Trang chủ

     

Thứ Ba, 1 tháng 12, 2009

GIỚI THIỆU TÁC, GIẢ TÁC PHẨM

GIỚI THIỆU TÁC, GIẢ TÁC PHẨM
(Phần 2)

14. TÁC PHẨM NHẬT KÍ TRONG TÙ
I. Hoàn cảnh ra đời
Ngày 28 - 1- 1941, sau 30 năm hoạt động ở nước ngoài, Bác về nước để trực tiếp lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc. Ngày 13-8-1942, với danh nghĩa đại biểu của VNĐLĐM hội và Phân bộ quốc tế phản xâm lược của VN, Người lên đường đi Trung Quốc để tranh thủ sự viện trợ của thế giới. Bấy giờ Người đổi tên là Hồ Chí Minh.
Sau nửa tháng đi bộ, đến Túc Vinh thuộc tỉnh Quảng Tây, thì Người bị chính quyền TGT bắt giam vô cớ.
Chúng giải Bác đi khắp 18 nhà tù của 13 huyện, tay bị trói, cổ mang vòng xích, dầm mưa dãi nắng, trèo đèo, vượt núi trong suốt mấy tháng trời. Hơn một năm bị đày đọa đau khổ trong chốn lao tù của chế độ Tưởng Giới Thạch (từ 29-8-1942 đến10-9-1943) nhưng Bác vẫn làm thơ. Những bài thơ đó được Người ghi chép trong một cuốn sổ đề là Ngục trung nhật kí, bao gồm 134 bài tất cả. Đó là một cuốn nhật kí bằng thơ ghi chép sự việc xảy ra trong những ngày Bác bị đọa đày giam giữ, đồng thời bày tỏ nỗi lòng, ý chí của Người:
Ngâm thơ ta vốn không ham
Nhưng vì trong ngục biết làm chi đây.
Ngày dài ngâm ngợi cho khuây,
Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do.
II. Nội dung tác phẩm Nhật ký trong tù
1. Bức tranh nhà tù và một phần xã hội Trung Hoa dân quốc
Nhật ký trong tù đã ghi lại sự việc Bác đã phải sống, đã chứng kiến trong nhà tù và trên đường chuyển lao. Bút pháp tả thực rõ ràng, chính xác và giọng điệu châm biếm được sử dụng rộng rãi với nhiều cung bậc khác nhau: khi thẳng thừng bốp chát, khi giễu cợt nhẹ nhàng, khi mỉa mai chua chát… Tất cả đều nhằm tái hiện sinh động bộ mặt đen tối của nhà tù Quốc dân đảng, rộng ra là thực trạng xã hội TQ những năm 1942-1943.
2. Bức chân dung tự họa của HCM thể hiện tâm hồn phong phú, cao đẹp của một người tù vĩ đại
a. Một tấm gương nghị lực phi thường, một bản lĩnh vĩ đại, không gì có thể lung lạc được.
b. Một tâm hồn yêu nước thiết tha và khát khao tự do
c. Một tâm hồn nghệ sĩ tài hoa, một trí tuệ lớn
d. Một tấm lòng yêu thương bao la, ôm ấp mọi kiếp người
3. Một tập thơ phong phú, đa dạng, độc đáo
- Đa dạng, độc đáo về nội dung
- Đa dạng, độc đáo về nghệ thuật
+Bút pháp: lãng mạn kết hợp với hiện thực, tả thực với trữ tình, cổ điển và hiện đại…
+Nghệ thuật trào lộng đủ sắc thái: đùa vui nhẹ nhàng, tự trào hóm hỉnh, mỉa mai chua chát, châm biếm sắc sảo, đả kích quyết liệt
+Thể thơ: hầu hết là thơ cổ điển (tứ tuyệt) nhưng chứa đựng nội dung mới, hiện đại.
15. CHIỀU TỐI
“Nhật ký trong tù” của Hồ Chí Minh được viết từ 29-8-1942 đến 10-9-1943, khi Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam một cách vô cớ, đầy đoạ khắp các nhà lao tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Trong số 133 bài thơ “Nhật ký trong tù” có nhiều bài ghi lại những thời khắc đáng nhớ của một ngày bị đày ải. Mỗi bài là một nỗi niềm trong những tháng ngày “ác mộng”.
