáu học tập Bác Hồ như thế nào, mà còn hiểu rõ được cái chất "Sáu Dân" của người đảng viên Võ Văn Kiệt, nhất là trong tình hình ngày nay cái tính đảng chân chính trong con người đảng viên, trong bản chất và đường lối chính sách của Đảng hình như rất ít được nói tới, được coi trọng mỗi khi bàn về Đảng, về xây dựng Đảng.
     Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt thực là người hiểu sâu sắc Bác Hồ, nêu một tấm gương sáng về học tập tư tưởng và đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh, xứng đáng là học trò xuất sắc của Người.
Nguồn Tuần VietNam.net.