Trang chủ

     

Thứ Ba, 1 tháng 12, 2009

LỊCH SỬ ĐỊA PHƯƠNG

LỊCH SỬ ĐẮC LẮC – TÂY NGUYÊN

1. Lịch sử Đắk Lắk-Tây Nguyên
Từ giữa thế kỷ XII, đồng bào dân tộc ở miền Trung Tây Nguyên đã từng đứng dậy đấu tranh chống sự xâm lược của Chiêm Thành. Đến năm 1470, khi Chiêm Thành xâm lấn biên giới phía nam của nước Đại Việt, bị quan quân nhà Lê đánh tan. Sau khi đánh thắng Chiêm Thành, nhà Lê một mặt tôn trọng đường ranh giới giữa vùng cư trú của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên với đồng bằng; mặt khác đã có những chính sách nhằm duy trì mối quan hệ giữa người Kinh và đồng bào các dân tộc thiểu số.
Năm 1540, khi Bùi Tá Hán được triều đình cử làm Tuần Tiết xứ Nam Ngãi, kiêm cả các vùng dân tộc miền núi phía Tây. Ông đã cho di dân lên lập ấp trên miền núi, mở mang buôn bán giữa người Kinh và người dân tộc thiểu số, tiến cử các vị tù, tộc trưởng ở địa phương và tấn phong vua Hỏa Xá và Thủy Xá. Từ đó cho đến các đời vua nhà Nguyễn sau này, địa bàn Tây Nguyên-Daklak được gọi là trấn Man, do triều đình gián tiếp quản lý. Về hành chính, trấn Man chia thành 4 nguyên và 5 đạo và về quân sự, nhà Nguyễn lập ra một số đồn lính, tiến hành tuần tra, canh phòng biên giới và ngăn chặn sự xâm lược của quân Xiêm.
Vào những năm cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp đã đẩy mạnh các họat động do thám, nắm tình hình dưới nhiều danh nghĩa khác nhau, nhằm phục vụ cho âm mưu xâm lược Tây Nguyên, Daklak. Đến năm 1898, chúng tập trung lực lượng đánh chiếm Buôn Đôn và lần lượt mở rộng chiến tranh đánh chiếm toàn bộ cao nguyên Daklak.
Sau khi chiếm Daklak, thực dân Pháp bắt tay xây dựng bộ máy thống trị, thành lập đơn vị hành chính tỉnh Daklak vào năm 1904 theo Nghị định của Tòan quyền Đông Dương. Chúng chia Daklak làm 5 quận, áp đặt chế độ trực trị, thực hiện chính sách "chia để trị". Nhưng cũng chính từ sự áp bức, bóc lột hà khắc đó, đồng bào các dân tộc Daklak đã liên tục và anh dũng đứng lên chống thực dân Pháp, dưới sự lãnh đạo của các vị Tù trưởng. Trong những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, trong tỉnh liên tục nổ ra các cuộc khởi nghĩa và đấu tranh vũ trang; như cuộc khởi nghĩa của Ama Jhao (1890-1904), cuộc đấu tranh của N’Trang Gưh (1900 -1914), cuộc khởi nghĩa của Oi H’Mai (1903 - 1909. Tiêu biểu hơn cả là cuộc nổi dậy của đồng bào M’nông do N’Trang Lơng lãnh đạo, cuộc khởi nghĩa này kéo dài 23 năm (1912-1935) lôi cuốn đồng bào các dân tộc, không chỉ ở cao nguyên Dak Nông, mà cả Tây Nguyên và Cam pu chia hưởng ứng.
Cùng với các cuộc đấu tranh và khởi nghĩa vũ trang do các vị tù trưởng lãnh đạo, trong tỉnh cũng đã xuất hiện một số phong trào đấu tranh chính trị hợp pháp của tầng lớp công chức, viên chức, trí thức, học sinh chống chính sách chia để trị của thực dân Pháp, chống chính sách ngu dân, khinh miệt đồng bào các dân tộc bản xứ. Tiêu biểu là cuộc đấu tranh do hai giáo chức yêu nước người Ê đê là Y Jút và Y út lãnh đạo (1925 - 1926).