“Chiều tối” (Mộ) là một trong số những bài thơ như thế, ghi lại cảm xúc của Người trước thiên nhiên và cuộc sống lúc ngày tàn trên con đường giải lao vào khoảng cuối tháng 10-1942:
“Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ,
Cô vân mạn mạn độ thiên không.
Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc,
Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng”.
Một cái nhìn man mác, một thoáng ước mơ thầm kín về một mái ấm, một chỗ dừng chân… của nhà thơ trên con đường lưu đày khổ ải muôn dặm, được hé lộ qua bài thơ, đọc qua tưởng như chỉ tả cảnh chiều tối nơi xóm núi xa lạ.
Bài thơ thấm đượm một tình yêu mênh mông đối với tạo vật và con người. Trong đoạ đầy gian khổ, tâm hồn Bác vẫn dào dạt sự sống.
16. LAI TÂN
Bài thất ngôn tứ tuyệt “Lai Tân” là bài thơ số 97 trong số 133 bài thơ của “Ngục trung nhậtký” của Hồ Chí Minh. Bài thơ số 98 sau đó, với nhan đề “Đáo Liễu Châu”, tác giả ghi rõ ngày viết là 9-12-1942, có câu: “Mồng chín ta vừa đến Liễu Châu - Ngoảnh lại hơn trăm ngày ác mộng…”. Từ nhà lao Thiên Giang, Bác Hồ viết bài “Thiên Giang ngục” ngày 1-12-1942 (bài 94), rồi bị giải đi Lai Tân bằng tàu hoả, được ngồi trên đống than, Bác hóm hỉnh viết: “Nhưng so với đi bộ còn sang chán!”. Qua đó, ta biết bài thơ “Lai Tân” được Hồ Chí Minh viết vào tuần đầu của tháng 12-1942. Vì là “Nhật ký…” nên phải tìm hiểu cặn kẽ như thế!
“Lai Tân” là một bài thơ nhằm tố cáo cái hiện thực xấu xa, thối nát của xã hội Trung Quốc thời ấy, với ba chân dung về ban trưởng, cảnh trưởng, huyện trưởng tiêu biểu cho cái xấu xa, đồi bại của bọn quan lại chính quyền Tưởng Giới Thạch, nhưng chỉ là để mỉa mai, châm biếm cái nghịch lý, nghịch cảnh mà nhà thơ đã và đang phải đối diện và chịu đựng.
Cảm hứng chủ đạo bài thơ: nụ cười châm biếm của một nhân cách văn hoá lớn: giàu trí tuệ và đạo đức cao đẹp.
17. TỪ ẤY
1. Hoàn cảnh ra đời:
Bài thơ “Từ ấy” được Tố Hữu sáng tác vào tháng 7/1938; Bài thơ trích trong phần "Máu lửa" của tập thơ "Từ ấy" (tập thơ gồm 3 phần: "Máu lửa", "Xiềng xích", "Giải phóng").
“Từ ấy” là khi nhà thơ được giác ngộ chủ nghĩa Mác – Lê-nin, một kỷ niệm sâu sắc của người thanh niên yêu nước bắt gặp lí tưởng Cách mạng, mà sau này, ông nói rõ trong một bài thơ: “Con lớn lên, con tìm Cách mạng – Anh Lưu, anh Diểu dạy con đi - Mẹ không còn nữa, con còn Đảng. Dìu dắt khi con chửa biết gì” (Quê mẹ).
“Mặt trời chân lí” là hình ảnh ẩn dụ ca ngợi lí tưởng Cách mạng, ca ngợi chủ nghĩa Cộng sản đã soi sáng tâm hồn, đã “chói qua tim”, đem lại ánh sáng cuộc đời như “bừng” lên trong “nắng hạ” - Một cách nói rất mới, rất thơ về lí tưởng:
Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim.
2. Chủ đề:
Bài thơ bộc lộ niềm say mê náo nức khi đón nhận lí tưởng Đảng của Tố Hữu. Đồng thời thể hiện tâm nguyện của nhà thơ khi giác ngộ Cách Mạng.
3. Bố cục:
Đoạn 1: Khổ đầu - Niềm say mê náo nức của nhà thơ khi đón nhận lí tưởng Đảng.
