Trang chủ

     

Thứ Tư, 12 tháng 11, 2014

Cấp phó chỉ để đi họp thôi ư?

Minh họa: Ngọc Diệp

- Đã đến lúc phải tái cơ cấu (chứ không chỉ cải cách thủ tục) bộ máy hành chính sao cho gọn nhẹ và hiệu quả mà trước hết là tái cơ cấu đội ngũ cán bộ.
Minh họa: Ngọc Diệp

Trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề “lạm phát” cấp phó, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết: “Bộ tôi có bốn thứ trưởng mà bố trí đi họp không đủ”!

Câu nói trên của Bộ trưởng hàm chứa hai ý, một: chuyện lạm phát cấp phó không có gì là lạ, hai: nền hành chính vận hành theo kiểu hội họp là chính thì cần nhiều cấp phó cũng là chuyện đương nhiên.

Trước hết nói về việc lạm phát cán bộ nói chung và cấp phó nói riêng. Có lẽ chẳng ở đâu như ở ta, một phòng ban nhân sự có khi chỉ có hai người vậy mà vẫn cơ cấu một trưởng phòng, một phó phòng. Tổ chức nhân sự kiểu ấy, dường như ở cơ quan nào, địa phương nào cũng có. Mới đây nhất, dư luận không khỏi sửng sốt khi một phòng ở Tổng Công ty Đường sắt chưa đến 20 nhân viên mà có 7 cán bộ lãnh đạo. Vài năm trước, báo chí đưa tin xã Quảng Vinh (huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) với 2.000 hộ, 9.500 nhân khẩu mà có đến mấy trăm cán bộ khiến cho dư luận không khỏi bị sốc một thời gian. Theo thống kê của Bộ Nội vụ, hiện cả nước có khoảng 130.000 thôn với hơn 900.000 cán bộ ở cấp xã, thôn. Chỉ mới cấp cơ sở thôi mà con số cán bộ ăn lương đã thấy “khủng” rồi. Quả đúng như đại biểu Trần Du Lịch nói: “Không dân nào đóng thuế nuôi nổi bộ máy này”!

Con số 139 nghìn cơ quan hành chính sự nghiệp và tổ chức hưởng ngân sách nhà nước hiện nay là nói đến cơ quan đầu ngành. Trong mỗi cơ quan ấy còn bao nhiêu bộ phận to nhỏ khác là những phòng ban, cục, vụ, viện,… Nếu công bố chức danh từ phó phòng và tương đương trở lên trong cả nước thì chắc chắn dư luận sẽ bị choáng bởi tỉ lệ cán bộ so với 2,5 triệu công chức hiện nay.

Nhiều cơ quan, nhiều bộ phận đẻ ra mà chức năng, nhiệm vụ không rõ ràng, chồng chéo, trùng lặp với cơ quan, bộ phận khác. Hậu quả là thực thi công việc cứ dẫm đạp lên nhau, chẳng ai chịu trách nhiệm, còn lương bổng thì cứ nhận đều đều.

Bộ máy hành chính hiện tại không chỉ cồng kềnh mà còn hoạt động kém hiệu quả. Biên chế không giảm, đầu mối quá nhiều, chất lượng công chức lại có vấn đề, khiến cho việc điều hành công việc hàng ngày của các cơ quan cứ lúng túng như gà mắc tóc. Để gỡ rối, không còn cách nào khác là phải hội họp. Nước ta có lẽ cũng đứng đầu thế giới về chuyện họp hành. Nhìn vào lịch làm việc của một cơ quan, tuần nào cũng kín mít những cuộc họp. Bộ trưởng Hà Hùng Cường nói không sai, lãnh đạo nhiều mà bố trí đi họp vẫn không đủ. Thế cho nên có vị suốt cả nhiệm kì dường như chỉ có mỗi một việc là đi họp. Hết họp trên, họp dưới, đến khởi công, cắt băng khánh thành, rồi giao ban, giao lưu gặp gỡ, lãnh đạo cứ gọi là xoay như chong chóng, chẳng còn thời gian đâu để mà lo việc chuyên môn của cơ quan nữa.

Để giải quyết những vấn nạn trên, nói như đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Hiến là “Tái cơ cấu chính các ông đi”!

Vâng! Đã đến lúc phải tái cơ cấu (chứ không chỉ cải cách thủ tục) bộ máy hành chính sao cho gọn nhẹ và hiệu quả mà trước hết là tái cơ cấu đội ngũ cán bộ. Phải mạnh dạn loại bỏ những quan chức yếu kém, để không còn vấn nạn loạn cấp cấp phó và loạn… họp hành!!!

Nguyễn Duy Xuân
Nguồn Dân trí: http://dantri.com.vn/dien-dan/cap-pho-chi-de-di-hop-thoi-u-993827.htm