Trang chủ

     

Thứ Bảy, 23 tháng 1, 2010

MỘT BUỔI TỐI TRONG NGÔI NHÀ CỦA ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP


     Hơn 5 năm rồi tôi mới được trở lại ngôi nhà của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Hà Nội đang trong đợt rét đậm. Chúng tôi đi bộ vào ngôi nhà từ cổng Hoàng Diệu. Bóng tối đã phủ kín những vòm cây trong khu vườn quanh đó.
     Hơn 5 năm trước, ngày ấy, khi đợi được gặp Đại tướng, tôi đi quanh khu nhà và phát hiện ra một dãy mộc mới trồng. Tôi không hiểu vì sao trong khu vườn nhà ông rất nhiều cây nhưng tôi chỉ nhớ những cây mộc. Trên đoạn đường đi bộ tối ấy, tôi luôn luôn tự hỏi những cây mộc có còn đủ không và giờ đây ra sao? Rồi lòng tôi ngập tràn niềm xúc động khi tôi nhìn thấy dãy cây mộc trong ánh đèn từ đầu nhà hắt ra. Cây chưa đến kỳ hoa mới, nhưng sao tôi vẫn thấy mùi hương tràn ngập. Không phải là ảo giác. Tôi đứng lặng hồi lâu.
     Khu nhà Đại tướng ở thật giản dị. Dù đã đến lần thứ ba nhưng tôi vẫn phải tự hỏi: Một con người lừng danh khắp năm châu bốn bể chỉ ở giản dị thế thôi sao? Trong căn phòng tôi đang ngồi: chiếc bàn, những cái ghế và những vật dụng khác. Không có gì đặc biệt. Ngôi nhà ấy không khác gì nhiều với những ngôi nhà tôi đã đến. Chỉ khác một điều: Trong ngôi nhà ấy có một con người là Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang sống, đang làm việc và đang tiếp tục mang những giấc mơ tốt đẹp cho dân tộc mình.
     Khi chúng tôi đến là lúc Đại tướng vẫn đang làm việc với thư ký của ông. Chúng tôi ngồi ở phòng bên cạnh nói chuyện với vợ Đại tướng. Tôi không biết bà đã bao nhiêu tuổi. Nhưng bà vẫn hiện lên đầy đủ sự sắc sảo, tính nghiêm nghị và cả sự dịu dàng. Tôi nhìn bà và nghĩ đến một ngày nào đó được ngồi hỏi chuyện bà về cuộc đời của một vị tướng lừng danh thế giới và người bạn đời của ông. Bà phải là người quan trọng nhất để kể với mọi người bây giờ và mai sau về một con người, người đó là một Anh hùng Dân tộc, người đó là người bạn đời của bà.
     Dù bà có trách mắng thì tôi cũng phải nói rằng: bà phải kể về Đại tướng với hai lý do. Thứ nhất: tình yêu của bà với Đại tướng. Thứ hai: nhân chứng của một Vĩ nhân. Khi nói chuyện với anh Võ Điện Biên, con trai Đại tướng, tôi đã nói: chúng ta mới chỉ viết nhũng cuốn sách về Đại tướng với khía cạnh một vị tướng dù cũng chưa đầy đủ, chưa xứng đáng với những gì ông cống hiến cho dân tộc này, chứ chúng ta chưa viết gì đáng kể về con người ông với khía cạnh một con người của nhân cách, của văn hoá, con người của một tâm hồn trong sáng lặng lẽ, của những giấc mơ và của cả nhũng vui buồn. Với những nhân vật lịch sử vĩ đại của dân tộc, phải thú thực rằng, chúng ta còn nợ họ quá nhiều.
     "Vậy các cháu sẽ viết như thế nào khi chỉ có một chút ít thời gian với Đại tướng?". Đấy là câu hỏi của ông Huyên, người Thư ký của Đại tướng. Ông nói chúng tôi không được phép phỏng vấn Đại tướng. Chúng tôi chỉ được phép chào ông và có thể chụp ảnh chung với ông mà thôi. Chúng tôi hoàn toàn tuân lệnh. Bởi có khi, chúng ta chỉ cần bước vào ngôi nhà ấy chỉ để lắng nghe tiếng đồng hồ chạy đều đều trong im lặng. Chúng ta chỉ cần bước vào ngôi nhà và nhìn một chiếc ghế nào đấy mà Đại tướng đã ngồi để hình dung một con người như ông đã suy ngẫm và mơ ước những gì trong sự tĩnh lặng của tâm hồn.