Đoạn 2: Khổ 2 - Lời tự nguyện của nhà thơ sau khi giác ngộ lí tưởng Đảng.
Đoạn 3: Đoạn còn lại - Sự khẳng định của nhà thơ về sự gắn bó của mình với những kiếp người lao khổ.
18. MỘT THỜI ĐẠI TRONG THI CA
1. Tác giả: Hoài Thanh (1909-1982).
- Tên thật: Nguyễn Đức Nguyên.
- Quê quán: Nghi Trung, Nghi Lộc, Nghệ An.
- Xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo, sớm tham gia phong trào yêu nước. Tháng 8-1945 tham gia cách mạng và làm Chủ tịch Hội Văn hóa cứu quốc ở Huế. Viết văn từ những năm mới ngoài 20 tuổi. Hoạt động chủ yếu trong ngành Văn hoá- Nghệ thuật.
- Ông là nhà phê bình văn học xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại. Hoài Thanh có biệt tài trong thẩm thơ, ông gọi lối phê bình của mình là “lấy hồn tôi để hiểu hồn người”. Cách phê bình của ông nhẹ nhàng, tinh tế, tài hoa và luôn thấp thoáng nụ cười hóm hỉnh.
Những tác phẩm tiêu biểu: Văn chương và hành động (1936), Thi nhânViệt Nam (1942), Quyền sống của con người trong truyện Kiều của Nguyễn Du (1949), Nói chuyện thơ kháng chiến (1950), Phê bình và tiểu luận (batập:1960,1965,1971)
- Hoài Thanh được nhà nước tặng giải thưởng HCM về văn học nghệ thuật (2000).
2. Tác phẩm Một thời đại trong thi ca.
- Là bài mở đầu cuốn Thi nhân Việt Nam, tổng kết một cách sâu sắc phong trào Thơ mới.
- Đoạn trích thuộc phần cuối bài tiểu luận, nội dung bàn về Thơ mới và tinh thần Thơ mới. Đoạn trích đã vượt ra ngoài một bải nghị luận văn chương để thành tiếng nói tri âm của một người yêu TM đối với phong trào TM lúc bấy giờ.

VĂN HỌC 12
2. NGUYỄN ÁI QUỐC – HỒ CHÍ MINH
I. Vài nét về tiểu sử.
- Hồ Chí Minh tên gọi thời niên thiếu là Nguyễn Sinh Cung, trong thời kì đầu hoạt động cách mạng mang tên Nguyễn Ái Quốc, sinh ngày: 19/05/1890 trong một gia đình nhà nho yêu nước ở Kim Liên, huyện Nam Đàn, Nghệ An.
- Năm 1911, Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước. Tháng 1/1919, Người gửi tới Hội nghị Véc-xay bản Yêu sách của nhân dân An Nam, kí tên Nguyễn Ái Quốc. Năm 1920, dự Đại hội Tua và là một trong những thành viên sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Từ 1923 đến 1941 Người hoạt động chủ yếu ở Liên xô và Trung Quốc.
- Hồ Chí Minh đã tham gia thành lập nhiều tổ chức cách mạng như: VNTNCMĐCH(1925), Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á đông(1925) và chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức CS trong nước ở Hương Cảng(HC) thành Đảng CS Việt Nam.
- Ngày 28/1/1941 Người về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng. CM tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945 Người đọc bản Tuyên Ngôn Độc lập, khai sinh nước VNDCCH. Từ 1946 đến 1954, Người lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi. Từ 1955-1969 tiếp tục lãnh đạo cuộc KC chống Mĩ cứu nước. Người mất ngày 2/9/1969.
II. Sự nghiệp văn học.
1. Quan điểm sáng tác.
a. Tính chiến đấu của văn học:
- Văn nghệ là hoạt động tinh thần phong phú phục vụ cho sự nghiệp cách mạng, hoạt động văn học cũng là hoạt động chính trị của người cách mạng. Nhà văn cũng phải có tinh thần xung phong như những người chiến sĩ ngoài mặt trận.
- Quan điểm này được thể hiện trong “Khán thiên gia thi hữu cảm”:
Thơ xưa yêu cảnh thiên nhiên đẹp
Mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông
Nay ở trong thơ nên có thép
Nhà thơ cũng phải biết xung phong.
