Trang chủ

     

Thứ Tư, 3 tháng 9, 2014

Mùi tiền

 
Cư dân mạng đang xôn xao trước thông tin liên quan đến máy tính bảng có tên AIC Group Smart Education với giá nhập vào cho chỉ có 900 ngàn đồng!


Điều đáng nói là lô hàng gồm 3000 thiết bị này được nhập từ Đài Loan về Hải Phòng đều đã cài đặt giao diện tiếng Việt, cài sẵn một số giáo trình và sách giáo khoa Việt Nam.

Không nghi ngờ gì nữa, số máy tính bảng này là để dành riêng cho ngành giáo dục, bởi nếu không thì chẳng ai lại đi cài đặt các ứng dụng liên quan đến dạy học làm gì.

Câu hỏi mà dư luận đang đặt ra ở đây là: giữa lô hàng này với cái đề án “máy tính bảng” của Sở GD-ĐT TP. Hồ Chí Minh đang gây sốc dư luận có liên quan gì với nhau không?

Nếu đây là những lô hàng đầu tiên đón đầu đề án thì thêm một lần nữa, dư luận bị sốc nặng. Giá nhập một máy tính bảng chỉ có 900.000 VND, thế mà theo đề án, học sinh sẽ phải mua với giá 3-4 triệu đồng. Trừ chi phí gốc, với 327 ngàn máy bán ban đầu, nhà cung cấp ít nhất cũng lãi cả…1000 tỉ! Lợi nhuận quả là… siêu khủng!

Chưa hết với chất lượng máy như thông tin trên mạng thì chỉ dùng dăm bữa nữa tháng là có thể hư hỏng. Tiền nào của ấy, không ai tin máy tính bảng có giá 900 ngàn lại có thể siêu bền đối với trẻ nhỏ. Và nghiễm nhiên, nhà cung cấp trở thành đối tác độc quyền, cung cấp hàng chục vạn máy tính bảng mỗi năm để giải quyết sự cố hỏng hóc, mất mát cho học sinh trong quá trình sử dụng. Lợi nhuận chồng lên lợi nhuận. Hỏi ai mà không ham?

Sợ đầu óc mình nổ tung, tôi không dám liệt kê tiếp những hệ lụy mà phụ huynh và học sinh phải gánh chịu từ cái đề án “thế kỉ” này. Tôi ngơ ngơ ngác ngác như đứa trẻ lên sáu đang sắp sửa là đối tượng thực hiện cái đề án kia: - Sao lại thế? Vì sao lại thế?

- “Có gì khó hiểu đâu! – Ông bạn hàng xóm trả lời – Bởi nó nặng mùi lắm!” Tôi làm bộ ngạc nhiên hỏi: “Mùi gì?” - “Mùi tiền chứ còn mùi gì vào đây nữa!

Ừ nhỉ, “mùi tiền”! Nếu không có cái mùi quyến rủ ấy, chắc người ta cũng chẳng nhọc công lập đề án rồi tổ chức thuyết trình, hội thảo làm gì cho… rách việc.

Vì nó, người ta sẵn sàng biến trẻ nhỏ thành đối tượng kinh doanh bằng những mĩ từ cũng đầy sức quyến rũ: đổi mới, phát triển, hiện đại hóa giáo dục!

Bất chợt lại nhớ đến câu thơ của Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm mà ông bà dạy cho hồi tóc còn để chỏm: “Thớt có tanh tao ruồi đậu đến / Ang không mật mỡ kiến bò chi”.

Chả trách dân gian gọi Cụ là Trạng Trình. Năm trăm năm rồi mà lời dạy của Cụ cứ ngỡ mới hôm qua.

24-8-2014
Nguyễn Duy Xuân