     Tôi không biết những người làm phim tài liệu có bao giờ ghi chép lại bằng hình ảnh không phải trong một cuộc mít tinh hay đại hội, không phải những lúc tiếp khách quốc tế hay đọc diễn văn... mà hình ảnh của nhũng giây phút giản dị và tĩnh lặng của những con người như Đại tướng không? Bởi sau này, khi nói về những con người như thế, tư liệu và hình ảnh của chúng ta có được sẽ thật nghèo nàn. Còn tôi, tôi đang cố ghi nhớ những gì tôi nhìn thấy trong ngôi nhà ấy. Để ngay buổi tối đó thôi khi trở về nhà mình, tôi có thể kể cho các con tôi về những gì tôi nhìn thấy trong ngôi nhà của một người mà các con tôi dù rất trẻ nhưng vô cùng ngưỡng vọng. Và tôi đã không sai. Đêm ấy, trong bữa cơm muộn, tôi đã kể cho con tôi nghe về ngôi nhà của ông và kết luận: những cái ghế của nhà ta còn đắt tiền hơn cả những cái ghế trong ngôi nhà của một người vĩ đại. Khi nói xong câu đó, mắt tôi cay xè. Còn nhũng đứa trẻ đã im lặng rất lâu. Tôi tin chúng đã hiểu được một phần câu nói đó của tôi.
     Trên bàn ông vẫn còn chiếc cặp đựng đầy tài liệu. Ông bắt tay chúng tôi và bảo chúng tôi ngồi. Tôi lại nhìn quanh căn phòng làm việc của ông. Vẫn không có gì đặc biệt. Nhũng tủ sách chật cứng. Những bức tranh vẽ ông. Những bức tranh thật đơn sơ. Hình như các họa sĩ cũng không biết phải vẽ như thế nào về con người đặc biệt này. Một bức tượng mà tôi không rõ là bằng đồng hay đá. Một chiếc đàn dương cầm cũ. Những chiếc ghế mây chắc có từ lâu. Một bộ sa-lông gỗ chạm trổ tinh vi những con voi trong cánh rừng. Đó là quà của nhân dân Lào tặng ông. Tất cả thật đơn sơ và ấm cúng.
     Khi chúng tôi xin phép được chụp ảnh ông, ông đã gọi vợ và các con cháu đến quây quần chụp cùng. Ông không muốn chụp một mình. Ông ngồi giữa. Lúc ấy, bao nhiêu giá lạnh của mùa đông bỗng tan biến. Tôi đứng im lặng ở một góc nhìn ông và những người thân. Một gia đình như bao gia đình khác. Đấy là điều thiêng liêng không bao giờ cũ của mọi con người trên thế giới dù cho văn hoá có khác biệt đến đâu. Có lẽ, chỉ nơi ấy, trong ngôi nhà với những người thân, con người mới cảm thấy một sự an toàn và ấm áp thật sự. Còn gì lớn lao hơn, ấm áp hơn, tin cậy hơn, chân thành hơn và thiêng liêng hơn ngôi nhà của mình. Lúc ấy một thông điệp vô hình về hạnh phúc đã được gửi đi với quá nhiều ý nghĩa sâu xa từ ngôi nhà của vị Đại tướng với tên tuổi lẫy lừng. Và những đứa cháu còn quá nhỏ đang ngồi bên ông và đưa bàn tay nhỏ xíu như bàn tay của các thiên thần đùa nghịch với ông lúc này không biết được rằng chúng đang đùa nghịch với một người mà hơn một nửa thế kỷ qua cả thế giới đều biết đến. Một người sẽ không bao giờ vắng mặt trên những cuốn sách lớn về các danh nhân thế giới.
     Mặc dù trước đó ông Huyên nói với chúng tôi sẽ không có bút tích của Đại tướng. Chúng tôi biết đó là nguyên tắc. Nhưng cuối cùng, ông cắm bút ghi những lời chúc vào một tấm giấy trắng và đưa cho chúng tôi. Khi gặp ông, chúng tôi cũng thưa với ông rằng: chúng tôi bước vào ngôi nhà của ông không với danh nghĩa nhà báo mà giống như những đứa con, đứa cháu của ông ở xa về đến chào ông. Và không chỉ là năm phút hay mười phút quy định cho cuộc đến thăm của chúng tôi, ông tiếp chúng tôi lâu hơn với một không khí gia đình thật đầm ấm và bao dung. Chúng tôi nói chuyện với những người thân của ông trong ngôi nhà. Thật sự, lúc đó, chúng tôi mang cảm giác như là một người họ hàng của ông. Có biết bao người trong và ngoài nước đã được ông tiếp trong ngôi nhà này. Nhưng tôi dám tin rằng, rất ít người có được không khí như chúng tôi có được.
     Ra về, ông bắt tay và chúc chúng tôi viết hay hơn nữa. Chúng tôi lại đi trên con đường ra cổng. Tôi lại dừng lại trước những cây mộc. Những cây mộc chưa vào kỳ hoa mới, nhưng rõ ràng từ trong tâm khảm tôi nhận thấy mùi hương đằm sâu và tĩnh lặng đang ngào ngạt dâng lên. Và tôi rất hoàn toàn tin rằng đó không phải là ảo giác. Không hiểu sao, cho đến lúc này, khi nghĩ về ông, tôi lại nghĩ tới những cây mộc. Những cây mộc giản dị và thanh tao mãi toả hương cả trong những ngày đông giá lạnh của đất trời.
(Theo Vietbao)