Chất thép ở đây là tính chiến đấu, nhà thơ phải là chiến sĩ.
Trong “Thư gửi các nghệ sĩ nhân dịp triển lãm hội họa 1951”, Người khẳng định: “VHNT cũng là một mặt trận, anh chị em là CS trên mặt trận ấy”.
- Quan điểm này của Người là sự tiếp nối và phát huy truyền thống VH dân tộc đã từng thể hiện trong thơ văn Nguyễn Trãi (Văn dĩ tải đạo), Nguyễn Đình Chiểu (Chở bao nhiêu đạo…), Nguyễn Văn Siêu (Chuyên chú ở con người).
Trong suốt cuộc đời chiến đấu của mình, các tác phẩm của Người là vũ khí sắc bén tấn công trực diện kẻ thù, động viên cổ vũ nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
b. Tính chân thực và tính dân tộc của văn học
- Người yêu cầu văn nghệ sĩ viết cho hay, cho chân thật, cho hùng hồn hiện thực đời sống. Phải chú ý nêu gương người tốt, việc tốt, uốn nắn và phê phán cái xấu.
- Về hình thức thể hiện: tránh lối viết cầu kì, xa lạ, nặng nề. Hình thức của tác phẩm phải trong sáng, hấp dẫn, ngôn từ phải chọn lọc. TP phải thể hiện được tinh thần của dân tộc, của nhân dân và được nhân dân yêu thích.
c. Tính mục đích của văn học:
- Người quan niệm VH phải phục vụ QCND. Chức năng của VN trước hết là tuyên truyền cổ động, ca tụng các anh hùng chiến sĩ xả thân vì nước, những người tốt, việc tốt để động viên ND và làm gương cho con cháu mai sau.
- Người cầm bút phải xác định: “Viết cho ai?”(đối tượng), “Viết để làm gì?” (mục đích), “Viết cái gì?” (nội dung), “Viết như thế nào?” (hình thức). Những vấn đề đó chính là ý thức trách nhiệm của người cầm bút đối với con người và cuộc sống.
2. Sáng tác VH
a. Văn chính luận.
- Văn chính luận của Người thể hiện rõ mục đích đấu tranh chính trị, nhằm tiến công trực diện kẻ thù hoặc thể hiện những nhiệm vụ cách mạng của dân tộc.
- Những tác phẩm chính luận thể hiện một trí tuệ sắc sảo và cả một tấm lòng yêu ghét nồng nàn, sâu sắc, tầm hiểu biết sâu rộng về văn hóa, về thực tiễn cuộc sống. Chính vì thế văn chính luận của Người trở thành những áng văn chính luận mẫu mực. Các tác phẩm tiêu biểu là Bản án chế độ thực dân Pháp, Tuyên ngôn độc lập, các Lời kêu gọi, Di chúc.
b. Truyện và kí:
- Từ những năm 20 của thế kỉ 20 (1920-1925) Người đã sáng tác một số truyện ngắn bằng tiếng Pháp với một bút pháp hiện đại. Truyện ngắn của Người cô đọng, hàm súc, kết cấu độc đáo hấp dẫn, có tính chiến đấu cao, thể hiện vẻ đẹp trí tuệ sắc sảo, vốn văn hoá sâu rộng và tính thực tiễn cao nhằm tố cáo, đả kích, châm biếm sâu cay TD và PK ở các nước thuộc địa. So với những truyện ngắn tiếng Việt cùng thời ở trong nước, các truyện ngắn của Người, xét về mặt nội dung tư tưởng cũng như nghệ thuật là cả một cuộc cách mạng.
- Những tác phẩm chính: Pari, Con người biết mùi hun khói, Vi hành, Lời than vãn của bà Trưng Trắc...
- Ngoài ra, Người còn viết một số tác phẩm hồi kí như: Nhật kí chìm tàu, Vừa đi đường vừa kể chuyện (1963).
c. Thơ ca:
- Sự nghiệp thơ ca của Bác vô cùng phong phú và tên tuổi của người gắn liền với tập thơ Nhật kí trong tù, một tập thơ đặc sắc thể hiện sự đa dạng và linh hoạt về bút pháp nghệ thuật, kết tinh giá trị tư tưởng và nghệ thuật thơ ca Hồ Chí Minh.
