Trang chủ

     

Thứ Ba, 19 tháng 5, 2015

Quan chức sao lại “lơ mơ làng màng”?

Kết quả hình ảnh cho phút 89 nguyễn duy xuân
 
- Họ tuy lơ mơ về chuyên môn, nghiệp vụ quản lí nhà nước nhưng nếu ra quán nhậu hay cà phê đèn mờ nói chuyện về cách thức chạy chức chạy quyền hay khui tiền cấp dưới thì họ... thạo lắm. Không thể không lo lắng cho tương lai của đất nước với những cán bộ cốt cán mà trình độ, năng lực chuyên môn “lơ mơ làng màng” như vậy.


Phát biểu tại phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 11/5, ông Nguyễn Đình Quyền - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nói: “Mấy hôm nay, tôi đi chấm thi chuyên viên cao cấp, tôi thấy đáng lo ngại vì trình độ dường như không nâng lên còn đi xuống.

Hôm qua, tôi chấm phúc tra mới thấy có những cán bộ không nên cho đi thi, bởi vì tự trọng rất kém, bài viết nguệch ngoạc mấy chữ.

Đó là Vụ trưởng, Giám đốc Sở, Phó Chủ tịch UBND. Khi thi vấn đáp thì rất nhiều Giám đốc sở, Vụ trưởng không nắm rõ về nội dung quản lý nhà nước, lơ mơ làng màng
”.

Quả là sốc toàn tập, dù điều ông Quyền nói không có gì mới mẻ, đặc biệt. Nhưng cán bộ cỡ Vụ trưởng, Giám đốc Sở, Phó Chủ tịch UBND quản lý nhà nước mà lơ mơ, làng màng thì không còn là chuyện bình thường nữa rồi.

Vì sao họ - những cán bộ cao cấp này lại ra nông nỗi thế? Lí giải cho điều này, nhiều độc giả cho rằng đây là hệ quả của việc chạy chức, chạy quyền và bằng giả; họ tuy lơ mơ về chuyên môn, nghiệp vụ quản lí nhà nước nhưng nếu ra quán nhậu hay cà phê đèn mờ nói chuyện về cách thức chạy chức chạy quyền hay khui tiền cấp dưới thì họ... thạo lắm. Tóm lại, cán bộ chỉ biết lo giữ ghế, lo kiếm chác, ít quan tâm đến công việc nên mù mờ về chuyên môn cũng là điều dễ hiểu (!?)

Ông Vũ Mão - nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng đã từng bình luận chất lượng cán bộ hiện nay: "Về việc nhìn nhận, đánh giá cán bộ lâu nay thường là nhìn vào lý lịch, bằng cấp, học hàm học vị”.

Những bình luận nói trên không phải không có cơ sở. Cách đây khoảng 20 năm, người viết bài này cũng đã từng chứng kiến một cuộc thi tốt nghiệp bổ túc văn hóa có lẽ vô tiền khoáng hậu. Năm đó, cụm thi gồm 4 huyện phía bắc của tỉnh nọ đặt tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện B. Phần lớn thí sinh dự thi là cán bộ nhân viên đương nhiệm của các địa phương. Đặc biệt huyện C có cả bộ sậu đi thi gồm chủ tịch, phó chủ tịch, trưởng phòng tài chính huyện… Nhiệm vụ “hộ tống” các thí sinh “VIP” được trao cho trưởng phòng Giáo dục và hiệu trưởng PTTH huyện. Một giàn giáo viên PTTH, nhân viên phục vụ cùng máy photo copy hùng hậu chiếm lĩnh khu nhà ở của giáo viên nằm phía sau Trung tâm GDTX sở tại. Nơi đây sẽ là “bộ chỉ huy tiền phương” tiếp nhận đề thi từ phòng thi lọt ra và tuồn bài giải vào cho các thí sinh. Giám thị, giám sát hầu như “bất lực” vì… nể các quan quá!

Mấy năm sau, vị chủ tịch huyện được thăng lên giám đốc sở Văn hóa, trong túi ông lúc này dắt đầy bằng cấp các loại.
Thử hỏi, trong hàng ngũ quan chức các cấp hiện nay, bao nhiêu vị tiến thân bằng tài năng đức độ, bao nhiêu vị được leo ghế như ông chủ tịch huyện C nói trên?

Hình minh họa từ Internet
Phát biểu trên đây của ông Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội gây sốc thực sự, dù hàng ngày dư luận cũng đã từng chứng kiến không ít những cái “lố” trong lời nói, trong cách hành xử của rất nhiều vị có chức có quyền được đăng tải trên mặt báo. Không thể không lo lắng cho tương lai của đất nước với những cán bộ cốt cán mà trình độ, năng lực chuyên môn “lơ mơ làng màng” như vậy.

Suy cho cùng, lỗi không phải ở các vị bởi một khi cơ chế tuyển dụng cán bộ vẫn còn áp đặt theo công thức 5C (Con cháu các cụ cả) hoặc theo “qui tắc”: “hậu duệ - quan hệ - tiền tệ - trí tuệ” thì loại cán bộ “lơ mơ làng màng” vẫn cứ chễm chệ trên ghế quyền lực, cản trở sự phát triển của đất nước.

12-5-2015
Nguyễn Duy Xuân
Nguồn tham khảo: http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Nhieu-Giam-doc-so-Vu-truong-lo-mo-lang-mang-post158200.gd