Cũng trong thời kỳ này, do chính sách lập đồn điền khai thác thuộc địa, ở Daklak đã xuất hiện một tầng lớp công nhân làm thuê cho các đồn điền bót lột và hành hạ. Để chống lại sự áp bức bóc lột tàn bạo của thực dân Pháp, công nhân các đồn điền đã nhiều lần tổ chức các cuộc đấu tranh dưới nhiều hình thức khác nhau. Tiêu biểu cho phong trào đấu tranh của công nhân thời kỳ này là cuộc đấu tranh của công nhân đồn điền Mai ô (Maillot) năm 1927, cuộc đấu tranh của công nhân đồn điền Rossi, CHPI năm 1933, công nhân cầu đường Buôn Hồ 1935 và sau này là công nhân đồn điền CADA...
Khi cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai đi vào giai đọan kết thúc, nhất là sau sự kiện Nhật đảo chính Pháp ngày 9/3/1945, tình hình phong trào Cách mạng trong tỉnh phát triển sôi nổi. Các tổ chức đòan thể, các Hội quần chúng lần lượt ra đời, lôi cuốn lực lượng công nông, trí thức, thanh niên, phụ nữ tham gia họat động Việt Minh. Ngày 24 tháng 8 năm 1945, sau cuộc khởi nghĩa ở đồn điền CADA, cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền nổ ra thắng lợi ở Buôn Ma Thuột: hàng vạn quần chúng đã đồng lọat đứng lên ủng hộ ủy ban khởi nghĩa, giành chính quyền về tay nhân dân, thành lập chính quyền cách mạng, mở ra một kỷ nguyên mới: kỷ nguyên độc lập, tự do và nhân dân làm chủ vận mệnh của mình.
Sau khi xóa bỏ bộ máy cai trị của thực dân phát xít, đồng bào các dân tộc đã đòan kết, chung sức chung lòng bắt tay xây dựng chế độ mới. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và ủy ban Việt Minh, nhân dân Daklak hăng hái tham gia củng cố chính quyền, xây dựng lực lượng vũ trang, chống giặc đói, giặc dốt, thực hiện các quyền và nghĩa vụ thiêng liêng mà cách mạng đã mang lại.
Ngày 30 tháng 12 năm 1945 quân đội Pháp quay lại xâm lược lần thứ hai. Quân dân Buôn Ma Thuột và quân dân các dân tộc trong tỉnh đã đứng dậy đấu tranh. Cuộc kháng chiến 9 năm trường kỳ, gian khổ và ác liệt cuối cùng đã giành được thắng lợi.
Nhưng khi cuộc kháng chiến chống Pháp vừa kết thúc, đế quốc Mỹ nhảy vào miền Nam, với âm mưu xâm chiếm miền Nam chia cắt lâu dài đất nước ta. Cùng với nhân dân cả nước đồng bào các dân tộc Daklak tiếp tục bước vào cuộc chiến đấu chống lại những kẻ thù nguy hiểm hơn, độc ác hơn đó là đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai.
Trong hơn 20 năm chiến chiếm đóng, đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai đã tập trung biết bao tiềm lực quân sự và chính trị, nhằm xây dựng Dak Lak thành một địa bàn chiến lược trọng yếu, với nhiều thủ đoạn hòng đè bẹp ý chí cách mạng của đồng bào các dân tộc Dak Lak. Nhưng vượt lên trên mọi hy sinh tổn thất to lớn và nặng nề nhất, quân dân các dân tộc đã kề vai sát cánh bên nhau, bền bĩ đấu tranh, lần lượt đập tan các âm mưu, thủ đọan của kẻ thù, lập nên những chiến công oanh liệt: đồng khởi phá kềm 1960-1961, phá ấp giành dân giải phóng nông thôn 1964-1965, tổng tấn công và nổi dậy tết Mậu thân 1968, đánh bại chương trình bình định cấp tốc của Mỹ Ngụy 1969-1972. Cuối cùng đã làm nên chiến thắng Buôn Ma Thuột (Ngày 10/03/1975), mở đầu cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, mở ra một kỷ nguyên mới: kỷ nguyên độc lập, tự do, thống nhất, cả nước đi lên Chủ nghĩa xã hội.
2. Đắk Lắk – tên gọi và lịch sử
Tên "Đắk Lắk" nguyên là chữ "Dak Lak" thổ ngữ của sắc tộc M'nông. "Dak" có nghĩa là nước, "Lak" là "hồ nước", quân Pháp đổi thành "Darlac" trong thời gian chiếm đóng vùng này.