- Ngoài NKTT, còn phải kể đến một số chùm thơ người làm ở Việt Bắc trong những năm kháng chiến. Điểm nổi bật ở những bài thơ này là một phong thái ung dung hoà hợp với thiên nhiên, thể hiện bản lĩnh của người cách mạng (Thơ HCM,1967,86 bài; Thơ chữ Hán HCM 1990, 36 bài).
3. Phong cách nghệ thuật.
Phong cách nghệ thuật của Hồ Chí Minh độc đáo mà đa dạng.
- Văn chính luận: có khi ngắn gọn, súc tích, lập luận chặt chẽ, lí lẽ đanh thép, bằng chứng thuyết phục, giàu tính luận chiến; có khi giọng điệu ôn tồn thân mật, thấu tình dạt lí, đưa lẽ phải thấm vào lòng người.
- Truyện và kí: Thể hiện tính chiến đấu mạnh mẽ và nghệ thuật trào phúng sắc bén, chất trí tuệ sắc sảo và hiện đại.
- Thơ ca: Phong cách hết sức đa dạng, hàm súc, uyên thâm, đạt chuẩn mực về nghệ thuật, sử dụng thành công nhiều thể loại thơ. Có loại thơ tuyên truyền cổ động lời lẽ mộc mạc giản dị, có loại thơ hàm súc uyên thâm kết hợp giữa màu sắc cổ điển và bút pháp hiện đại, có loại thơ giàu chất trữ tình, chan chứa tình nhân đạo và dạt dào cảm xúc trước vẻ đẹp của thiên nhiên.
Tóm lại, phong cách nghệ thuật HCM vừa đa dạng vừa thống nhất. Văn phong của Người ngắn gọn, trong sáng, giản dị, đi đôi với sự sáng tạo linh hoạt, chủ động trong việc sử dụng các hình thức thể loại và ngôn ngữ, các bút pháp và thủ pháp NT; đồng thời từ tư tưởng tới hình tượng NT đều luôn vận động một cách tự nhiên, nhất quán hướng về sự sống, ánh sáng và tương lai.
III. Kết luận.
Văn thơ HCM thể hiện sâu sắc lòng yêu thương và tâm hồn cao cả của Người. Văn thơ HCM để lại ấn tượng sâu đậm trong đời sống tinh thần của người VN và bạn bè quốc tế, thể hiện rõ nét bản sắc văn hóa VN. Đây là di sản vô cùng quí báu lưu lại mãi mãi những khía cạnh tâm hồn của một người VN đẹp nhất, vĩ đại nhất trong thời đại ngày nay.

3. TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP
1. Hoàn cảnh lịch sử:
- Tổng khởi nghĩa và Cách mạng tháng Tám thành công rực rỡ.19/8/1945 chính quyền ở thủ đô Hà Nội đã về tay nhân dân ta. 23/8/1945, Huế và 25/8/1945, Sài Gòn - Chợ Lớn giành chính quyền.
- Cuối tháng 8/1945, tại căn nhà số 48 phố Hàng Ngang, Hà Nội, lãnh tụ Hồ Chí Minh soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập. Ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Người thay mặt Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, đọc bản Tuyên ngôn Độc lập trước hàng chục vạn đồng bào ta, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra một kỷ nguyên mới Độc lập, Tự do cho đất nước.
- Ở thời điểm đó, thực dân Pháp núp sau quân Anh đang lăm le quay trở lại nước ta. Chúng nhân danh Đồng minh và với chiêu bài Đông Dương vốn là thuộc địa của Pháp, hòng quay lại cướp nước ta một lần nữa. Vì thế TNĐL ngoài mục đích tuyên bố trước quốc dân đồng bào và thế giới về nền độc lập của dân tộc VN còn phải đập tan luận điệu xảo trá đó của bọn thực dân Pháp trước dư luận thế giới.
2. Bố cục
a. Cơ sở pháp lý và chính nghĩa của bản Tuyên ngôn Độc lập (Từ đầu đến “không ai chối cãi được”)
b. Bản cáo trạng tội ác của thực dân Pháp và quá trình đấu tranh giành độc lập của nhân dân ta (“Thế mà hơn 80 năm nay… Dân tộc đó phải được độc lập!”)
c. Chính phủ Lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố với thế giới (Phần còn lại).

4. NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU-NGÔI SAO SÁNG TRONG VĂN NGHỆ DÂN TỘC
1.Tác giả:
- Phạm Văn Đồng (1906 – 2000), quê xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, tham gia cách mạng rất sớm, từng bị tù đày. Ông là nhà hoạt động cách mạng xuất sắc (đặc biệt trong lĩnh vực chính trị, ngoại giao).
- Phạm Văn Đồng không chỉ là nhà hoạt động chính trị, ông còn là một nhà giáo dục tâm huyết và một nhà lí luận văn hoá văn nghệ lớn, có những đóng góp to lớn về lĩnh vực văn hoá nghệ thuật góp phần vào sự phát triển của nền văn học n¬ước nhà.
- Tác phẩm tiêu biểu: “ Tổ quốc ta, nhân dân ta và người nghệ sĩ”. Trong tác phẩm này có bài viết về: Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Chí Minh. Và các bài: Hiểu biết, khám phá và sáng tạo để phục vụ tổ quốc và chủ nghĩa xã hội (1968), Tiếng Việt một công cụ cực kì lợi hại trong công cuộc cách mạng tư tưởng, văn hóa ( 1979)…
2. Tác phẩm:
a. Hoàn cảnh ra đời
- Bài Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc đ¬ược viết nhân kỉ niệm 75 năm ngày mất của NĐC (3/7/1888 - 3/7/1963), đăng trong tạp chí Văn học số 7-1963.
- Từ đầu những năm 60 của TK XX, Mĩ bắt đầu can thiệp sâu hơn vào Việt Nam. Tr¬ước tình hình đó hàng loạt các phong trào đấu tranh chống Mĩ của nhân dân nổi lên, tiêu biểu là Đồng Khởi Bến Tre. Năm 1963 tình hình miền Nam có những biến động lớn. Mĩ thay đổi chiến thuật từ chiến tranh Đặc biệt sang chiến tranh Cục bộ và đ¬ưa 16.000 quân vào miền Nam, phong trào đấu tranh rầm rộ của học sinh, sinh viên ở thành thị kết hợp với nông dân các vùng lân cận; một số nhà s¬ư tự thiêu để phản đối Mĩ.
- Mục đích của PVĐ viết bài tiểu luận này là để tưởng nhớ Nguyễn Đình Chiểu; định hướng, điều chỉnh cách nhìn nhận, đánh giá về Nguyễn Đình Chiểu và thơ văn của ông; đồng thời khơi dậy tinh thần yêu nước trong thời đại chống Mĩ cứu nước.
b. Bố cục: 3 phần:
- Nêu vấn đề: Từ đầu đến “đặt chân lên đất nước ta”: Cách nhìn nhận và đánh giá về Nguyễn Đình Chiểu, nhà thơ lớn của dân tộc.
- Giải quyết vấn đề: Tiếp theo đến “còn vì văn hay của Lục Vân Tiên”. Tác giả nêu và giải quyết 3 luận điểm:
+ Luận điểm 1: Cuộc đời, con người và quan niệm sáng tác thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu.
+ Luận điểm 2: Thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu - tấm gương phản chiếu phong trào chống Pháp oanh liệt và bền bỉ của nhân dân Nam Bộ.
+ Luận điểm 3: Lục Vân Tiên, tác phẩm lớn nhất của Nguyễn Đình Chiểu, có ảnh hưởng sâu rộng trong dân gian, nhất là ở miền Nam.
- Kết thúc vấn đề: Phần còn lại: Cuộc đời và sự nghiệp thơ văn Nguyễn Đình Chiểu - tấm gương sáng của mọi thời đại.

5. TÂY TIẾN
1. Tác giả:
- Quang Dũng (1921-1988) tên thật là Bùi Đình Diệm. Quê quán: Đan Phượng, Hà Tây.
- Ông là người nghệ sĩ đa tài: làm thơ, viết văn, vẽ tranh, soạn nhạc. Dấu ấn hội họa và âm nhạc in đậm trong các thi phẩm của Quang Dũng.
- Phong cách thơ: hồn thơ phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn, tài hoa. Hào hoa là chữ nói lên hồn cốt con người cũng như thơ ca Quang Dũng.
- Tác phẩm tiêu biểu: Mùa hoa gạo (1950), Rừng về xuôi (1968), Mây đầu ô (1986).
