Trang chủ

     

Chủ Nhật, 5 tháng 4, 2015

Khi đồng tiền được chi đúng người, đúng việc

Người dân tổ 85 (phường Hòa Khánh Nam) nâng ly chúc mừng kỷ niệm 40 năm giải phóng Đà Nẵng
 
Lãnh đạo TP Đà Nẵng vừa có một quyết định “không giống ai”: Hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách của thành phố 18,6 tỉ đồng cho 5.729 tổ dân phố và 119 thôn để dân chúng tổ chức liên hoan nhân kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng Đà Nẵng (29/3/1975 – 29/3/2015).(1)

Ảnh: Người dân tổ 85 (phường Hòa Khánh Nam) nâng ly chúc mừng kỷ niệm 40 năm giải phóng Đà Nẵng


Đọc được tin này trên báo, bỗng thấy vui vui. Những ngày qua, dư luận bội thực với chuyện chặt cây xanh Hà Nội, sập dàn giáo ở Formosa (Hà Tĩnh), lấp sông Đồng Nai -  những câu chuyện làm đau lòng người không chỉ ở hậu quả nghiêm trọng mà nó gây ra. Nó còn đau ở chỗ, trong những chuyện ấy, dân bị “gạt” ra rìa, người ta không cần biết lòng dân ra sao, để rồi hành xử tùy tiện, phản khoa học, vô nhân tâm theo kiểu “sống chết mặc bay”. Vậy mà Đà Nẵng lại khác. Đà Nẵng “dám” trích ngân sách, chia tiền để dân vui vẻ trong ngày lễ. Xung quanh sự kiện này, cũng có những ý kiến trái chiều nhưng phần lớn đều đồng tình, bởi nó minh bạch, rõ ràng và quan trọng hơn là vì dân, cho dân. Ông Trần Thọ - Bí thư thành ủy Đà Nẵng nói mục đích là để bà con ở trong tổ dân phố hoặc trong khu dân cư tổ chức gặp mặt liên hoan cho vui vẻ, tạo không khí phấn khởi để chúng ta bước vào cuộc chiến đấu mới, xây dựng Đà Nẵng cho hoành tráng hơn, vui vẻ hơn.

Bởi thế, những ngày qua, ở Đà Nẵng, đi đâu cũng bắt gặp không khí vui tươi, phấn khởi toát lên từ tâm trạng, từ gương mặt của người dân. Họ đồng thuận với lãnh đạo thành phố, ai nấy  đều cho rằng đây là một chủ trương rất ý nghĩa chứ không hề lãng phí, điều quan trọng hơn là nó đem lại niềm vui cho người dân. TP Đà Nẵng có được như hôm nay là nhờ công sức của hàng triệu con người, từ lãnh đạo cho đến dân. Vậy nên bỏ ra 18 tỉ để đem lại niềm vui cho mọi người thì đâu phải là lớn so với sức dân đã làm thay đổi bộ mặt thành phố quê hương? (2)

Lại nghĩ đến chuyện cùng thời điểm này, cách Đà Nẵng không xa về phía bắc, tại trụ sở UBND xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền, TT-Huế đêm 27-3 có gần chục ô tô đậu ngoài sân, bên trong hội trường UBND hàng chục con người đang say trong cuộc nhậu bia rượu chảy tràn. Họ không phải là dân được Ủy ban xã mời lên chiêu đãi. Ngược lại, họ là những công bộc của dân - cán bộ huyện, cán bộ xã - đang nhậu xả láng trong lúc dân phải gồng mình lên mà chống chọi với đỉnh lũ. Tiền phục vụ cho bữa nhậu của các quan chắc chắn không phải là tiền túi của ai bỏ ra, cũng không phải các quan chung độ cho vui vẻ mà đích thị là tiền ngân sách, cũng là tiền thuế của dân. Hãy nghe ông Hồ Quang Minh, Chủ tịch huyện Quảng Điền thanh minh: "Chúng tôi ăn cơm chứ không... nhậu!". Nhưng, thưa ông Chủ tịch kính mến, hình ảnh phóng viên ghi được ngay buổi sáng hôm sau cuộc “ăn” tối ấy, vỏ lon bia vứt tràn lan trong hội trường UBND xã Quảng Thành đã nói lên tất cả.(3)

Lại nhớ câu chuyện xảy ra cách đây ba bốn năm. Tháng 10 năm 2011, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) gặp lũ nặng, người dân khắp chốn đang căng sức chống lũ bất kể ngày đêm. Giữa lúc nước sôi lửa bỏng ấy, ông Trần Đức Mậu, Chủ tịch UBND huyện Hòn Đất lại đi du lịch nước ngoài (Trung Quốc) do một doanh nghiệp địa phương đài thọ. Dù Huyện ủy đã có ý can ngăn không nên đi trong lúc này, nhưng ông vẫn “quyết tâm” bỏ lại đằng sau “1.700 ngôi nhà bị ngập, 3 trẻ em bị chết đuối, và 20 tỷ đồng thiệt hại” do lũ gây ra để lên đường du hí xứ người vì bản thân ông… tha thiết quá!!! Tiền để ông du hí dù là doanh nghiệp bỏ ra nhưng tục ngữ có câu: Thả con săn sắt bắt con cá rô, chẳng doanh nghiệp nào khờ đến mức biếu không lãnh đạo  bao giờ.(4)

Kể lại những câu chuyên trên để thấy việc làm của lãnh đạo TP Đà Nẵng là đáng hoan nghênh dù có thể đây chưa phải là cách tốt nhất. Thì có gì hoàn hảo được đâu. Nhưng đồng tiền chi ra để dân được hưởng trực tiếp lại không tốt sao? Tính ra, món quà ấy của chính quyền thành phố “biếu” dân cũng thật nhỏ nhoi. Một tổ dân phố bốn năm chục hộ được 3 triệu đồng (muốn cụng li cho vui phố vui phường thì dân cũng phải bỏ tiền túi mà góp thêm vào) có thấm gì với cuộc nhậu của dăm bảy quan chức nơi nhà hàng sang trọng?

Phải chăng việc làm của Đà Nẵng cũng là một cách để khoan sức dân. Vật chất tuy nhỏ nhưng giá trị tinh thần thì rất lớn. Khi dân yên, dân vui, dân đồng thuận thì việc gì chẳng xong. Xin nhắc lại một lần nữa lời ông Bí thư thành ủy: Mục đích của việc làm này là tạo không khí phấn khởi để Đà Nẵng bước vào cuộc chiến đấu mới, xây dựng thành phố hoành tráng hơn, vui vẻ hơn.

30-3-2015
Nguyễn Duy Xuân
Nguồn tham khảo:
1. http://dantri.com.vn/chinh-tri/da-nang-chi-18-ty-dong-ho-tro-dan-vui-choi-ky-niem-40-nam-giai-phong-1050506.htm
2. http://dantri.com.vn/xa-hoi/nguoi-dan-da-nang-han-hoan-mo-tiec-mung-40-nam-giai-phong-1051798.htm
3. http://kienthuc.net.vn/xa-hoi/can-bo-xa-nhau-nhet-linh-dinh-khi-dan-chay-lu-471792.html
4. http://danviet.vn/xa-hoi/kien-giang-dan-gong-minh-chong-lu-lanh-dao-du-hi-nuoc-ngoai-83013.html