Dân chúng thường quen gọi tên tỉnh này là Buôn Mê Thuột hơn là Daklak. Theo truyền tụng, Buôn Mê Thuột trước có tên là "Buôn Ma Thuốt", thổ ngữ của sắc tộc Rhadé. "Buôn" là làng, ấp. "Ma" là cha. "Thuốt" là tên con của vị tù trưởng Êdê, ngày xưa đã lãnh đạo dân chúng chống lại những người Cam Bốt và Ai Lao thường tràn qua biên giới cướp phá. Vì vậy, "Buôn Ma Thuốt" được đặt tên để tưởng nhớ vị tù trưởng anh hùng tên Thuốt.
Daklak và Buôn Mê Thuột thuộc lãnh thổ Việt Nam từ trước thế kỷ thứ 14, nhưng chưa được triều đình quan tâm, vì thế chưa có cơ cấu hành chính tại đây. Sau khi quân Pháp đô hộ nước ta, chúng sát nhập Daklak vào nước Lào. Đến ngày 22-11-1904, Pháp lại đặt đất này thuộc Việt Nam và được sáp nhập vào Kontum.
Tỉnh Đăk Lăk (còn ghi theo tiếng Pháp là Darlac) được thành lập theo nghị định ngày 22 tháng 11 năm 1904 của Toàn quyền Đông Dương và tách khỏi Lào, đặt dưới quyền cai trị của Khâm sứ Trung Kỳ. Trước đó, vào cuối thế kỷ 19, Darlac thuộc địa phận đại lý hành chính Kontum và bị thực dân Pháp nhập vào Lào.
Đến ngày 9 tháng 2 năm 1913 thì tỉnh này trở thành một đại lý hành chính trực thuộc tỉnh Kon Tum được thành lập cùng ngày. Mãi đến ngày 2 tháng 7 năm 1923 tỉnh Đăk Lăk mới được thành lập lại. Lúc mới thành lập, Đăk Lăk chưa chia huyện, tổng mà chỉ có đơn vị làng (còn gọi là buôn): người Ê Đê có 151 làng, người Bih có 24 làng, người Gia Rai có 11 làng, người Krung có 28 làng, người M'dhur có 120 làng, người M'Nông có 117 làng, người Xiêm có 1 làng. Năm 1931, trong cuộc cải cách hành chính toàn Đông Dương, tỉnh Đăk Lăk được chia làm 5 quận: Ban Mê Thuột, Buôn Hồ, Đăk Song, Lăk và M'Đrăk, dưới có 440 làng.
Ngày 15 tháng 4 năm 1950 Bảo Đại ban hành Dụ số 6 đặt Cao nguyên Trung phần, trong đó có Đăk Lăk, làm Hoàng triều Cương thổ, có quy chế cai trị riêng.
Nghị định số 356-BNV/HC/NĐ của chính quyền Việt Nam Cộng hòa ngày 2 tháng 7 năm 1958 ấn định tỉnh Đăk Lăk (được ghi là Darlac) có 5 quận, 21 tổng và 77 xã:
1. Quận Ban Mê Thuột có 4 tổng: Ea Tam (10 xã), Cư Keh (4 xã), Cư Ewi (6 xã), Đrai Sap (5 xã).
2. Quận Lạc Thiện (đổi tên từ quận Lăk) có 7 tổng: Đak Lieng (3 xã), Yang Lak (3 xã), Krong Ana (4 xã), Krong Bong (4 xã), Đak Phoi (2 xã), Đak Rohhyo (2 xã), Nam Ka (2 xã).
3. Quận M'Đrak có 4 tổng: Krong Jing (2 xã), Krong Hing (3 xã), Ea Bar (3 xã), Krong Pa (4 xã).
4. Quận Đak Song có 2 tổng: Đak Mil (2 xã), Đak Thoc (3 xã).
5. Quận Buôn Hồ có 4 tổng: Cư Đlieya (4 xã), Cư Kuk (3 xã), Cư Kti (5 xã), Cư Đrê (4 xã).
Chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã tách gần như toàn bộ quận Đak Song của tỉnh Darlac, lập ra tỉnh Quảng Đức vào ngày 23 tháng 1 năm 1959. Như vậy tỉnh Darlac còn lại 4 quận. Sau đó quận M'Đrak lại bị xé lẻ, một phần nhập vào tỉnh Khánh Hòa.
Ngày 20 tháng 12 năm 1963, lập thêm một quận mới tên là Phước An, quận lỵ đặt tại Phước Trạch, đến ngày 1 tháng 9 năm 1965 chuyển về Thuận Hiếu. Sau này lại bỏ cấp tổng, nên chỉ còn cấp quận (4 quận) và xã.