2. Tác phẩm:
a. Hoàn cảnh ra đời:
- Đoàn binh Tây Tiến: + thời gian thành lập: đầu năm 1947
+ Nhiệm vụ: phối hợp với bộ đội Lào, bảo vệ biên giới Việt – Lào và đánh tiêu hao lực lượng quân Pháp ở Thượng Lào và miền tây Nam Bộ của Việt Nam.
+ Địa bàn chiến đấu: Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình, miền tây Thanh Hóa (Việt Nam), Sầm Nưa (Lào). Địa bàn rộng lớn, hoang vu, hiểm trở, rừng thiêng nước độc.
+ Thành phần đoàn binh: phần đông là thanh niên Hà Nội, trong đó có nhiều học sinh, sinh viên, điều kiện chiến đấu gian khổ, thiếu thốn về vật chất, bệnh sốt rét hoành hành dữ dội. Tuy vậy họ vẫn sống rất lạc quan, vẫn giữ cốt cách hào hoa, lãng mạn.
+ Sau một thời gian hoạt động ở Lào, trở về Hòa Bình thành lập trung đoàn 52.
- Cuối năm 1948: Quang Dũng chuyển sang đơn vị khác. Tại Phù Lưu Chanh, tác giả viết bài thơ này. Bài thơ là nỗi nhớ của QD về đơn vị cũ, về kí ức một thời gian khổ và hào hùng trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp.
b. Nhan đề:
- Ban đầu Nhớ Tây Tiến. Khi in trong tập Rừng biển quê hương, tác giả đổi thành Tây Tiến.
- Ý nghĩa nhan đề: đảm bảo tính hàm súc của thơ, cảm xúc chủ đạo chi phối mạch thơ (nối nhớ) được giấu kín. Nhắc đến Tây tiến là đã thấy nhớ rồi, không cần thêm chữ nhớ vào nữa.
c. Bố cục:
- Đoạn 1 (từ đầu – Mai Châu mùa em thơm nếp xôi): Những cuộc hành quân gian khổ và khung cảnh thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, hoang sơ, dữ dội.
- Đoạn 2 (tiếp – Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa): Những kỉ niệm đẹp về tình quân dân trong đêm liên hoan và cảnh sông nước Tây Bắc thơ mộng.
- Đoạn 3 (tiếp – Sông Mã gầm lên khúc độc hành): Bức tượng đài về người lính Tây Tiến.
- Đoạn 4 (còn lại): Khúc vĩ thanh: Sự nghiệp của những người lính TT vẫn được đồng đội tiếp tục(Lời thề gắn bó với đoàn quân và Tây Bắc)
d. Đặc điểm nổi bật:
- Cảm hứng lãng mạn và tinh thần bi tráng là đặc điểm nổi bật, xuyên suốt bài thơ. Cảm hứng LM thể hiện ở cái tôi đầy tình cảm, cảm xúc của QD. Nó phát huy cao độ trí tưởng tượng, sử dụng rộng rãi những yếu tố cường điệu và phóng đại, những thủ pháp đối lập để tô đậm cái phi thường, tạo nên ấn tượng mạnh mẽ về cái hùng vĩ và cái tuyệt mĩ.
- Chất LM thể hiện qua cách miêu tả, cảm nhận thiên nhiên Tây Bắc: vừa hùng vĩ, thơ mộng, vừa hoang sơ dữ dội và ấm áp. Con người TB cũng mang những nét huyền bí, thơ mộng của núi rừng.
- Chất LM thể hiện chủ yếu ở cảm hứng hướng tới cái cao cả, sẵn sàng xả thân hi sinh tất cả cho lí tưởng chung của cộng đồng, của dân tộc.
- Tinh thần bi tráng: nói đến cái bi (chết chóc, hi sinh) mà không luỵ. Trái lại, cái bi đó lại được thể hiện bằng một giọng điệu, âm hưởng tráng lệ, hào hùng. Chất hùng tráng có phần lấn lướt trong suốt bài thơ.
- LM và bi tráng hoà hợp với nhau tạo nên vẻ đẹp độc đáo của bài thơ, cho ta một góc nhìn khác về hình tượng người lính trong cuộc trường chinh đầy hi sinh gian khổ của dân tộc.
NDX