Trang chủ

     

Thứ Bảy, 12 tháng 9, 2009

CÓ HAY KHÔNG QUAN TRÍ ?

CÓ HAY KHÔNG QUAN TRÍ?

     Trên trang blog của Nhà văn Nguyễn Quang Lập mọi người đang bàn luận sôi nổi về cái gọi là "quan trí". Lúc mới đọc tôi thấy hơi là lạ. Quả thực xưa nay mình chỉ biết đến dân trí chứ có ai nói đến quan trí đâu. Lục khắp tư liệu cổ kim cũng chỉ thấy nói đến dân trí. Nào là dân trí thấp, dân trí kém cỏi, mặt bằng dân trí chưa được nâng cao ...

     Từ câu chuyện trên, tôi ngẫm ra đôi điều:
Hoặc là đã làm quan thì mặc nhiên quan trí cao, chẳng cần phải bàn cãi, chẳng cần phải có giải pháp để mà lo nâng cao trí quan.
     Hoặc là lâu nay ta quên béng mất (cứ nghĩ quan thì phải tài giỏi, tức là dân trí cao hơn dân trí rồi!), chỉ chăm chắm lo cho bộ phận quảng đại kia.
     Vấn đề đặt ra thật thú vị!
     Quan trí là gì nhỉ? Để nêu ra một định nghĩa không khó lắm. Nhưng nêu ngắn gọn thì e lại sa vào cái bệnh chung chung, đại khái. Nếu nêu chi tiết thì lại dài dòng văn tự, lại khó nhớ, khó hiểu. Thôi thì cứ nói nôm na rằng: quan trí là cách ứng xử hàng ngày của người làm quan. Người có quan trí phải hơn người có dân trí.
     Vậy, quan trí của ta có không? Có thì đạt đến mức nào? Trả lời những câu hỏi này khó quá! Mỗ thì quan trí chẳng có mà dân trí thì thấp, nhưng cũng thử tìm thử câu trả lời xem sao. Cứ xem hiệu quả của bộ máy hành chính ở mức nào thì có thể tạm đo được mức quan trí nói chung. Chừng nào tham nhũng còn hoành hành, người dân còn sợ khi có việc phải đến cửa công, bộ máy hành chính còn "hành" là chính, cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm công chức thiếu minh bạch ... thì chưa thể nói là quan trí cao được.
     Bất chợt tôi lại nhớ đến cái khuôn mẫu khai lí lịch của ta xưa nay có một mục chẳng giống ai: Trình độ văn hoá. Có lẽ cái vị nào đó quan trí cũng chỉ hạng tầm tầm nên khi nghĩ ra mục này chỉ hiểu đơn giản là văn hoá học hết lớp mấy, cho nên buộc mọi người từ đời ông đến đời cha, đời con rồi nay đến đời cháu chắt cứ phải khai trình độ văn hoá theo bằng cấp mình học được. Vô tình sẽ có người trình độ văn hoá chỉ lớp Một (vì chỉ học hết lớp Một), nhưng lại có người trình độ văn hoá sẽ là tiến sĩ! Nghịch lí thay, khi có người văn hoá cấp thấp lại ứng xử rất là văn hoá, còn có những người văn hoá cấp cao thì ứng xử với nhau lại chẳng văn hoá cao cấp tí nào.
     Nhiều vị quan chức hiện nay, nhìn vào lí lịch của họ không khỏi bái phục: đỏ chói bằng cấp đủ loại. Người ít thì một hai bằng, người nhiều thì ba bốn bằng từ đại học trở lên. Vậy thì không thể nói quan chức của chúng ta không có trí quan, hoặc quan trí thấp được. Có người còn lí luận: quan trí của ta còn cao hơn so với thiên hạ nữa là đằng khác. Này nhé, nếu quan trí không cao thì làm sao nghĩ ra được lắm chiêu rút ruột công trình, bớt xen của công đến thế? Quan trí không cao thì làm sao "chạy" được chức tước, đánh bật bao đối thủ sừng sỏ khác để ngồi vào ghế ngon lành? Vân vân và vân.
     Thế nhưng, quả thực quan trí ta còn thấp lắm. Có lẽ cũng đã đến lúc phải chú ý đến cái việc nâng cao quan trí. Nhưng nâng như thế nào? Tôi có ông bạn hàng xóm đề xuất ba ý tưởng:
     Một là, mở trường lớp bồi dưỡng, luyện thi quan trí. Không có bằng cấp quan trí thì không tiến cử. Sau mỗi ba năm phải sát hách lại.
     Hai là, người làm quan cùng gia đình, vợ con, bồ nhí ... phải ở nhà công vụ suốt đời. Như thế cũng hơi bất tiện, bởi nhà công vụ chắc phải nhiều lắm (nhưng cũng chẳng thấm gì so với những ngôi biệt thự trị giá hàng chục tỉ ...). Nên chăng xây theo kiểu nhà chung cư. Tập trung một chỗ, kiểm soát nhau thật tiện. Y như cái thời bao cấp ở nhà tập thể, anh nào giàu, nghèo biết ngay!
     Ba là, trước mắt, chưa mở được trường lớp bồi dưỡng quan trí thì tạm thời độ chế lại quan phục, tránh tình trạng vạt áo trước dài, vạt áo sau ngắn và ngược lại.
     Ý tưởng quả là hay, nhưng tôi đồ rằng, nếu công bố ra thì nó sẽ bị xếp ngay vào diện dự án bất khả thi!
     Đến đây thì tôi không biết nói gì thêm nữa. Dân trí thấp nên bó tay chấm com rùi. Mời quí vị bàn tiếp.
                                 Ngày 09 tháng 12 2009
                                               NDX