Tỉnh Đăk Lăk của nước Việt Nam thống nhất từ năm 1976 hình thành từ hai tỉnh Darlac và Quảng Đức, có diện tích lớn nhất Việt Nam (19.800 km²), gồm thị xã Buôn Ma Thuột và 5 huyện: Krông Buk, Krông Pach (tức Krông Pak), Đăk Mil, Đăk Nông và Lăk. Số huyện tăng dần cho đến 18 huyện. Từ 1 tháng 1 năm 2004, Đăk Lăk lại được chia thành hai tỉnh: Đăk Lăk và Đăk Nông, nên số huyện giảm xuống còn 13.
3. Văn hoá truyền thống
Nói đến văn hóa truyền thống ở Daklak, trước hết phải nói đến nền văn hóa mang đậm nét đặc trưng của cư dân bản địa, từ bao đời nay đã tạo dựng nên một nền văn hóa vô cùng phong phú và đa dạng, với những di sản văn hóa vật thể cũng như phi vật thể độc đáo và đồ sộ. Nói đến các di sản văn hóa dân tộc, không quên các di sản văn hoá vật thể nổi tiếng như đàn đá, nhạc cụ, cồng chiêng, kiến trúc nhà dài, kiến trúc nhà mồ, công cụ lao động dệt cẩm thổ. tạc tượng...cùng các di sản văn hoá phi vật thể như luật tục, các lễ hội, các tập tục và các sinh họat văn hóa, sinh họat cộng đồng. Đồ sộ và phong phú hơn cả là kho tàng văn học dân gian với những bản sử thi (Dân tộc Eđê gọi là Khan, dân tộc Mnông gọi là át Nrông), thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, lời nói vần...đậm đà bản sắc dân tộc lưu truyền qua bao thế hệ. Ngòai ra dân tộc Ê đê còn có cả chữ viết mà sau này được phiên âm sử dụng phổ biến từ thời Pháp, Mỹ cho đến nay.
Điểm nổi bậc của Văn hoá bản địa Daklak là: Văn hoá lễ hội nhà dài, văn hoá cồng chiêng, văn hoá mẫu hệ, văn hoá ẩm thực, văn hoá sử thi, văn hoá luật tục, văn hoá cộng đồng ...độc đáo, phong phú giàu bản sắc dân tộc.
Trước đây cũng như hiện nay, quan hệ xã hội cơ bản của đồng bào các dân tộc vẫn còn mang đậm tính huyết thống và tính cộng đồng bền chặt. Nói chung, đồng bào các dân tộc Ê đê cũng như M’nông, Gia Rai đều có một đặc điểm lớn, đó là sự tồn tại bền vững của những mối quan hệ xã hội cổ truyền tốt đẹp được hình thành qua các thời kỳ lịch sử lâu dài. Tinh thần cộng đồng, dân chủ, bình đẳng, tương thân tương ái... Bên cạnh đó, tinh thần thượng võ, nhân ái, yêu thiên nhiên, yêu chuộng hòa bình, cần cù sáng tạo cũng là những đặc trưng nổi bật của đồng bào các dân tộc. Nổi bật hơn cả là ý chí đấu tranh bất khuất chống chọi với thiên nhiên và truyền thống đấu tranh bảo vệ buôn làng, bảo vệ quê hương đất nước. Truyền thống đó đã được phát huy cao độ trong những năm nhân dân Daklak đứng lên theo Đảng làm cách mạng, chiến đấu chống thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ xâm lược.
Điểm tô thêm nền văn hóa truyền thống của các dân tộc bản địa, DakLak còn có sự du nhập nền văn hóa của các dân tộc thiểu số phía Bắc và nền văn hóa của người Kinh với đủ sắc thái của ba miền Trung - Nam - Bắc. Tất cả đều được gìn giữ và phát triển, hòa quyện trong quá trình xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Ngoài ra, nói đến văn hóa ở Daklak cũng không thể không nói đến các danh thắng, các di tích lịch sử văn hóa mang dấu ấn của lịch sử. Trên địa bàn Daklak đã tìm thấy một số di chỉ khảo cổ học mang dấu tích của người tiền sử. Đó là các di chỉ ở Drai Si (huyện Cư Mgar), xã Ea Tiêu, Quảng Điền (huyện Krông Ana), thị trấn DakRLấp, xã Quảng Trực (huyện DakRLấp), xã Buôn Triết, hồ Lak (huyện Lak), xã Trường Xuân, Dak Rung, thị trấn Gia Nghĩa (huyện Dak Nông), xã Dak Rồ (huyện Krông Knô), xã Ea Păn, xã Xuân Phú (huyện Ea Kar).
Qua các di chỉ trên, đã tìm thấy những công cụ, khí cụ, đồ trang sức bằng đá; đồ gốm và bàn dập, bàn mài hoa văn trên gốm. Nguyên liệu chế tác đều lấy từ đá bazan và đá biến chất, vốn là đặc trưng của Tây Nguyên. Kiểu dáng và kỹ thuật chế tác có nhiều điểm tương đồng với văn hóa Biển Hồ (Gia Lai) và văn hóa Sa Huỳnh (Quảng Ngãi). Thời đại đồ đồng cũng đã phát hiện được 7 chiếc trống đồng ở huyện Ea Súp, Ea HLeo, Krông Pac Ea Kar và TP Buôn Ma Thuột.
Đặc biệt trên mảnh đất này còn có những dấu tích của người Chăm để lại, đó là tháp Yang Prong (Thần vĩ đại) ở xã Chư MLanh (huyện Ea Súp), những Rasungbatau (thùng lớn đựng nước) ở Buôn Ma Thuôt, khu mộ cổ thuộc địa phận xã Ea Ktur và xã Cư Ewy (huyện Krông Ana), giếng Chăm ở xã Yang Mao, khu phế tích ở xã Hòa Thành (huyện Krông Bông). Trong đó, tháp Yang Prong được xây dựng vào cuối thế kỷ XIII dưới thời vua Sinhavarman III (Chế Mân), thờ thần Sinva. Đây là tháp Chăm cổ duy nhất còn lại ở Tây Nguyên.
Thời kỳ hiện đại, chúng ta có hàng chục di tích nổi tiếng như: nhà tù Buôn Ma Thuột, Đình Lạc Giao - nơi biểu hiện cho sự hiện diện của nền văn minh lúa nước của cộng đồng người Việt ở Daklak, Đồn điền CADA, Biệt điện Bảo Đại - dấu ấn của triều đại phong kến cuối cùng của Việt Nam, hang đá Dak Tuôr và rất nhiều di tích lịch sử, văn hóa khác.
4. Cộng đồng các dân tộc
Daklak là quê hương của đồng bào các dân tộc thiểu số bản địa Ê đê, M’nông, Gia rai... trong đó đông nhất là hai dân tộc Ê đê và M’nông. Dân tộc Ê đê thuộc ngữ hệ Malayô - Pôlinêdiêng, địa bàn cư trú chủ yếu là các huyện Bắc và phía Nam: từ Ea Hleo, Buôn Hồ xuống M’Drak và kéo dài lên Buôn Ma Thuột. Dân tộc M’nông thuộc ngữ hệ Môn-Khơ me, địa bàn cư trú chủ yếu là các huyện phía Nam và dọc biên giới Tây Nam. Cùng với các dân tộc khác, đồng bào Ê đê, Mnông là chủ nhân lâu đời của mảnh đất Tây Nguyên giàu tiềm năng, giàu truyền thống và bản sắc văn hóa.
Trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, nhất là từ sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất (30-04-1975) đến nay, bên cạnh các dân tộc bản địa, nhiều tộc người khác ở miền Trung, miền Bắc đã đến DakLak sinh cơ lập nghiệp xây dựng quê hương mới; tạo thành một đại gia đình 44 dân tộc anh em và xây nên một vườn hoa văn hóa độc đáo giàu bản sắc với banền văn hoá tiêu biểu:
*Văn hoá của các dân tộc bản địa: Trường ca Tây Nguyên
*Văn hoá các dân tộc thiểu số phía Bắc
*Văn hoá người kinh với sự hội tụ của ba miền Bắc - Trung - Nam
Thành phần dân tộc:
Kinh , Bru - Vân kiều, Ê đê, Thổ,Tày, Dáy, Thái, Cơ tu, Hoa, Giẻ-Triêng, Khơ me, Mạ, Mường, Khơ mú, Nùng, Mông, Tà ôi, Dao, Chơ roi, Gia rai, Hà nhì, Ngái, Chu ru, Ba na, Lào, Xê đăng, Phù lá, Sán chay, La hủ, Kơ ho, Chăm, Chứt, Sán dìu, Mảng, H’rê, Pà thẻn, M’nông, Si la, Raglai, Pu péo, Xtiêng
NDX